Nước thành viên NATO ủng hộ Ukraine tấn công cả mục tiêu trên lãnh thổ Belarus

Ngoại trưởng nước thành viên NATO cho rằng, Ukraine có quyền tập kích lãnh thổ Belarus nếu Nga triển khai quân đội ở đó.

Ngoại trưởng Lithuania – ông Gabrielius Landsbergis (ảnh: Reuters)

Trả lời phỏng vấn của Radio Liberty (hãng truyền thông có trụ sở tại Cộng hòa Séc), Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cho rằng, nếu Nga triển khai lực lượng ở Belarus thì “việc lựa chọn mục tiêu” của Ukraine “cũng nên thay đổi”, TASS hôm 1/6 đưa tin.

“Ukraine phải có khả năng tự vệ. Nếu Nga bố trí các cơ sở quân sự trên lãnh thổ nước ngoài để tránh các cuộc tập kích thì tôi cho rằng, Ukraine có quyền điều chỉnh để lựa chọn mục tiêu cho phù hợp”, ông Landsbergis nói, trả lời câu hỏi về khả năng Ukraine tập kích các mục tiêu Nga như kho đạn hay doanh trại trong lãnh thổ Belarus.

Giới chức Nga và Belarus chưa bình luận về tuyên bố của Ngoại trưởng Lithuania.

Belarus là đồng minh thân cận của Nga nhưng không phải một bên tham chiến ở Ukraine. Hồi cuối tháng 2/2022, Belarus đã cho phép Nga sử dụng lãnh thổ nước này để tấn công vào Kiev.

Tháng 5/2024, Nga đã triển khai một số vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus. Theo Bộ Quốc phòng Nga, động thái này nhằm đáp trả việc NATO ngày càng tăng sức ép đối với Nga và Belarus ở sườn phía đông.

Bình luận mới của Ngoại trưởng Lithuania được đưa ra trong bối cảnh các nước thành viên NATO tranh cãi về việc có nên cho phép Ukraine sử dụng vũ khí được viện trợ để tập kích lãnh thổ Nga hay không.

Đến nay, hơn 10 nước thành viên NATO (khối có 32 thành viên), trong đó có Lithuania, đã ủng hộ ý tưởng này.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Prague (Cộng hòa Séc) hôm 31/5, Ngoại trưởng Mỹ Blinken xác nhận thông tin Tổng thống Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, giới hạn ở các khu vực gần vùng Kharkiv.

Ông Blinken không nói rõ Tổng thống Biden có đồng ý cho Ukraine tấn công mục tiêu tại các thành phố khác của Nga hoặc địa điểm nằm sâu trong lãnh thổ Nga hay không.

Tuy nhiên, đây là động thái có thể làm leo thang đáng kể căng thẳng trong cuộc xung đột ở Ukraine, theo Reuters.

Hôm 31/5, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, Nga “không nói đùa” về kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để đối phó Ukraine.

Theo ông Medvedev, với việc NATO liên tục làm leo thang căng thẳng trong cuộc xung đột ở Ukraine, không ai có thể loại trừ việc cuộc chiến “chuyển sang giai đoạn cuối”.

Vương Quốc – TASS, Reuters

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN