Lãi suất cho vay sẽ tăng đồng pha với lãi suất huy động?

Mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong nửa cuối năm 2022 do lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn và nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi.
Lãi suất huy động đã xuất hiện mức 8,8%/năm
6 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, duy trì nguồn vốn chi phí thấp tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế khôi phục trở lại.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính hết 30/06 mức tăng trưởng tín dụng đạt 9.35% (6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 6.47%) cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đã tăng lên khi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã trở lại bình thường.
Tại thời điểm cuối tháng 6, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn, đặc biệt lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã giảm về gần mức nền thấp của năm 2021. Cụ thể lãi suất qua đêm, 1 tuần và 1 tháng thay đổi lần lượt là - 136 bps, -102 bps và -21 bps so với cuối tháng 3 - khi thanh khoản hệ thống căng thẳng nhất, điều này cho thấy thanh khoản hệ thống dồi dào hơn.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng gần đây đã tăng lên nhiều, thậm chí đã có nhà băng nâng lên mức trên 8%/năm.
Cụ thể, Ngân hàng An Bình (ABBank) sẽ chính thức áp dụng mức lãi suất 8,8%/năm (lãi suất tham chiếu cho các khoản vay) đối với kỳ hạn 13 tháng từ ngày 20/7 tới.
Còn ở mức trên 7%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên xuất hiện ở khá nhiều ngân hàng như Ngân hàng Bảo Việt (BaoVietBank), Ngân hàng Xây Dựng (CBBank), Ngân hàng Đông Á (DongABank), Ngân hàng Kiên Long (KienLongBank, KLB), Ngân hàng Quốc Dân (NCB), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng SCB...
Lai suat cho vay se tang dong pha voi lai suat huy dong?
 
Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ có xu hướng tăng đồng pha với lãi suất huy động
Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), trong quý 2, mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng ở cả kỳ hạn ngắn và dài do thanh khoản các ngân hàng chịu nhiều áp lực khi nhu cầu tín dụng tăng cao, tuy nhiên tới tháng 6 đà tăng đã có phần chững lại khi tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại đã chạm mức trần tín dụng NHNN cấp cho đầu năm nên dư địa để các ngân hàng cho vay tiếp là không còn. Các ngân hàng nhỏ có mức tăng lãi suất huy động cao (dao động từ 0.5 - 1%), trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh có mức biến động tương đối hẹp (< 0.5%). 
Trong kịch bản cơ sở lạm phát bình quân tăng 3.8% như nhận định ở trên và không có thêm cú sốc về giá dầu, KBSV cho rằng NHNN có dư địa để tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng với mức độ hạn chế hơn, trước áp lực lạm phát và tỷ giá (giữ nguyên các loại lãi suất điều hành ở mức thấp, và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% - tương đương 2021), mà không buộc phải thắt chặt theo xu hướng chung của các NHTW toàn cầu.
KBSV đánh giá mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong nửa cuối năm 2022 do lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh và nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi. Mức tăng nhiều khả năng sẽ tăng 0.5-1%, tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3.8%.
Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ có xu hướng tăng đồng pha với lãi suất huy động. Tuy nhiên mức tăng sẽ ít hơn ở mức khoảng 0.4 – 0.7%, do Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng chia sẻ khó khăn với các nhóm ngành chịu tác động bởi dịch bệnh.
Theo SSI Research, nhìn chung, quan điểm điều hành của NHNN vẫn tương đối thận trọng, trước áp lực lạm phát cũng như áp lực mất giá của VND. Với mức tăng trưởng tín dụng chỉ 14% trong năm 2022, chỉ có gần 500 nghìn tỷ đồng sẽ được giải ngân trong nửa cuối năm (so với mức gần 1 triệu tỷ đồng trong nửa đầu năm). Điều này giúp cải thiện mức chênh lệch giữa tín dụng – huy động vốn và từ đó giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động.
Còn theo Chứng khoán BIDV (BSC), mức độ tăng trưởng tín dụng đến thời điểm cuối tháng 6 ghi nhận cao nhất trong giai đoạn 5 năm gần đây cho thấy nền kinh tế hồi phục khá tích cực.
Trong khi đó, CPI cơ bản tăng 1.98% YoY trong tháng 5, khiến mức bình quân 5 tháng là 1.25%. Lạm phát tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ và nhiều khả năng sẽ vượt mốc 4% trong quý 3.
BSC cho rằng hiện tượng này cùng với xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các NHTW trên thế giới sẽ gây áp lực lên chính sách tiền tệ mở rộng của NHNN. Nhiều khả năng NHNN có thể tiếp tục cắt giảm lượng dự trữ ngoại hối để duy trì mặt bằng lãi suất VND ở mức thấp.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN