Quỹ ngoại gom mạnh sau khi PVS báo lãi lớn và làm dự án điện gió ngoài khơi

Ngày 10/2, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) đã ký thỏa thuận phát triển chung với công ty Sembcorp (Singapore) để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và xuất khẩu điện từ các trang trại điện gió này sang Singapore thông qua đường cáp ngầm cao thế dưới biển từ năm 2030.
Theo Thỏa thuận phát triển chung, PVS và Sembcorp sẽ hợp tác theo hình thức độc quyền để đầu tư dự án (vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD) sản xuất khoảng 2,3 GW điện từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam và xuất khẩu sang Singapore qua tuyến cáp cao áp ngầm dưới biển.  
Tổng Giám đốc PVS Lê Mạnh Cường cho biết, một dự án điện gió ngoài khơi thường phải mất tối thiểu từ 5-7 năm triển khai mới có thể phát điện thương mại. Hiện nay PVS đã nộp hồ sơ xin khảo sát lên Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trường hợp các cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý, sớm phê duyệt và cho phép PVS được tiến hành khảo sát, sử dụng khai thác vùng biển và xuất khẩu điện thì công ty sẽ sớm khởi động dự án để có thể có dòng điện thương mại vào năm 2030.
Thỏa thuận này là một phần trong chiến lược xuất khẩu điện của Việt Nam sang Singapore.
Mặc dù dự án đặt ra một số thách thức đối với PVS, nhưng công ty cho rằng dự án này khả thi với 3 lý do chính sau:
Công tác lắp đặt cáp: Trên thế giới đã có vài dự án tương tự đã được đưa vào hoạt động. Đáng chú ý nhất là dự án cáp ngầm North Sea Link dài 720 km — một tuyến cáp điện cao thế dưới biển với công suất 1.400 MW nối giữa Na Uy và Anh. Tổng Giám đốc PVS cho biết công ty sẽ sử dụng hệ thống lưu trữ điện năng (ESS) đủ lớn và các giải pháp kỹ thuật để hạn chế tổn thất điện năng truyền tải.
Các vấn đề địa chính trị: Mặc dù đường cáp điện sẽ đi qua vùng biển của một quốc gia khác, nhưng rủi ro địa chính trị thấp. Các nước ASEAN đang triển khai chương trình liên kết lưới điện ASEAN (APG), đây là một sáng kiến nhằm xây dựng mạng lưới kết nối điện trong khu vực. Do đó, dự án của PVS & Sembcorp phù hợp với định hướng của APG. Singapore cũng đang tham gia dự án kết nối điện Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapore (LTMS) để nhập khẩu điện từ Lào.
Khả năng cạnh tranh về giá điện: Singapore sẵn sàng trả chi phí cao hơn cho năng lượng xanh do 1) nhu cầu về năng lượng tái tạo ngày càng tăng để đạt được mức phát thải ròng bằng không (net zero) vào năm 2050 (Singapore có kế hoạch nhập khẩu 30% năng lượng cần thiết vào năm 2035); 2) Singapore có kế hoạch tăng thuế đối với khí thải CO2 từ 5 USD/tấn CO2 hiện nay lên 25 USD/tấn vào năm 2025 và 50-80 USD/tấn vào năm 2030; và 3) khó khăn trong việc thu xếp vốn đầu tư khiến chi phí từ các nguồn truyền thống tăng cao trong tương lai.
Quy ngoai gom manh sau khi PVS bao lai lon va lam du an dien gio ngoai khoi
 
Về tình hình kinh doanh quý 4/2022, PVS ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.331 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu đến từ mảng hợp đồng xây dựng, kế đến là từ mảng cung cấp dịch vụ. Trong kỳ, PVS còn ghi nhận thêm lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết tăng vọt lên hơn 134 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí, PVS lãi ròng hơn 325 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ và cao nhất kể từ quý 2/2019.
Tính chung cả năm 2022, PVS ghi nhận doanh thu thuần đạt 16.412 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 834 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 11% so với năm 2021. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành vượt 64% kế hoạch doanh thu và vượt 71% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Trong khi đó, cổ phiếu PVS cũng đã có mức tăng trưởng hơn 42% trong vòng 3 tháng qua, đang giao dịch quanh mức 26.400 đồng/cp trong phiên sáng 21/2. Thanh khoản cũng trở nên sôi động khi bình quân hơn 6 triệu cổ phiếu được sang tay mỗi phiên.
Bên cạnh đó, quỹ ngoại đang liên tục gom vào cổ phiếu PVS như VinaCapital muốn mua tổng cộng gần 2 triệu đơn vị trong thời gian gần đây.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN