Dầu khí An Pha thay toàn bộ dàn HĐQT, tất cả là người Nhật

ĐHĐCĐ Dầu khí An Pha đã miễn nhiệm toàn bộ thành viên HĐQT và bầu mới những người có quốc tịch Nhật vào quản trị bộ máy.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2024 diễn ra 28/6, cổ đông CTCP Tập đoàn Dầu khí An Pha (Mã: ASP) đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và ba thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 – 2027, trong đó ba người có quốc tịch Nhật Bản và một người Việt duy nhất là ông Trần Minh Loan.

Thay vào đó, Đại hội đã bầu mới 3 thành viên HĐQT mới, hoàn toàn người Nhật gồm: ông Kobayashi Naoki, ông Nitta Kazufuku và ông Sakamoto Shinichiro.

Cổ đông của ASP lo ngại điều này sẽ khiến công ty gặp khó khăn khi kinh doanh ở thị trường Việt Nam, tuy nhiên ban lãnh đạo khẳng định, trước khi đề cử toàn bộ thành viên HĐQT là người Nhật, ASP đã tham khảo rất nhiều ý kiến.

Bên cạnh đó, ông Kobayashi Naoki, Tổng giám đốc APS rất giỏi tiếng Việt. HĐQT cũng có đội ngũ cán bộ công nhân viên là người Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm và năng lực, vì vậy, ASP tin trong thời gian tới công ty sẽ xây dựng được đội ngũ điều hành tốt nhất.

Hiện tại, cổ đông lớn nhất của ASP là Saisan Joint Stock Company - doanh nghiệp chuyên sản xuất khí đốt Nhật Bản với tỷ lệ nắm giữ 48,2% vốn điều lệ. Kế tiếp là ông Trần Minh Loan với tỷ lệ sở hữu là 5,86% vốn.

Dau khi An Pha thay toan bo dan HDQT, tat ca la nguoi Nhat
Ảnh minh họa: ASP. 

Năm 2023, doanh nghiệp phân phối khí đốt này trải qua một năm không mấy thuận lợi. Báo báo tài chính đã kiểm toán 2023 cho thấy ASP lỗ 84,2 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập có lãi 4,4 tỷ.

Ngoài ra, Công ty TNHH Kiểm toán CPA Việt Nam đã có ý kiến ngoại trừ với ASP liên quan đến việc ghi nhận thu nhập khác từ chuyển nhượng mảng kinh doanh khách hàng hộ gia đình. Bên cạnh đó, phía kiểm toán chưa nhận được đầy đủ các biên bản đối chiếu công nợ đối với các khoản công nợ của các công ty con của ASP.

Ngoài ý kiến ngoại trừ, Kiểm toán CPA Việt Nam cũng nêu lên vẫn đề cần nhấn mạnh đó là tại thời điểm cuối năm 2023, nợ ngắn hạn của ASP đã vượt quá tài sản ngắn hạn 338 tỷ đồng, đồng nghĩa vốn lưu động âm 338 tỷ. Điều này khiến tiểm toán nghi ngờ “tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của ASP”.

Minh Hằng

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN