Công ty Ukraine sản xuất vũ khí mồi nhử giống thật: Bị phá hủy càng nhanh càng hiệu quả

Các vũ khí mồi nhử được Ukraine sản xuất đang ngày càng đa dạng cả về mẫu mã và chủng loại, với một mục đích chính là khiến chúng bị phá hủy càng nhanh càng tốt trong giao tranh.

Một hệ thống radar ngụy trang trên chiến trường.

Năm ngoái, các vũ khí bơm hơi bắt đầu xuất hiện trong giao tranh, được cả Nga và Ukraine sử dụng rộng rãi nhằm đánh lừa đối phương.

Hiện tại, vũ khí mồi nhử đa dạng hơn nhiều cả về mẫu mã và chủng loại. Nhựa, gỗ, xốp và kim loại được một công ty ở Ukraine tạo hình khéo léo thành bản sao các loại vũ khí giống như thật.

Công ty Metinvest ở Ukraine sản xuất nhiều loại vũ khí mồi nhử khác nhau, từ pháo kéo D-20, lựu pháo M777 cho đến các radar phòng không, bệ phóng đạn cối, pháo và nhiều vũ khí khác.

Theo CNN, các nhân viên của công ty Metinvest đang tích cực sản xuất vũ khí mồi nhử tại một nhà máy bí mật ở miền trung Ukraine.

Trước xung đột, Metinvest là tập đoàn luyện kim lớn nhất Ukraine và không hề có kinh nghiệm sản xuất vũ khí. Vũ khí mồi nhử mà Metinvest sản xuất giống thật với chi phí rẻ hơn nhiều so với vũ khí thật nhưng dĩ nhiên là chỉ nhằm đánh lừa, không thể sử dụng.

Đại diện công ty nói rằng, mục đích chính của công ty khi sản xuất vũ khí mồi nhử là nhằm khiến đối phương tiêu tốn đạn dược, máy bay không người lái tự sát hay tên lửa.

Nếu một vũ khí mồi nhử sống sót quá lâu trên chiến trường thì công ty sẽ thiết kế lại sản phẩm.

Công ty gần đây còn sản xuất vũ khí mồi nhử bằng kim loại, có thể tỏa sức nóng giống vũ khí thật để đối phương có thể khóa mục tiêu. Điều này giúp mô hình trở nên thuyết phục ngay cả khi quan sát vào ban đêm với kính ngắm ảnh nhiệt.

"Chúng tôi muốn đối phương tiêu tốn tên lửa, UAV vào các vũ khí mồi nhử kiểu này", phát ngôn viên công ty cho biết, theo CNN. "Tên lửa và UAV dĩ nhiên sẽ đắt tiền hơn nhiều so với những thứ mà chúng tôi tạo ra".

Theo CNN, một lựu pháo M777 thực sự có giá hàng triệu USD. Nhưng phiên bản mồi nhử của Metinvest có giá không đến 1.000 USD. "Mỗi lần mồi nhử bị phá hủy, quân đội lại gửi về cho chúng tôi mảnh vỡ để lưu giữ", phát ngôn viên công ty cho biết.

Theo phát ngôn viên của Metinvest, vũ khí mồi nhử có hiệu quả hay không phụ thuộc vào thời gian tồn tại trên chiến trường. Nếu một vũ khí mồi nhử sống sót quá lâu thì có nghĩa là chưa đạt mục đích và công ty sẽ chế tạo lại nguyên mẫu để cho giống thật hơn nữa.

"Chúng tôi không đếm số lượng vũ khí mồi nhử sản xuất mà chỉ ghi nhận những lần vũ khí bị phá hủy. Chúng bị phá hủy càng nhanh thì càng tốt đối với chúng tôi", phát ngôn viên công ty nói thêm.

Nhật Minh - CNN

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN