Mảng bán lẻ của Vingroup làm ăn thế nào trước khi 'kết hôn' Masan?

Thông tin chuyển nhượng 2 công ty bán lẻ và nông nghiệp đã gây bất ngờ cho cổ đông Vingroup và giới đầu tư. Nhiều câu hỏi đặt ra tại sao công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại có quyết định như vậy?

Ngày 3/12, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce (bán lẻ) và Công ty VinEco (nông nghiệp).

Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart+ tại 50 tỉnh thành với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.

Bước đi thần tốc mở rộng thị trường bán lẻ, nhận về cái kết thua lỗ

Trước khi hợp lực với Masan, VinCommerce của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là một "ông trùm" trong ngành bán lẻ Việt Nam. Số lượng cửa hàng bán lẻ của Vingroup tăng nhanh còn đến từ một loạt thương vụ thâu tóm trong thời gian ngắn.

Năm 2014, Vingroup chính thức tham gia vào thị trường bán lẻ với việc mua lại hệ thống Ocean Mart. Sau đó, tập đoàn này liên tục mở rộng siêu thị, cửa hàng và thâu tóm nhiều đơn vị khác như Maximart, Fivimart, Shop&Go, Viễn Thông A và gần đây nhất là Queensland Mart. 

Khởi điểm chỉ 7 siêu thị VinMart và 10 siêu thị VinMart+, đến tháng 11/2019, Vingroup đã xây dựng hệ thống bán lẻ có độ phủ lớn nhất tại Việt Nam với 115 siêu thị VinMart và 2.438 cửa hàng Vinmart+ trên khắp các tỉnh thành.

Với sự phát triển của chuỗi VinMart và VinMart+, doanh thu mảng bán lẻ của Vingroup liên tục tăng trưởng. Một năm sau khi mua lại Ocean Mart và mở rộng hiện diện, tập đoàn thu về 6.515 tỷ đồng, tăng 13 lần. Doanh thu tiếp tục tăng 140% trong năm 2016 và chững lại trong 2017.

Năm 2018, tổng doanh thu thuần bán lẻ vượt 20.000 tỷ đồng, cao hơn 47% so với năm trước. Lũy kế 9 tháng 2019, con số này là 23.571 tỷ đồng, tăng 60%.

Tuy nhiên, vì đang trong quá trình mở rộng, doanh nghiệp vẫn đang ghi nhận lỗ ròng. 9 tháng đầu năm 2019, mảng này lỗ hơn 3.461 tỷ đồng. Ước tính trong 5 năm triển khai, Vingroup lỗ gần 17.500 tỷ đồng cho mảng bán lẻ.

Mang ban le cua Vingroup lam an the nao truoc khi 'ket hon' Masan?
 1 cửa hàng Vinmart của Vingroup.

Tại Đại hội cổ đông năm 2015, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết: “Với các lĩnh vực khác được tập đoàn mở rộng đầu tư, chúng tôi mong muốn tạo hệ thống toàn vẹn cho khách hàng, tạo sức cạnh tranh mạnh. Từ chuỗi bất động sản đến siêu thị, nông nghiệp, thời trang, y tế…

Đơn cử, Vingroup đầu tư vào nông nghiệp để tạo nguồn cung sản phẩm chất lượng cho siêu thị. Đây là lợi thế cạnh tranh tuyệt đối của Vingroup so với các doanh nghiệp khác”.

Tương tự, đối với mảng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao mà Vingroup chuyển hướng đầu tư mạnh ở thời điểm năm 2014, tỷ phú Phạm Nhật Vượng bày tỏ sự lạc quan về chiến lược phát triển mảng nông nghiệp “khép kín” mà tầm nhìn tới 20-30 năm nữa, cổ đông sẽ cảm nhận thấy rõ nét. 

Khi ấy, “Vingroup đặt mục tiêu trong 5 năm nữa, tổng lợi nhuận từ bất động sản sẽ chỉ chiếm dưới 50% tỷ trọng lợi nhuận chung của Tập đoàn, còn lợi nhuận của mảng nông nghiệp sẽ tăng mạnh”, ông Vượng nhấn mạnh.

Bán lẻ là một trong số ít ngành còn duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán MB (MBS), quy mô toàn thị trường bán lẻ của Việt Nam ước tính khoảng 142 tỷ USD, tương đương 59% GDP, trong đó riêng bán lẻ hàng hóa chiếm hơn 40%, với quy mô 60 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân năm của ngành khoảng 13%, cao gấp rưỡi tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Với tốc độ tăng tầng lớp trung lưu nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hơn 50% dân số đang ở độ tuổi lao động và hơn 40% có tuổi dưới 24, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo sẽ còn duy trì "sức nóng" trong những năm tới.

Tuy nhiên, để giành quyền chi phối trên thị trường này, cuộc chơi cũng khốc liệt và tốn kém không thua gì những lĩnh vực "đốt tiền" như thương mại điện tử.

Nhiều năm liền đánh đổi lợi nhuận lấy quy mô, ở giai đoạn mà Vinmart đang dần chiếm lĩnh được thị trường thì Vingroup rút lui?

Nhiều ý kiến cho rằng, thương vụ bán đứt hai công ty bán lẻ và nông nghiệp cho Masan vì Vingroup đã sa lầy khi đầu tư vào 2 mảng này với chi phí đầu tư quá lớn, mà thời gian thu hồi vốn kéo dài, kém hiệu quả, thua lỗ nặng…

Bên cạnh yếu tố về tiềm lực tài chính dần cạn kiệt, trong 3 năm qua, thị trường nhìn thấy khá rõ sự chuyển hướng trọng tâm đầu tư của Vingroup vào sản xuất công nghiệp và công nghệ với những dự án lớn về sản xuất ô tô VinFast, điện thoại thông minh, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hiện đại.

Mang ban le cua Vingroup lam an the nao truoc khi 'ket hon' Masan?-Hinh-2
 Đằng sau cái bắt tay hợp tác của 2 tỷ phú là gì?
Có giống với kịch bản đã diễn ra với Thaco và Hoàng Anh Gia Lai?

Thương vụ sáp nhập đình đám của hai đế chế Vingroup - Masan này cũng khiến thị trường liên tưởng đến thương vụ "giải cứu" doanh nghiệp thua lỗ cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của Thaco trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hàng chục nghìn tỷ đồng nợ vay khó có thể xử lý thu hồi, doanh thu sụt giảm thảm hại, thua lỗ... của Hoàng Anh Gia Lai đã được gánh bởi đại gia ô tô là Thaco trong tình cảnh doanh nghiệp khó khăn về nguồn tiền, ngân hàng cắt cho vay vì nợ xấu quá lớn, kinh doanh thua lỗ.

Phải chăng, hàng nghìn tỷ đồng thua lỗ từ mảng kinh doanh bán lẻ và khó khăn chung từ hoạt động sản xuất nông nghiệp khiến cho tỷ phú Phạm Nhật Vượng “trao” 2 công ty cho Tập đoàn Masan?

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN