Những doanh nghiệp đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh quý II

Quý II/2024 vừa kết thúc, một số doanh nghiệp niêm yết đã hé lộ những thành quả kinh doanh.  

Theo Chứng khoán MB (MBS), lợi nhuận quý II/2024 của các ngành, doanh nghiệp có sự hồi phục dần rõ nét hơn và có thể tăng 9,5% so với cùng kỳ, được hỗ trợ bởi mức nền thấp trong khi sản xuất và tiêu dùng có sự phục hồi nhẹ.

Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp – Mã: DIG) cho biết trong nửa đầu năm, doanh thu hợp nhất dự kiến 874 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt 160 tỷ đồng, lần lượt tăng 437% và 814% so với cùng kỳ 2023.

Ông Bùi Văn Sự, Kế toán trưởng DIC Corp cho biết, kết quả trên sẽ đạt được trong điều kiện tiến độ bàn giao, chuyển nhượng các dự án thuận lợi. Nếu con số ước tính là chính xác, DIC Corp sẽ có quý lãi lớn nhất kể từ đầu năm 2022.

Nhung doanh nghiep dau tien he lo ket qua kinh doanh quy II
DIC có lợi nhuận trước thuế ước đạt 160 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024.
Năm 2024, DIC Corp lên kế hoạch đầy tham vọng với mục tiêu doanh thu 2.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.010 tỷ đồng, lần lượt tăng 72% và 509% so với thực hiện 2023. Tuy nhiên trong quý đầu năm, doanh nghiệp chỉ đạt doanh thu đạt vỏn vẹn 489 triệu đồng và lỗ trước thuế gần 121 tỷ đồng. Như vậy với ước tính kết quả nửa đầu năm, doanh nghiệp bất động sản này còn cách rất xa kế hoạch cả năm.

Một doanh nghiệp bất động sản khác cũng hé lộ con số kinh doanh 6 tháng đầu năm là Tổng công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres - Mã: SGR) với doanh thu 86,2 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2,2 tỷ đồng.

Như vậy ước tính lãi trước thuế trong quý II/2024 khoảng 15,4 tỷ đồng, giảm khoảng 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này cũng còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận trước thuế 190 tỷ đồng cho cả năm 2024.

Đối với nhóm dầu khí, những doanh nghiệp này sẽ có được động lực từ dự án Lô B - Ô Môn khi dự án này sẽ mang lại lượng công việc khổng lồ. Tuy nhiên mức độ hưởng lợi tại các phân khúc ngành như thượng nguồn, trung nguồn hay hạ nguồn là khác nhau.

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power - Mã: POW) cho biết doanh thu hợp nhất nửa đầu năm ước đạt 16.169 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu công ty mẹ ước đạt 13.120 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Nộp ngân sách Nhà nước toàn tổng công ty 6 tháng ước đạt 325 tỷ đồng.

Về kế hoạch sản lượng, Tổng Giám đốc PV Power thống nhất từ nay đến cuối năm “không chạy theo sản lượng”, lấy chỉ tiêu tối ưu hóa lợi nhuận làm mục tiêu chính, đồng thời đề nghị lãnh đạo các đơn vị đưa ra các quyết định kịp thời về mục tiêu sản lượng, bao tiêu, hàng tồn kho, cân đối lợi nhuận…

Đối với hoạt động đầu tư, công ty thống nhất mục tiêu đốt lửa lần đầu Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 vào ngày 15/9, nỗ lực rút ngắn tiến độ chung dự án. Đối với Dự án điện khí LNG Quảng Ninh, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ chấp thuận phê duyệt dự án và đấu thầu EPC…

Trong báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán BSC cho biết theo dự báo của Hệ thống Cảnh báo Thời tiết NOAA, trong tháng 6 và tháng 7, thời tiết sẽ có xu hướng trung tính, đến tháng 8 xác suất xảy ra hiện tượng La Nina (gây mưa nhiều) sẽ cao hơn 75% và tăng dần đến cuối năm 2024. Như vậy các nhóm nhà máy thủy điện sẽ có thể tăng trưởng sản lượng tốt hơn vào nửa cuối năm (PV Power đang vận hành hai nhà máy thuỷ điện là Hủa Na và Đakđrinh).

Trái lại, các nhà máy điện khí NT1 và NT2 đối mặt với tình trạng thiếu khí. BSC cho hay nguồn cung khí ở các mỏ gần bờ đang suy giảm do đó nguồn khí luôn được ưu tiên cho NT2 trước NT1. Sản lượng điện của hai nhà máy này có thể tăng trong quý II và quý III để bù đắp phần thiếu hụt của thủy điện.

Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans – Mã: PVT) - đơn vị vận tải biển hàng lỏng số 1 Việt Nam cho biết 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu hợp nhất đạt 5.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến 740 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước khoảng 220 tỷ đồng.

Như vậy ước tính doanh thu quý II/2024 đạt 2.664 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Song, lợi nhuận trước thuế trong quý giảm 22%, còn 354 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ban lãnh đạo PV Trans cho biết, thị trường vận tải hàng lỏng như dầu thô, dầu sản phẩm trong năm nay đang có xu hướng tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc dần ổn định cùng với làn sóng khởi động lại các nhà máy lọc dầu trên thế giới.

Bên cạnh đó, căng thẳng tại Trung Đông và xung đột giữa Nga với Ukraine sẽ là động lực tăng giá cước vận chuyển khi làm cho quãng đường và thời gian vận chuyển bị kéo dài hơn trong bối cảnh nguồn cung tàu đang khan hiếm, ban lãnh đạo PV Trans chia sẻ.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, triển vọng kinh doanh thời gian tới của PV Trans tiếp tục ở mức tích cực trong bối cảnh giá thuê tàu dầu duy trì ở mức cao. Các hợp đồng thuê tàu chở dầu thô và xăng dầu thành phẩm với giá thấp trong giai đoạn trước đây của PV Trans cũng chuẩn bị hết hạn, mở ra cơ hội có các hợp đồng mới với mức giá cao hơn.

Một doanh nghiệp khác cũng vừa công bố số liệu quý II/2024 là CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco – Mã: HAX) với lợi nhuận khoảng 30 tỷ đồng, trong đó có đến 90% lợi nhuận đóng góp từ phân phối ô tô MG (dòng xe đến từ Anh).

Haxaco trước đây chuyên về phân phối dòng xe Mercedes, và hiện tại doanh nghiệp này đang dẫn đầu thị phần phân phối ô tô MG tại Việt Nam và đặt quyết tâm giành khoảng 40% thị phần.

Đối với ngành ngân hàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) cho biết nhà băng này ước đạt 13.000 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm nay, MB Bank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản xấp xỉ 13%, tín dụng tăng 15 - 16%. Kế hoạch này được vị Chủ tịch đánh giá là “phương án an toàn”, dựa trên tình hình nghiên cứu toàn ngành.
Ước tính đến cuối tháng 6/2024, tín dụng của MB Bank tăng trưởng từ 6 - 6,5% so với đầu năm. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay vào khoảng 15,5%, MB Bank cần tăng trưởng khoảng 8% nữa trong 6 tháng cuối năm. Ngân hàng dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu này vào đầu hoặc giữa quý IV.
Minh Hằng

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN