Washington nói Nga sắp đưa nhóm tàu chiến tới "sân sau" của Mỹ

Nga có kế hoạch đưa các tàu chiến tới vùng Caribe, khu vực vốn được coi là "sân sau" của Mỹ. Tàu chiến Nga có khả năng diễn tập quân sự ở khu vực cũng như thăm Cuba và Venezuela, quan chức Mỹ hôm 5/6 cho biết.

Tàu tên lửa Nga Dmitrovgrad di chuyển trên sông Neva ở Nga vào năm 2020.

"Chúng tôi dự đoán rằng mùa hè này, Nga sẽ tiến hành hoạt động quân sự với các lực lượng hải quân và không quân gần Mỹ. Đây là một phần trong các cuộc tập trận quân sự thường niên của Nga", một quan chức Mỹ giấu tên nói, theo báo Anh Guardian. 

"Đây là những động thái nhằm thể hiện Nga vẫn có khả năng triển khai sức mạnh quân sự khắp thế giới", quan chức Mỹ nói thêm, cho biết hoạt động quân sự trên toàn cầu của Nga sẽ đạt đến đỉnh điểm vào mùa thu năm nay.

Quan chức Mỹ nói Washington chưa coi hoạt động quân sự của Nga gần Mỹ là dấu hiệu đe dọa do chỉ có một số ít các tàu chiến và máy bay Nga tham gia. Nhưng hải quân Mỹ vẫn sẽ theo dõi sát sao các diễn biến trong cuộc tập trận.

Thông tin được quan chức Mỹ đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Nga - Mỹ đang ngày càng leo thang kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Quan chức Mỹ nói Nga tăng cường hoạt động hải quân trên toàn cầu vì sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine.

Hôm 6/6, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thông báo với các nghị sĩ Mỹ về khả năng Nga đưa các tàu chiến tới vùng Caribe.

"Chúng tôi không lo ngại việc Nga đưa tàu chiến tới gần lãnh thổ Mỹ. Chúng tôi không nhận thấy mối đe dọa trực tiếp", quan chức Mỹ nhấn mạnh.

"Các tàu chiến Nga sẽ chỉ tạm thời hiện diện ở vùng Caribe. Có khả năng nhóm tàu chiến này sẽ thăm Cuba và có thể là cả Venezuela. Nga cũng có thể huy động các máy bay tới khu vực", quan chức Mỹ nói với các phóng viên.

"Chúng tôi dự đoán Nga sẽ còn đẩy mạnh các hoạt động như vậy dù gây tốn kém đối với hải quân - lực lượng đang gặp khó khăn trong việc duy trì năng lực sẵn sàng chiến đấu do hầu hết các tàu chiến đều đã cũ", quan chức Mỹ nói thêm.

Khu vực vùng biển Caribe hiện do Hạm đội 4 của hải quân Mỹ phụ trách với nhiệm vụ đảm bảo an ninh ở khu vực được coi là "sân sau của Mỹ". Hạm đội được Mỹ tái khởi động vào năm 2008 sau khi Nga và Venezuela có những động thái thúc đẩy quan hệ quân sự.

Năm 2018, các oạnh tạc cơ chiến lược Tu-160 của Nga đã bay qua Đại Tây Dương, vượt chặng đường 10.000km tới Venezuela và tham gia tập trận cùng quân đội Venezuela. Động thái này của Nga khi đó đã khiến phương Tây bày tỏ quan ngại.

Nhật Minh - Guardian

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN