Ocean Group chuyển từ lãi sang lỗ nặng 280 tỷ đồng sau soát xét

CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, HoSE: OGC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 khá bất ngờ khi chuyển từ lãi sang lỗ 280 tỷ đồng. 
Cụ thể, doanh thu thuần của OGC không thay đổi là bao so với báo cáo tự lập, vẫn ở mức 409 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn tăng mạnh 33% so với báo cáo tự lập, lên tới 411 tỷ đồng do trích lập dự phòng tổn thất hàng tồn kho với dự án Saigon Airport.
Do đó OGC lỗ gộp 2 tỷ đồng, tron khi cùng kỳ vẫn có lãi gộp 101 tỷ đồng. 
Thêm vào đó, doanh thu hoạt động tài chính sau kiểm toán giảm 16% về còn 21 tỷ đồng, chủ yếu do công ty con là Công ty khách sạn và dịch vụ OCH (HNX: OCH) thực hiện trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính dài hạn, nợ phải thu khó đòi và kết quả bán một số khoản nợ trong năm 2022.
Đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp dội gấp 72,5 lần lên 290 tỷ đồng sau soát xét. Sau cùng OGC ghi nhận lỗ tới 280 tỷ đồng sau kiểm toán, trong khi báo cáo tự lập có lãi 105 tỷ đồng. Lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm xuống còn 76 tỷ đồng, so mức lãi 145 tỷ của báo cáo tự lập. 
Ocean Group chuyen tu lai sang lo nang 280 ty dong sau soat xet
 
Tại báo cáo này, đơn vị kiểm toán lưu ý, tính đến cuối năm 2021 OGC lỗ lũy kế 2.726 tỷ đồng, tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Đơn vị kiểm toán cũng lưu ý đến một số khoản công nợ công ty muốn chuyển theo dõi ngoại bảng từ năm tài chính kết thúc 31/12/2021 và các năm sau, cũng như quy trình lấy ý kiến bằng cổ đông bằng văn bản liên quan xử lý.
Cụ thể, OGC cho biết đã thực hiện thủ tục chào bán công khai một số khoản nợ phải thu khó đòi giá trị gốc khoảng 1.072 tỷ đồng với giá khởi điểm bằng 10% giá trị nợ gốc nhưng không có đối tác quan tâm mua tại thời điểm mở chào bán 4/6. Công ty đã lấy ý kiến cổ đông và được thông qua phương án xử lý khoản nợ phải thu khó đòi đã trích lập 100% với tổng số tiền 2.553 tỷ đồng. Khoản công nợ này được theo dõi tại tài khoản ngoại bảng trên BCTC không ảnh hưởng đến việc thu hồi công nợ và quyền lợi của công ty.
Ban lãnh đạo OGC khẳng định quy trình lấy ý kiến cổ đông và nội dung nghị quyết nêu trên được thực hiện trên cơ sở đảm bảo lợi ích tối đa cho cổ đông.
Cuối cùng, kiểm toán lưu ý thêm việc dự án khách Sài Gòn Airport tại quận Tân Bình, TP HCM đang được thế chấp để bảo lãnh cho các khoản vay của Công ty TNHH Pegasus Thăng Long, Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang và CTCP One Capital Hospitality ký hợp đồng bán các khoản nợ phải thu khó đòi và khoản nợ tiềm tàng.
Theo OGC, bản án mới nhất của Tòa án nhân dân TP Hà Nội, Pegasus Thăng Long có trách nhiệm hoàn trả gốc và lãi tạm ký cho chủ nợ mới. Do đó, OCH đã ghi nhận các khoản dự phòng tương ứng. Trong năm 2022, Sao Hôm Nha Trang (công ty con của OCH) đã đồng thuận bán các khoản nợ phải thu khó đòi được xác định là khó có khả năng thu hồi và thực hiện trích lập dự phòng.
OGC lý giải thời gian qua, công ty mẹ và các đơn vị thành viên thực hiện tái cơ cấu các khoản đầu tư cổ phiếu, dự án bất động sản cũng như tích cực thu hồi/bán các khoản công nợ phải thu.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN