Ông lớn EU tuyên bố bất ngờ vụ công tố viên ICC xin lệnh bắt Thủ tướng Israel

Vụ công tố viên của ICC xin lệnh bắt Thủ tướng Israel Netanyahu và lãnh đạo Hamas đang gây chia rẽ trong giới lãnh đạo châu Âu.

Công tố viên của Tòa Hình sự Quốc tế cho biết đã xin tòa án lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar. Ảnh: Getty

Theo CNN, khác với các đồng minh phương Tây, Pháp bày tỏ sự ủng hộ với Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) sau khi công tố viên của ICC xin lệnh bắt giữ ông Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và lãnh đạo Hamas ở Gaza Yahya Sinwar.

"Về vấn đề Israel, phòng Sơ thẩm của ICC sẽ quyết định xem có ban hành lệnh bắt giữ hay không, sau khi xem xét các bằng chứng do công tố viên đưa ra", Bộ Ngoại giao Pháp cuối ngày 20/5 tuyên bố.

"Pháp ủng hộ Tòa Hình sự Quốc tế, sự độc lập của tòa và cuộc chiến chống lại sự miễn tội trong mọi trường hợp", Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố thêm.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pháp cũng cho biết, Paris đã cảnh báo "suốt nhiều tháng" về sự cần thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt luật nhân đạo quốc tế và "đặc biệt là về mức thương vong dân sự không thể chấp nhận ở Dải Gaza cũng như việc viện trợ nhân đạo bị hạn chế".

Pháp là một trong số ít quốc gia phương Tây có lập trường cứng rắn với Israel. Paris từng chỉ trích quyết định của Mỹ khi phủ quyết sớm các nghị quyết ngừng bắn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Pháp cũng luôn kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza.

CNN nhận định, tuyên bố của Pháp đánh dấu sự chia rẽ lớn giữa quan điểm của Pháp với các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Mỹ khi ông Biden gọi động thái của công tố viên ICC là "thái quá".

Theo Politico, vụ công tố viên ICC xin lệnh bắt Thủ tướng Israel và lãnh đạo lực lượng Hamas còn gây chia rẽ trong giới lãnh đạo ở châu Âu.

Trong khi một số nước như Pháp, Bỉ hay Slovenia ủng hộ công tố viên ICC, một số nước khác lại chỉ trích động thái của công tố viên này.

"Những tội ác xảy ra ở Gaza phải bị truy tố ở mức cao nhất, bất kể người vi phạm là ai", Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib viết trên mạng xã hội X, nhấn mạnh sự ủng hộ của Bỉ với động thái của ICC.

Bộ Ngoại giao Slovenia cũng đưa ra tuyên bố tương tự, nói rằng "tội ác chiến tranh gây ra ở Gaza và lãnh thổ Israel phải bị truy tố độc lập".

Tuy nhiên, một số lãnh đạo EU lại có xu hướng không ủng hộ động thái của ICC.

"Đề xuất của trưởng công tố ICC nhằm xin lệnh bắt giữ đại diện của một chính phủ được bầu cử dân chủ với thủ lĩnh của một lực lượng Hồi giáo là không thể chấp nhận được", Thủ tướng Séc Petr Fiala viết. Thủ tướng Áo Karl Nehammer cũng bày tỏ thái độ tương tự. 

Anh cũng không mấy "mặn mà" với động thái của ICC. "Động thái đó không giúp giải cứu các con tin, tăng cường viện trợ nhân đạo hay giúp hướng tới một lệnh ngừng bắn lâu dài mà chúng ta muốn thấy ở Gaza", phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói.

Hôm 20/5, công tố viên Karim Khan của ICC tuyên bố, ông đang xin lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, lãnh đạo Yahya Sinwar của Hamas cùng một số nhân vật cấp cao khác của lực lượng này.

Tâm Hoa - CNN, Politico

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN