Shark Liên khuyên 'Không Nghe, Không Nhìn, Không Nói'

Shark Liên chia sẻ trên trang cá nhân về cách tiếp nhận những thông tin trên mạng xã hội như thế nào là đúng khi những thông tin cuồng loạn xuất hiện nhan nhản mỗi ngày trên mạng xã hội.
Mấy hôm rồi, tôi có bài viết về việc để có được cuộc sống bình yên, hãy nỗ lực tu tập thay vì đếm số lần thường xuyên đến Chùa. Nhiều bạn thắc mắc hỏi, “tu tập thế nào mới là đúng?”. Tôi không có đáp án cho câu hỏi này, hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, lý do buồn phiền, lý do tức giận, lý do sân hận, lý do đêm về ngủ không ngon,... không ai giống ai. 
Để tìm về bình yên, bắt buộc tự mỗi người phải bóc tách chính mình và cải thiện bản thân trước những sự tác động xung quanh. 
Shark Lien khuyen 'Khong Nghe, Khong Nhin, Khong Noi'
Shark Liên chia sẻ hình ảnh mỗi ngày lên trang cá nhân của mình. Ảnh: FBNV
Tuy không thể giúp từng người một, nhưng tôi vẫn có một bài học chung cho tất cả dựa trên hình tượng “khỉ tam không”. “Khỉ tam không” có nguồn gốc tại Ấn Độ, sau du nhập đến Trung Quốc, rồi từ Trung Quốc theo các Nhà sư đến Nhật Bản. Tại Nhật, ý nghĩa đằng sau hình tượng “Khỉ tam không” bắt đầu lan rộng ra toàn thế giới. 
“Khỉ tam không” thực chất chỉ là một bức phù điêu có khắc hình ảnh 3 chú khỉ với 3 tư thế khác nhau - một che miệng, một che tai, một bịt mắt. Ban đầu, khi vô tình nhìn thấy hình ảnh bức phù điêu, tôi đã nghĩ “khỉ tam không” là: Không nói, không nghe và không thấy. 
Về sau này, đi qua rất nhiều thời đoạn khác nhau của cuộc đời, tôi hiểu ra, ý nghĩa đằng sau hình tượng “khỉ tam không” còn rộng lớn hơn gấp nhiều lần.
Triết lý nhà Phật cho rằng, bản chất con người chúng ta từ khi sinh ra vốn dĩ rất thanh sạch, nhưng vì va vấp với cuộc đời trong quá trình trưởng thành mà sinh ra đau khổ.
Tất cả đều bắt nguồn từ cái tâm chấp niệm bị dẫn lối từ những điều mắt thấy, những chuyện tai nghe, những lời miệng nói - khổ vì nghe chuyện thiên hạ, khổ vì nói chuyện thế gian và khổ vì nhìn lỗi người khác.
Để cái tâm mình không bị mắt, tai, miệng dẫn dắt là một việc khó. Bởi giống như loài khỉ, tâm của chúng ta luôn lăng xăng nhảy nhót, không thể ở yên. Nhưng khó không phải là buông xuôi, “khỉ tam không” dạy cho chúng ta 3 bài học quý để tự bản thân giữ cho tâm luôn tĩnh lặng:
Khỉ bịt mắt tức là mắt nhìn mà tâm không giữ - không để bụng chuyện đẹp xấu vốn dĩ rất vô thường của cuộc đời. Không u mê, ganh tị, ghen ghét trước cái đẹp và phẫn nộ, dao động trước cái xấu.
Khỉ bịt tai tức là nghe mà tâm không chấp - không nặng lòng nghĩ ngợi chuyện người ta khen chê mình thế nào. Ai oán trách đặt điều vu khống mình, cứ kệ họ, sự thật ắt có thời gian trả lời. Ai khen mình, mỉm cười cảm ơn chứ đừng u mê, sa ngã. 
Khỉ bịt miệng tức là nói mà tâm không cầu - không để miệng buông lời tạo nghiệp, không vu vạ nói xấu cầu cho người khác khổ đau. Cũng đừng xu nịnh với ý niệm tham lam, mong người ta quý mình để phục vụ mục đích cá nhân.
Thật lòng, tôi nghĩ điều tôi ngộ ra từ 3 chú “khỉ tam không” có lẽ vẫn chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, chí ít chúng cũng đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình tu tập suốt nhiều năm nay.
Chia sẻ với các bạn, tôi mong các bạn cũng sẽ cảm nhận được chút gì đó để gìn giữ đời mình bình an giữa thời buổi “mắt”, “tai” và “miệng” chúng ta rất dễ bị dẫn dắt bởi các thông tin cuồng loạn xuất hiện nhan nhản mỗi ngày trên mạng xã hội. Chúc cả nhà bình an !
Shark Liên

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN