Sacombank sẽ lãi đột biến năm 2023 nhờ xử lý các khoản tồn đọng?

Agriseco Research vừa có báo cáo phân tích Sacombank với nhận định lợi nhuận dự kiến tăng mạnh nhờ chi phí xử lý các khoản tồn đọng giảm.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) là một trong những ngân hàng có mạng lưới và quy mô hàng đầu trong các NHTM cổ phần tư nhân Việt Nam. Với kết quả kinh doanh năm 2022 tăng trưởng trên 40%, năm 2023 Sacombank tiếp tục được đánh giá là cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Thứ nhất, Agriseco Research kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận đột biến của Sacombank trong năm 2023 nhờ giảm trích lập dự phòng các khoản tồn đọng.
Trong năm 2022, số dư ròng trái phiếu VAMC của Sacombank giảm từ 17,7 nghìn tỷ đồng còn 6,9 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, toàn bộ 5,7 nghìn tỷ đồng khoản lãi dự thu khó đòi đã được xử lý. Như vậy trong năm 2023, Sacombank sẽ giảm chi phí so với năm 2022 gần 10 nghìn tỷ đồng (gấp rưỡi lợi nhuận trước thuế năm 2022).
Thứ hai, trong trường hợp các tài sản đảm bảo cho các khoản trái phiếu VAMC được thu hồi đầy đủ, Sacombank sẽ có thể ghi nhận hoàn nhập dự phòng, đồng thời sẽ bổ sung đáng kể nguồn vốn cho ngân hàng.
Một số khoản nợ lớn đã bán cho VAMC có khả năng thu hồi cao có thể kể tới: khoản nợ của một cá nhân với dư nợ gốc 10 nghìn tỷ đồng, được đảm bảo bằng 32,5% cổ phần STB có giá thị trường hiện tại khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng; khoản nợ liên quan KCN Phong Phú dư nợ gốc 5,1 nghìn tỷ đồng, giá bán tài sản đảm bảo trong lần đấu giá gần nhất là 7,9 nghìn tỷ đồng, khoản nợ liên quán đến KCN Đức Hòa III,...
Thứ ba, mặt bằng giá cổ phiếu đã giảm 30% so với đỉnh (đầu năm 2022), định giá cổ phiếu STB hiện ở mức P/B 1,22 lần, tương đương với trung bình ngành. Với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt, Chứng khoán Agribank cho rằng mức định giá hiện tại của STB vẫn khá hấp dẫn.
Sacombank se lai dot bien nam 2023 nho xu ly cac khoan ton dong?
 
Về vấn đề rủi ro cho vay bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tại thời điểm 31/12/2022, tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản của Sacombank thấp khoảng 2% (trung bình ngành khoảng 6,6%), số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của STB bằng 0. Điều này giúp rủi ro của Sacombank đối với thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp đáng kể.
Tuy nhiên Agriseco Research cũng lưu ý, nợ nhóm 2 và các khoản phải thu thời điểm 31/12/2022 của Sacombank tăng mạnh so với đầu năm 2022 (lần lượt tăng 241% và 32%) tiềm ẩn rủi ro gia tăng nợ xấu và tài sản có vấn đề cho STB. 
Agriseco Research kỳ vọng năm 2023 Sacombank sẽ ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh nhờ giảm chi phí trích lập dự phòng các khoản tồn đọng. Đồng thời, việc sắp hoàn thành đề án tái cơ cấu sẽ mở ra nhiều triển vọng đối với STB như: tập trung nguồn lực cho hoạt động cốt lõi, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, phát hành cổ phiếu tăng vốn,...
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN