Thổ lâu – kiến trúc đặc biệt của người Trung Quốc cổ xưa khiến du khách choáng ngợp

Thổ lâu là một công trình kiến trúc cổ xưa của người Trung Quốc, tích hợp nhiều chức năng hơn là một nơi để ở.

Tolou (thổ lâu) là kiểu kiến trúc nhà ở đặc biệt của người Hakka – một nhóm dân tộc Trung Quốc cổ xưa xây dựng. Những tòa nhà đặc biệt này có niên đại hàng thiên niên kỷ, nổi tiếng với kiến trúc độc đáo, chức năng phòng thủ vững chắc và giá trị văn hóa cao, nó chủ yếu nằm ở tỉnh Phúc Kiến, phía đông nam Trung Quốc.

Những công trình này có thể khác nhau về kích thước và hình dạng, nhưng kiến trúc phổ biến nhất là hình tròn và hình chữ nhật. Các tòa nhà hình vòng tròn được xây dựng như một pháo đài, có sức chứa lên tới hàng trăm người.

Thổ lâu được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu của địa phương như mùn đất, tre, gỗ và đá. Các bức tường bên ngoài rất chắc chắn, có thể dày hơn 1,8m. Kiểu xây dựng này có khả năng cách nhiệt tuyệt vời, đặc biệt phòng thủ an toàn trước các cuộc tấn công từ bên ngoài.

Mặc dù ít mang tính biểu tượng hơn nhưng thổ lâu hình chữ nhật hoặc hình vuông cũng duy trì các chức năng tương tự.

Thiết kế của thổ lâu được tổ chức thành nhiều tầng, thường là 3 hoặc 4 tầng. Tầng trệt thường là bếp và phòng chứa đồ, trong khi các tầng trên được sử dụng làm không gian sống.

Ở trung tâm của tòa nhà, có một không gian mở được sử dụng cho các hoạt động xã hội và nghi lễ. Khu nhà ở được bố trí theo kiểu bao quanh, với các hành lang bên trong kết nối tất cả các phòng.

Một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất của thổ lâu là chức năng phòng thủ. Trong thời kỳ bất ổn chính trị và xung đột, công trình này đóng vai trò như những pháo đài bất khả xâm phạm.

Những bức tường đồ sộ, lối vào chính duy nhất được gia cố vững chắc khiến những kẻ tấn công khó có thể tiếp cận. Các cửa sổ ở các tầng trên nhỏ, được thiết kế trên cao để ngăn chặn việc người ta xâm nhập từ bên ngoài.

Thổ lâu không chỉ là những công trình dân cư, nó còn đại diện cho tính cộng đồng của người Hakka. Bố cục bên trong giúp cho mọi người gắn kết và hợp tác với nhau. Mỗi một thổ lâu sẽ có một gia tộc sinh sống, thường là con cháu của một tổ tiên duy nhất. Điều này củng cố mối quan hệ gia đình, nuôi dưỡng ý thức về sự gắn bó và bản sắc chung.

Ngày nay, mặc dù Trung Quốc cấm xây dựng những thổ lâu mới cho mục đích sinh sống, nhưng một số gia đình sống trong thổ lâu cũ vẫn còn tồn tại.

Năm 2008, khoảng 46 thổ lâu ở tỉnh Phúc Kiến đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Sự công nhận này đã thu hút sự chú ý lớn hơn của quốc tế đến những công trình đặc biệt này, thúc đẩy du lịch, góp phần bảo tồn di sản kiến ​​trúc và văn hóa độc đáo của thô lâu.

Phương Hằng (Theo Mybestplace)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN