Gia đình doanh nhân Đặng Văn Thành: Kinh qua sóng Ngân hàng để về lại với Mía đường

Quá nhiều biến cố đã đẩy ông Đặng Văn Thành bật bãi khỏi ngân hàng do mình và vợ con góp sức gây dựng.

Trên sàn chứng khoán, nhắc đến gia tộc họ Đặng đa số đều nghĩ đến những cái tên như Đặng Văn Thành, Đặng Hồng Anh hay Đặng Huỳnh Ức My.

Có thể nói gia tộc họ Đặng có những lúc thăng, lúc trầm nhưng cái cách họ đối mặt với khó khăn và gầy dựng lại sự nghiệp là bài học cho nhiều người.

Gia dinh doanh nhan Dang Van Thanh: Kinh qua song Ngan hang de ve lai voi Mia duong
Đặng Văn Thành cùng vợ và con.

Từng là ông chủ của Sacombank, một ngân hàng cổ phần lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ, sở hữu một hệ thống kinh doanh lớn về mía đường, bất động sản và tài chính... nhưng sau chuỗi biến cố ở Sacombank, cha con ông Thành bị mất ghế rồi bị loại ra hẳn khỏi danh sách 100 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.

Vị thế của nhà ông Thành càng bị lung lay khi bị buộc phải bán hàng chục triệu cổ phiếu STB của Sacombank còn lại để cấn trừ các khoản nợ có giá trị cả nghìn tỷ đồng đã vay mượn.

Quá nhiều biến cố đẩy ông Thành bật bãi khỏi ngân hàng do mình và vợ con góp sức gây dựng, phát triển từ số vốn vài tỷ đồng ban đầu trở thành ngân hàng cổ phần hàng đầu Việt Nam với tài sản cả trăm nghìn tỷ đồng.

Ông Thành thôi chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank hồi cuối 2012, sau đó từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị. Con trai Đặng Hồng Anh cũng rút khỏi Sacombank và chỉ còn nắm giữ cổ phiếu ở Sacomreal (SCR), rồi ra khỏi top 50 những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.

Gầy dựng nên cơ ngơi mới

Rời Sacombank, gia đình ông Thành còn lại mảng mía đường và bất động sản. Cụ thể, TTC Group sở hữu một số công ty mía đường lớn như Thành Thành Công Tây Ninh (tên cũ là Bourbon Tây Ninh), đường Ninh Hòa, Thương mại Thành Thành Công (kinh doanh đường) và 11% vốn tại CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - Sacomreal (sau này đổi tên là TTC Land).

Sau đó, ông Thành cùng vợ - bà Huỳnh Bích Ngọc và các con - Đặng Huỳnh Ức My, Đặng Hồng Anh đã mở rộng thêm các lĩnh vực khác, như năng lượng, du lịch và giáo dục. Bà Ức My được biết đến là "công chúa mía đường" còn ông Hồng Anh là Chủ tịch sáng lập TTC Land.

Mảng du lịch, năm 2014, TTC mua lại CTCP Golf Việt Nam và đổi tên thành CTCP Du lịch Thành Thành Công (HoSE: VNG).

Mảng năng lượng, ngoài thủy điện, nhiệt điện, TTC đầu tư mạnh mẽ vào điện mặt trời, đánh dấu mốc từ năm 2017 với công bố giải ngân 1 tỷ USD.

Đến nay, TTC đa dạng các loại hình, trong đó điện mặt trời chiếm tới 57% danh mục dự án, còn lại là điện gió (18%), thủy điện (15%), nhiệt điện (10%). CTCP Điện Gia Lai (UPCoM: GEG) là đơn vị chủ lực trong mảng năng lượng của TTC, sở hữu 14 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời và điện gió.

Gia dinh doanh nhan Dang Van Thanh: Kinh qua song Ngan hang de ve lai voi Mia duong-Hinh-2
Sở hữu của TTC tại 4 trụ mới. 

Góp sức của thế hệ F2

Ông Đặng Hoàng Anh, bà Đặng Hoàng Ức My - các con của ông Thành từng được quen gọi với danh xưng "công chúa mía đường", "hoàng tử địa ốc".

Thực ra, ngay từ ngày đầu, 2 người con của gia tộc họ Đặng đã được rẽ theo hai hướng kinh doanh khác nhau. Nếu như Đặng Hồng Anh (con trai cả) sát cánh cùng cha đi trên còn đường tài chính, bất động sản thì con gái Đặng Huỳnh Ức My bên cạnh mẹ duy trì công việc truyền thống của gia đình là mía đường.

Với Đặng Huỳnh Ức My, từ công chúa mía đường, giờ đây cô đang trên con đường thành người quyền lực nhất ngành mía đường Việt Nam.

Để có được vị trí này, ái nữ của ông Đặng Văn Thành đã có 5 năm miệt mài thực hiện mục tiêu, với một loạt thương vụ đình đám, bao gồm cả thâu tóm mảng mía đường của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức).

Trong khi đó Đặng Hồng Anh sau khi tái cơ cấu lại Sacomreal với bộ nhận diện thương hiệu mới TTC Land. Hiện tại với cương vị là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị TTC Group, Đặng Hồng Anh được lựa chọn kế nghiệp di sản của người cha nổi tiếng để lại ấn tượng trong việc phát triển các lĩnh vực mới trong tập đoàn như năng lượng và y tế.

Những khởi sắc mới

Nhờ sự góp sức của vợ và các con, hướng đi mới của gia tộc họ Đặng dần khởi sắc và thu về những kết qủa khả quan trong những năm qua.

Theo mô hình tổng công ty ngành, TTC Group có công ty đầu ngành mía đường là CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar, HoSE: SBT). Hiện nay, TTC Sugar có 78.000 ha vùng nguyên liệu ở cả ba nước Đông Dương với thị phần tại Việt Nam khoảng 40%, riêng đường công nghiệp là 50%.

Trong các năm qua, TTC Sugar chủ yếu thực hiện quá trình xoá sở hữu chéo, cũng như mua thêm công ty đường khác. TTC Sugar chi 1.300 tỷ đồng mua HAGL Sugar, sáp nhập đường Ninh Hoà, đường Biên Hòa. Nhờ M&A, niên độ 2017 – 2018, TTC Sugar ghi nhận doanh thu gấp đôi lên 10.325 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng 61% lên 545 tỷ đồng. Mới đây, Công ty tiếp quản thêm một nhà máy đường ở Campuchia.

Ở mảng bất động sản, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, HoSE: SCR) sở hữu quỹ đất gần 1.900 ha, trong đó bất động sản khu công nghiệp 967 ha, tỷ trọng 51%. Tiếp đến là bất động sản dân dụng chiếm 29%, bất động sản nghỉ dưỡng chiếm 21%.

Giai đoạn 2012 - 2018, TTC Land có một năm 2015 ghi nhận tỷ suất lợi nhuận đột biến 125%. Đây là năm mà công ty thanh lý khoản đầu tư, ghi nhận 200 tỷ đồng. Nếu không tính đột biến, duy nhất 2016 công ty có tỷ suất lợi nhuận được cải thiện ở mức 23%, các năm khác đều dưới 15%. Đến 2018, tỷ suất này còn 7%.

Đối với ngành du lịch, TTC sở hữu hơn 9 khách sạn 4 sao và 3 sao, 3 resort, 2 trung tâm hội nghị, 1.200 phòng ở, 2 khu vui chơi, 6 nhà hàng. Trong đó, công ty đầu ngành CTCP Du lịch Thành Thành Công (TTC Tourist, HoSE: VNG) cung cấp dịch vụ lữ hành và sở hữu 3 khách sạn mang thương hiệu TTC Hotel tại Cần Thơ, Đà Lạt, Hội An và 1 khách sạn tại Angkor. TTC Tourist cũng là đơn vị sở hữu hai điểm du lịch có thương hiệu tại Đà Lạt là Thung Lũng Tình Yêu và Đồi Mộng Mơ.

Đối với CTCP Điện Gia Lai (HoSE: GEG), công ty đầu ngành năng lượng, trong 4 năm trở lại đây, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần đều giữ trên 30%, cá biệt năm 2017 lên mức 39%.

GEG sở hữu hai nhà máy điện mặt trời đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đóng điện trong năm 2018 là Phong Điền (Huế) và Krông Pa (Gia Lai), công suất 117 MWp. Trong năm nay, GEG đưa vào vận hành thêm 2 nhà máy điện mặt trời tại Long An và Bình Thuận với tổng công suất 98 MWp. Tổng công suất cho toàn bộ danh mục của GEG vào khoảng 400 MWp điện mặt trời và 84 MW thủy điện.

Vẫn còn đau đáu giấc mơ ngân hàng

Nuôi nấng Sacombank hùng mạnh và rồi buộc phải chia tay đứa con này khiến ông Đặng Văn Thành dù đã có những thành công mới luôn đau đáu với việc trở lại mảng ngân hàng.

Tại buổi lễ kỷ niệm 28 năm của Ngân hàng Sacombank diễn ra tối ngày 20/12/2019, Chủ tịch Dương Công Minh tha thiết mời ông Thành về lại Sacombank: “Với mong muốn giữ được thương hiệu Thành Sacombank, chúng tôi kỳ vọng ông Thành và chị Huỳnh Bích Ngọc và con trai Đặng Hồng Anh sát cánh, tạo điều kiện tư vấn để phát triển Sacombank ngày càng tốt hơn. Tiến tới xây dựng Sacombank là ngân hàng hạnh phúc”.

Gia dinh doanh nhan Dang Van Thanh: Kinh qua song Ngan hang de ve lai voi Mia duong-Hinh-3
 Ông Đặng Văn Thành và Ông Dương Công Minh

Ông Thành cho biết, cách đây 3 năm, Chủ tịch đương nhiệm Dương Công Minh cũng có đến gặp, nhưng ông nói là chưa muốn xuất hiện.

"Khi thấy thích hợp, tôi sẵn sàng tham gia thị trường ngân hàng. Vì tôi luôn quan niệm rằng, đã là doanh nhân, khi có điều kiện và có thể đóng góp được gì cho đất nước, cho xã hội thì sẵn sàng làm", ông Thành chia sẻ.

Trước đó, tại sự kiện gặp gỡ báo chí tại TPHCM vào tháng 6/2019, khi được hỏi về việc trở lại lĩnh vực ngân hàng, ông Đặng Văn Thành cũng cho hay: "Máu làm ngân hàng vẫn còn, nhưng chắc thời điểm thích hợp sẽ quay lại, khi cơ hội đến".

Cũng trong năm 2017, nhiều thông tin cho rằng ông Đặng Văn Thành sẽ trở lại ngành ngân hàng, đặc biệt là Sacombank, cũng có những thông tin về việc ông hợp tác với LienVietPostBank.

Trả lời câu hỏi này, ông Thành không hoàn toàn thừa nhận nhưng cho biết đã chuẩn bị sẵn kế hoạch. Ông cho biết thêm, nhiều đồng nghiệp cũng quan tâm việc trở lại ngân hàng để tiếp tục con đường trong ngành tài chính, nên ông cũng trong tinh thần chuẩn bị.

Điều này đặt nghi vấn cho nhiều người về việc ông sẽ quay trở lại ngành ngân hàng hay cụ thể là “đứa con” – Sacombank mà ông đã gầy dựng bao năm khi thời cơ đến?

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN