Viện Pasteur TP HCM triển khai gấp biện pháp phòng cúm H5N1

Viện Pasteur TP HCM vừa có công văn khẩn gửi giám đốc Sở Y tế 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam nhằm có biện pháp tăng cường giám sát viêm phổi nặng liên quan cúm H5N1.
Mới đây, Viện Pasteur TP HCM dẫn thông tin chia sẻ từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cơ quan đầu mối y tế quốc tế, cho hay tại tỉnh Prey Veng của Campuchia (tỉnh có đường biên giới với Việt Nam) bước đầu ghi nhận hai trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm gia cầm A (H5N1) độc lực cao. Trong đó có một trường hợp tử vong và một số trường hợp nghi mắc bệnh.
Tình hình cúm gia cầm là "đáng lo ngại", WHO đang làm việc với chính quyền Campuchia sau khi có hai trường hợp nhiễm cúm gia cầm H5N1 ở người được phát hiện ở nước này trong một gia đình.
Vien Pasteur TP HCM trien khai gap bien phap phong cum H5N1
Cúm A (H5N1) thuộc nhóm A theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Vi rút này có độc lực cao, có khả năng lây từ gia cầm sang người, với tỉ lệ tử vong có thể lên tới 60%.
Trước tình hình trên, Viện Pasteur TP HCM đề nghị giám đốc Sở Y tế 20 tỉnh, thành phố phía Nam chỉ đạo các đơn vị/phòng ban trực thuộc triển khai một số nội dung như sau:
Thứ nhất, cần tập trung giám sát, phát hiện các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt chú ý các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi/đến/ở từ vùng có dịch. Kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến Viện Pasteur TP HCM xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Các đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế giám sát chặt chẽ người ra/vào/ở vùng có dịch cúm gia cầm A (H5N1), đồng thời phối hợp với đơn vị kiểm dịch động thực vật giám sát gia cầm, động vật thủy sản vào Việt Nam qua cửa khẩu và qua đường mòn lối mở.
Vien Pasteur TP HCM trien khai gap bien phap phong cum H5N1-Hinh-2
Viện Pasteur TP HCM triển khai gấp biện pháp phòng cúm H5N1 
Bên cạnh đó, Trung tâm kiểm soát các tỉnh, thành phố phối hợp với chi cục chăn nuôi và thú y các tỉnh phát hiện sớm ổ dịch cúm gia cầm và chia sẻ thông tin liên ngành. Việc xử lý ổ dịch cúm gia cầm được thực hiện theo quy định.
Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, chùm ca bệnh/ổ dịch cúm và viêm đường hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và cơ sở y tế để xử lý kịp thời, hạn chế lây lan ra diện rộng. Song song đó cần lấy mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh.
Đồng thời, triển khai ngay công tác truyền thông đến người dân về các biện pháp phát hiện, phòng chống bệnh gia cầm như vệ sinh cá nhân. Không tiêu thụ, buôn bán, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm chết không rõ nguyên nhân. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm A (H5N1) thuộc nhóm A theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Vi rút này có độc lực cao, có khả năng lây từ gia cầm sang người, với tỉ lệ tử vong có thể lên tới 60%.
Tiền sử dịch tễ là đã từng tiếp xúc với bệnh nhân bị bệnh cúm gia cầm, gia cầm bị bệnh, hoặc từng ở khu vực đang lưu hành bệnh dịch cúm gia cầm trong vòng 7 ngày.
Biểu hiện lâm sàng: Sốt trên 380C, có thể rét run; Ho, thường ho khan, đau ngực, ít gặp triệu chứng viêm long đường hô hấp trên... Khó thở, thở nhanh, tím tái; Nghe phổi thấy có ran nổ, ran ẩm, nhịp tim nhanh, đôi khi có sốc.
Các triệu chứng khác: đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, rối loạn ý thức, suy đa tạng; Chụp X-quang phổi có tổn thương thâm nhiễm lan tỏa một bên hoặc hai bên, tiến triển nhanh; Xét nghiệm công thức máu có số lượng bạch cầu bình thường hoặc giảm.
Hương Nguyên

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN