VNDirect: Tín dụng năm 2024 của LPBank tăng trưởng vừa phải

Chứng khoán VNDirect cho rằng, thu nhập của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, LPB) gặp nhiều khó khăn trong năm 2024.
Tín dụng tăng trưởng vừa phải và NIM thu hẹp
Do nhu cầu cho vay khách hàng cá nhân giảm, VNDirect cho rằng tăng trưởng tín dụng của LPB trong những tháng còn lại của năm 2023 và nửa đầu năm 2024 sẽ được thúc đẩy bởi cho vay doanh nghiệp nhờ vào sự phục hồi của các ngành sản xuất và xây dựng trong năm 2024.
VNDirect kỳ vọng ngành sản xuất sẽ phục hồi trong những tháng tới nhờ đơn hàng tăng trở lại từ các thị trường xuất khẩu như Mỹ. Trong khi đó, ngành xây dựng được hưởng lợi từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công. Chúng tôi cho rằng ngân hàng bán lẻ sẽ phục hồi mạnh mẽ trong Q4/2024 khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp cuối năm.
Mặc dù VNDirect kỳ vọng NIM của LPBank sẽ được hỗ trợ một phần nhờ chi phí vốn thấp do các khoản tiền gửi với lãi suất cao trong nửa cuối năm 2022 sẽ đáo hạn trong những tháng sắp tới, VNDirect cho rằng NIM của LPB sẽ thu hẹp trong giai đoạn 2023-2024.
Nguyên nhân là do lợi suất cho vay thấp hơn do ngân hàng dịch chuyển sang cho vay doanh nghiệp và lợi suất từ các khoản vay này thường thấp hơn so với cho vay bán lẻ. Đồng thời giảm lợi suất cho vay do chính sách hỗ trợ khách hàng và nợ xấu gia tăng làm giảm thu nhập lãi.
Quy định mới về Luật Kinh doanh bảo hiểm có khả năng ảnh hưởng đến thu nhập ngoài lãi. Vào ngày 9/11/2023, Bộ Tài chính đã công bố Thông tư 67/2023, trong đó yêu cầu các tổ chức tài chính không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn 60 ngày trước và 60 ngày sau ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.
VNDirect cho rằng điều này sẽ tạo ra những khó khăn trong ngắn hạn đối với LPB, khi phần lớn thu nhập từ phí thuần đến từ hoạt động đại lý bảo hiểm.
Tuy nhiên, VNDirect duy trì triển vọng tích cực trong dài hạn về hoạt động kinh doanh bảo hiểm do (1) kỳ vọng thu nhập khả dụng của khách hàng sẽ phục hồi trong năm 2024, (2) ngân hàng và các công ty bảo hiểm sẽ có những biện pháp để đáp ứng nhu cầu thực của khách hàng, (3) ngân hàng chuyển đối tượng khách hàng của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ từ người vay tiền sang người gửi tiền.
VNDirect: Tin dung nam 2024 cua LPBank tang truong vua phai
 
Dùng bộ đệm dự phòng để giảm áp lực lên lợi nhuận ròng
Trong Q2/2023 và Q3/2023, LPB đã liên tục giảm chi phí dự phòng lần lượt 17,5%/42% so cùng kỳ. VNDirect cho rằng ngân hàng sẽ tiếp tục sử dụng bộ đệm dự phòng để hỗ trợ lợi nhuận ròng, do dự phóng thu nhập từ lãi sẽ giảm trong năm 2024. Do đó, VNDirect dự phóng chi phí tín dụng sẽ là 0,8%/0,4%; trong khi tỷ lệ bao nợ xấu dự kiến đạt 61%/62% trong năm 2023-2024.
Về phía tỷ lệ nợ xấu (NPL), VNDirect cho rằng NPL có thể đạt 3,0% trong năm 2023, vì không có dấu hiệu cho thấy tỷ lệ hình thành nợ xấu/nợ nhóm 2 giảm tốc trong Q3/2023. NPL có thể giảm xuống 2,7% trong năm 2024 nhờ thu nhập khả dụng của khách hàng phục hồi.
Do những khó khăn hiện tại trong ngành, VNDirect cho rằng LPB sẽ có tăng trưởng lợi nhuận ròng âm 4,5% so cùng kỳ trong năm 2023, trước khi phục hồi với tăng trưởng lãi ròng là 29% trong 2024.
VNDirect duy trì dự phóng tăng trưởng tín dụng cho năm 2023 là 16% và tăng dự phóng cho năm 2024 thêm 3,2 điểm % lên 16,3% để phản ánh sự phục hồi của ngành công nghiệp xây dựng và sản xuất, cũng như cho vay bán lẻ trong năm 2024.
Giảm dự phóng NIM năm 2023-2024 thêm 0,4 điểm % mỗi năm xuống 3,2%/3,4%.
VNDirect giảm chi phí tín dụng từ 0,9% xuống 0,7% cho năm 2023 và từ 1,0% xuống 0,7% cho năm 2024 vì những lý do nêu trên.
VNDirect: Tin dung nam 2024 cua LPBank tang truong vua phai-Hinh-2
Điều chỉnh dự phóng KQKD (tỷ đồng, trừ khi có lưu ý khác) 
Hạ khuyến nghị xuống Trung lập
VNDirect điều chỉnh chi phí vốn với lãi suất phi rủi ro là 2,7% (so với 3% trước đó) và phần bù rủi ro thấp hơn là 9,6% do những thay đổi gần đây của nền kinh tế. VNDirect kết hợp phương pháp định giá P/B và định giá thu nhập thặng dư với tỷ trọng bằng nhau để đưa ra mức giá mục tiêu là 15.700 đồng/cp cho LPB.
Vào ngày 31/10/2023, LPB thông báo đã phát hành thành công 500 triệu cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/cp, tăng số cổ phiếu đang lưu hành lên 2.557,6 triệu.
VNDirect đưa ra P/B mục tiêu là 1,1 lần, thấp hơn P/B hiện tại là 1,5 lần do phát hành thêm cổ phiếu làm pha loãng lợi nhuận, trong khi dự phóng lợi nhuận ròng năm 2023 sẽ giảm. Do đó, VNDirect tin rằng sử dụng mức P/B trung bình 5 năm của LPB là 1,1 lần là phù hợp.
VNDirect cũng hạ dự phóng EPS năm 2023-2024 xuống 11%/19,8%, khi điều chỉnh số cổ phiếu sau lần phát hành cổ phiếu gần đây và giảm dự phóng NIM xuống 0,4 điểm % mỗi năm cho 2023-2024.
Tiềm năng tăng giá là sự phục hồi sớm hơn dự kiến của phân khúc ngân hàng bán lẻ. Rủi ro giảm giá là (1) tỷ lệ NPL cao hơn dự kiến và (2) chi phí vốn tăng do tăng lãi suất tiền gửi để huy động vốn trong trường hợp không thu hồi được các khoản tiền gửi tiết kiệm bưu điện.
Kỳ vọng LPB có thể thu hồi được toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm bưu điện sau khi VNPost thoái vốn
VNPost thoái vốn khỏi LPB theo chủ trương về thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thuộc ngành nghề không liên quan. Tháng 4/2023, VNPost đã đấu giá 140,5 triệu cổ phiếu LPB (tương đương 84,5% cổ phần nắm giữ) nhưng không thành công do giá chào bán cao.
Theo Thông tư 11/2023 của NHNN, sau 7 ngày kể từ ngày VNPost thoái vốn xuống dưới 5% vốn điều lệ của LPBank, các phòng giao dịch bưu điện (PTO) sẽ không được nhận tiền gửi tiết kiệm. Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm chưa đáo hạn, phòng giao dịch bưu điện sẽ phải tiếp tục thực hiện đúng theo thỏa thuận trước đó với khách hàng. Đối với những khoản tiến gửi đã đáo hạn, PTO phải có biện pháp thanh toán cho khách hàng.
Một trong những thế mạnh của LPB là cung cấp dịch vụ tài chính cho người dân ở vùng nông thôn và khách hàng hưu trí với sự hỗ trợ của VNPost.
VNDirect tin rằng việc thoái vốn tại VNPost sẽ không ảnh hưởng tới chiến lược đẩy mạnh cho vay bán lẻ trong dài hạn của LPB. Theo LPB, việc thoái vốn sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai bên vì đã ký thỏa thuận hợp tác 50 năm.
Do đó, VNDirect cho rằng LPB vẫn sẽ có sự hỗ trợ của VNPost (ví dụ như về cơ sở dữ liệu khách hàng) để theo đuổi chiến lược cho vay bán lẻ đối với khách hàng hưu trí và người dân vùng nông thôn. Ngoài ra, nhân viên tại các phòng giao dịch bưu điện đều là nhân viên của VNPost, hầu hết không có chuyên môn về ngân hàng. Vì vậy, với việc thoái vốn, LPB có thể quản lý trình độ nhân viên tốt hơn.
Chúng tôi ước tính đến cuối tháng 2/2023, số tiền gửi tại PTO đạt 82.500 tỷ đồng. Trong kịch bản cơ sở, VNDirect tin rằng LPB có thể thu hồi tất cả số tiền gửi tiết kiệm bưu điện vào hệ thống của LPB bằng cách đề nghị khách hàng gửi tiền vào các phòng giao dịch ngân hàng của LPB khi số tiền gửi tiết kiệm bưu điện đáo hạn.
Trong kịch bản kém lạc quan khi LPB không thể thu hồi được tiền gửi tiết kiệm bưu điện, việc huy động vốn của LPB sẽ chịu áp lực.
Tính đến cuối Q3/2023, tỷ lệ cho vay/tổng huy động của LPB khá cao (81,3% so với ngưỡng 85%), và với việc không bao gồm 82.500 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm bưu điện trong nguồn vốn, ngân hàng sẽ phải nhanh chóng tăng cường huy động vốn để đáp ứng ngưỡng LDR.
Trong kịch bản cơ sở, VNDirect tin rằng LPB sẽ tăng lãi suất tiền gửi lên 0,4 điểm %, cao hơn so với trung bình lãi suất tiền gửi của các ngân hàng khác để thu hút tiền gửi mới từ khách hàng.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN