Ma trận thật giả lẫn lộn của nước đóng chai trên thị trường

Không thể phủ nhận tính tiện lợi mà nước uống đóng chai mang lại; với sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại, cộng với tiện ích không cần đun sôi hay phải xử lý thêm một thao tác nào. 
Nước uống đóng chai từ lâu trở thành xu hướng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, nhất là vào thời điểm mùa hè oi bức.
“Ma trận” thật - giả lẫn lộn
Theo tìm hiểu của phóng viên, bên cạnh một số sản phẩm nước uống đóng chai uy tín, có thương hiệu lâu năm như Sapuwa (Công ty Nước uống Tinh khiết Sài Gòn), Vĩnh Hảo, La Vie, Aquafina (PepsiCo), Joy (Coca-Cola)… trên thị trường hiện tồn tại hàng trăm sản phẩm nước uống đóng chai, đủ các thương hiệu như: HT, Apolo, ATLATA, PAT… khiến người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là sản phẩm nước uống đóng chai đạt chuẩn và không đạt chuẩn.
Bên cạnh đó, chưa kể đến việc nhiều sản phẩm nước uống đóng chai “ăn theo” tên của những sản phẩm, thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng, như thương hiệu La Vie thì một số cơ sở sản xuất làm “nhái” sẽ viết “lái” tên như: Lavis, Leve, Lovea, Levas; hay thương hiệu Aquafina thì “nhái” thành Aqualeader, Aquanova, Aquatal… Chỉ cần người mua không quan sát kỹ sẽ rất dễ bị đánh lừa bởi sự tương đồng về thiết kế bao bì, kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ, dung tích.
Ma tran that gia lan lon cua nuoc dong chai tren thi truong
Các sản phẩm nước uống đóng chai thật giả lẫn lộn, rất khó phân biệt. Ảnh: IT 
Ngoài thương hiệu, nhãn mác, giá thành cũng là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm. Ví dụ: Với nước uống đóng chai Lavie Viva có dung tích 18,5 lít nước, sẽ có giá bán giao động từ 65.000 – 70.000 đồng/bình. Tuy nhiên, với các sản phẩm nước uống đóng chai không rõ nguồn gốc xuất xứ, bình đựng nước có dung tích tương đương, giá bán giao động chỉ từ 10.000 – 15.000 đồng/bình. Thậm chí, nhiều người tiêu dùng còn cho rằng, nếu ở gần các cơ sở sản xuất nước uống, giá đổi nước chỉ từ 6.000 - 7.000 đồng/bình 19 lít.
“Tôi không biết hiện nay có bao nhiêu loại nước uống đóng chai đạt chất lượng, vì trên thị trường có quá nhiều sản phẩm, thương hiệu, khiến chúng tôi không biết đâu mà lựa chọn. Nói thật tình tiện đâu thì mua đó thôi”, chị Kim Ngọc ở quận Tân Phú, TP HCM cho hay.
Anh Đức Tiến ở quận Tân Bình, TP HCM cũng chia sẻ: “Tôi thấy trên các nhãn mác sản phẩm đều có ghi đầy đủ thông tin về chỉ tiêu chất lượng, cơ sở sản xuất… Nhưng liệu nguồn nước trong bình đóng chai có đạt đúng theo tiêu chuẩn ghi ngoài bao bì hay không, thì chúng tôi không thể biết được”.
Hãy là người tiêu dùng thông thái
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các sản phẩm nước uống đóng chai thường được quảng cáo “sản xuất theo quy trình tiên tiến, hiện đại bậc nhất”, “công nghệ lọc tiên tiến nhất”. Trên thực tế, ngoại trừ những sản phẩm nước uống đã khẳng định thương hiệu trên toàn quốc, được sản xuất và đóng chai bằng công nghệ hiện đại, đạt chuẩn theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thì phần lớn các sản phẩm nước uống đóng chai khác đều được sản xuất theo quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ và khó có thể kiểm chứng chất lượng.
Ma tran that gia lan lon cua nuoc dong chai tren thi truong-Hinh-2
Sử dụng nước uống đóng chai, đóng bình theo quy chuẩn để tránh những tác hại không mong muốn. Ảnh minh họa 
Ông Nguyễn Quang Khải, chủ một doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai ở TP HCM cho biết, để có thể chính thức sản xuất nước và đưa nước ra thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước uống đóng chai. Vì vậy, để đầu tư một cơ sở sản xuất nước hợp quy cần phải có một nguồn vốn lớn và qua nhiều quy trình kiểm định.
“Quy trình sản xuất nước uống đóng chai chất lượng phải đi qua nhiều công đoạn. Bao gồm: Lọc thô qua than hoạt tính để khử mùi, trao đổi ion khử khoáng và lọc nước để khử vi khuẩn trong nước. Hệ thống đóng chai, đóng bình phải là môi trường vô trùng, có đèn cực tím để chống vi sinh vật”, ông Quang Khải cho hay.
Nếu không được hệ thống lọc xử lý kỹ càng. Trong nước rất dễ xuất hiện các vi khuẩn như Ecoli. Các loại kim loại nặng như chì, thủy ngân. Ngoài ra, máy móc, thiết bị sản xuất thô sơ, cũ kỹ không đảm bảo quy định cũng là nguyên nhân tạo ra nhiều cặn đồng, cặn sắt trong nước.
“Một hệ thống và quy trình xử lý nước chất lượng rất phức tạp, đòi hỏi nhiều yếu tố. Nhưng khi đến tay người tiêu dùng lại có giá chỉ từ 10.000 đồng cho 20 lít nước. Người tiêu dùng thông thái nên tự đặt câu hỏi về chất lượng của nước uống đóng chai này”, ông Quang Khải nói.
Trước sự lo ngại của người tiêu dùng về vấn đề các chỉ số chất lượng trên bao bì, các chuyên gia trong ngành thực phẩm cũng cho rằng, để phân biệt nước uống đóng chai đạt chuẩn và không đạt chuẩn khá dễ dàng. Bên cạnh việc phân biệt bằng cảm quan (nhìn bằng mắt) như nhãn mác, thương hiệu, địa chỉ cơ sở sản xuất, số điện thoại hoặc mã truy xuất nguồn gốc… Trên các nhãn mác sản phẩm thường ghi khá đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng về tiêu chuẩn hóa lý như: Nitrit (NO2) =< 3Mg/l); Nitrat =<50Mg/l; Mangan (Mn) =<0.4 Mg/l; Cl =<5 Mg/l. Đây là một trong các chỉ tiêu chính, đảm bảo chất lượng nước đạt tiêu chuẩn, ngoài ra còn có các chỉ tiêu về iso, chỉ tiêu về lượng vi sinh…
Vì vậy, trước “ma trận” thật - giả lẫn lộn của các sản phẩm nước uống đóng chai, đòi hỏi người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức về hàng giả, hàng nhái để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình. Mặt khác, khi mua nước uống đóng chai, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm của những thương hiệu lâu năm, có uy tín trên thị trường. Ngoài ra, nước uống phải trong suốt, không màu, không rêu cặn, vỏ chai còn mới, không bị trầy xước, được đóng chai, in và dán nhãn mác cẩn thận.
Thiên Bảo

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN