Doanh nghiệp niêm yết nào bị tác động mạnh bởi tỷ giá?

Tính từ đầu năm cho đến nay, VNĐ đã mất giá 8,6% và trước mắt, nhóm các doanh nghiệp sử dụng các khoản vay nước ngoài để tài trợ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị tác động mạnh nhất từ rủi ro tỷ giá.
Ngày 27/10, SSI Research công bố báo cáo phân tích với chủ đề Biến động tỷ giá hối đoái và tác động đến các doanh nghiệp niêm yết.
Tỷ giá sẽ vẫn còn chịu nhiều áp lực khi FED tăng lãi suất và nguồn cung ngoại tệ sẽ gặp nhiều khó khăn trong Quý 4
Cụ thể, áp lực lên tỷ giá USD/VN tăng mạnh trong tháng 10/2022 và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục có những biện pháp điều hành để ổn định thị trường ngoại hối.
Vào ngày 17/10, NHNN đã thông báo quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VNĐ từ mức +/- 3% lên +/- 5%. Tiếp đó, giá bán USD giao ngay tại Sở GDNHNN được nâng lên 24.380 đồng, từ mức 23.925 đồng trước đó và tiếp tục tăng lên 24.870 đồng sau một tuần (24/10, tương đương mức tăng 7,4% so với cuối năm 2021).
Bên cạnh đó, lãi suất điều hành cũng đã được NHNN điều chỉnh tăng thêm 100 điểm cơ bản lần thứ hai trong vòng hai tháng, với mục đích chính để giảm áp lực đối với tỷ giá, trong bối cảnh lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.
Theo SSI Research, đây là động thái điều chỉnh biên độ lần đầu tiên của NHNN sau gần 10 năm, cũng như là điều chỉnh giá bán tại Sở GDNHNN lần thứ tư liên tiếp trong vòng một tháng qua, nhằm phù hợp với biến động mạnh và liên tục gia tăng của tỷ giá USD/VNĐ khi đồng USD liên tục tăng giá trên thị trường thế giới, và NHNN thực hiện các biện pháp hỗ trợ thanh khoản tiền Đồng sau sự kiện SCB.
Tỷ giá bán tại các NHTM đã được điều chỉnh tăng khá mạnh sau khi nới biên độ giao dịch. Tuy nhiên, áp lực vẫn chưa thể hạ nhiệt sớm, và tỷ giá bán tại các NHTM vẫn được niêm yết quanh mức trần giao dịch mới, tương đương với viêc VNĐ đã mất giá gần 8,6% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, trong tuần qua, tỷ giá giao dịch liên ngân hàng cũng nhanh chóng vượt mức giá bán tại Sở GD và NHNN tiếp tục nâng tỷ giá bán này lên mức 24.870 đồng/USD.
Doanh nghiep niem yet nao bi tac dong manh boi ty gia?
 Diễn biến tỷ giá USD/VND
SSI Research cho rằng, việc nới biên độ lên 5% cho phép tỷ giá USD/VNĐ niêm yết tại các NHTM được điều chỉnh linh hoạt hơn so với tỷ giá trung tâm. Trong ngắn hạn, điều chỉnh này là cần thiết khi tỷ giá sẽ vẫn còn chịu nhiều áp lực từ bên ngoài khi FED thực hiện tăng lãi suất trong tháng 11 và tháng 12, kết hợp với yếu tố nội tại, khi nguồn cung ngoại tệ sẽ gặp nhiều khó khăn trong Quý 4 (xuất khẩu yếu đi, kiều hối chậm lại).
Bên cạnh đó, yếu tố đáng lo ngại hơn là có thể xu hướng găm giữ USD đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua trong bối cảnh VNĐ không thể đứng ngoài xu hướng đồng nội tệ mất giá đang lan rộng khắp Châu Á, nguyên nhân xuất phát từ các đợt tăng lãi suất liên tục của FED. Tuy nhiên, tới quý I/2023, khi đà tăng lãi suất của FED có thể sẽ chậm lại, hoặc dừng hẳn, trong khi dòng tiền vào Việt Nam thường có xu hướng tăng cao (NHNN thường mua được khá nhiều USD cho dự trữ ngoại hối vào quý I), thì khả năng tỷ giá USD/VNĐ sẽ có thể quay về mức ổn định hơn.
Đối với áp lực trả nợ nước ngoài, việc tăng giá của USD so với VNĐ đã được bù đắp bởi sự yếu đi tương đối của EUR và JPY so với VNĐ, và nhờ vậy SSI Research dư nợ nước ngoài thậm chí còn giảm 2,5% nhờ đóng góp từ tỷ giá. Báo cáo của Chính phủ gần đây cho thấy nợ nước ngoài của Việt Nam trong năm 2022 ở mức 40-41% GDP và tăng nhẹ lên 41-42% trong năm 2023, vẫn thấp hơn mức trần 50% đề ra.
Doanh nghiệp niêm yết nào bị tác động mạnh?
Tính từ đầu năm cho đến nay, VNĐ đã mất giá 8,6% và trước mắt, nhóm các doanh nghiệp sử dụng các khoản vay nước ngoài để tài trợ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị tác động mạnh nhất từ rủi ro tỷ giá.
SSI Research cập nhật danh sách các công ty niêm yết (trong phạm vi phân tích) có số dư các khoản vay bằng USD tương đối cao và đánh giá nhanh về rủi ro tỷ giá tới hoạt động của doanh nghiệp, cũng như một số doanh nghiệp có thể được hưởng lợi từ việc VNĐ mất giá. Nhìn chung, các công ty đã có sự chủ động trong chuẩn bị cho rủi ro tỷ giá bằng việc tham gia các hợp đồng phái sinh (đặc biệt là các ngân hàng), tuy nhiên SSI Research cho rằng một số công ty vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi sự mất giá mạnh của VNĐ.
Doanh nghiep niem yet nao bi tac dong manh boi ty gia?-Hinh-2
 
Trong đó, nổi bật nhất là Vietnam Airlines (HVN) với dư nợ bằng USD tính đến cuối quý 2/2022 đã đạt 22 nghìn tỷ đồng, nghĩa là nếu USD tăng giá 1% có thể dẫn đến lỗ tỷ giá 220 tỷ đồng. HVN ghi nhận doanh thu bằng USD cho các tuyến quốc tế nên có thể hưởng lợi một phần từ việc USD tăng giá trong dài hạn. 
Tiếp theo là Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) có dư nợ bằng USD tính đến cuối quý 2/2022 là 1,1 nghìn tỷ đồng (tương đương 49 triệu USD), chiếm 53% tổng dư nợ. Do đó, USD tăng giá có thể dẫn đến lỗ chênh lệch tỷ giá, nhưng nhà máy điện có thể yêu cầu EVN thanh toán khoản lỗ chênh lệch tỷ giá này, mặc dù thời gian thanh toán không chắc chắn. USD đã tăng 4,5% trong thời gian từ ngày 30/6 đến 17/10, dẫn đến khoản lỗ chênh lệch tỷ giá ước tính sẽ ở mức 52 tỷ đồng (trong 6 tháng đầu năm 2022, QTP ghi nhận 27 tỷ đồng lỗ tỷ giá do USD tăng giá 2,2%). 
Đối với Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), dư nợ bằng USD vào cuối quý 2/2022 ở mức 3 nghìn tỷ đồng. Việc VNĐ giảm giá 1% so với USD có thể khiến lợi nhuận trước thuế năm 2022 giảm 1%.
Petrolimex (PLX) ghi nhận dư nợ bằng USD chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng dư nợ của công ty. Với 1% giảm giá của VND sẽ dẫn đến lỗ tỷ giá hối đoái khoảng 50~70 tỷ đồng.
Tổng công ty Phát điện 3 (PGV) có nợ bằng USD đạt 36,9 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,57 tỷ USD), chiếm 87% tổng dư nợ. USD tăng giá có thể dẫn đến lỗ chênh lệch tỷ giá, nhưng nhà máy điện có thể yêu cầu EVN thanh toán khoản lỗ tỷ giá này, mặc dù thời gian thanh toán không chắc chắn.
Với sự tăng giá của USD trong thời gian từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 17/10/2022 là 4,5%, khoản lỗ chênh lệch tỷ giá mà công ty phải gánh chịu ước tính ở mức 1,6 nghìn tỷ đồng (trong 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 336 tỷ đồng lỗ tỷ giá do USD tăng giá 2,2%).
Xét đến việc đồng JPY mất giá 4% trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2022, đã mang lại mức lãi tỷ giá ước tính là 99 tỷ đồng. Nhìn chung, tác động từ thay đổi tỷ giá đối với PGV ước tính khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng lỗ tỷ giá.
Với Vingroup (VIC), tại thời điểm cuối quý 2/2022, VIC có 77,4 nghìn tỷ đồng dư nợ bằng USD (chiếm 49% tổng nợ của VIC). Mặc dù phần lớn các khoản nợ bằng USD đã được phòng ngừa biến động tỷ giá, chúng tôi cho rằng lợi nhuận năm 2022 của VIC sẽ bị ảnh hưởng bởi sự giảm giá của VNĐ ở một mức độ nhất định. Bên cạnh đó, lãi suất cao hơn cũng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty do nợ ròng của tập đoàn tính đến cuối quý 2/2022 là 115 nghìn tỷ đồng.
Tổng công ty Điện lực Dầu khí VN (POW) ghi nhận dư nợ bằng USD ghi nhận con số 2,8 nghìn tỷ đồng (tương đương với 119 triệu USD), chiếm 32% tổng dư nợ. USD tăng giá có thể dẫn đến lỗ chênh lệch tỷ giá, nhưng nhà máy điện có thể yêu cầu EVN thanh toán khoản lỗ tỷ giá này, mặc dù thời gian thanh toán không chắc chắn. USD tăng giá 4,5% trong thời gian từ ngày 30/6 đến ngày 17/10/2022, đã mang lại khoản lỗ chênh lệch tỷ giá ước tính ở mức 126 tỷ đồng (Trong 6 tháng đầu năm công ty ghi nhận 67 tỷ đồng lỗ tỷ giá do USD tăng giá 2,2%).
Đối với Nhiệt điện Hải Phòng (HND), tổng dư nợ bằng USD đạt 1,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 66 triệu USD). USD tăng giá có thể dẫn đến lỗ chênh lệch tỷ giá, nhưng nhà máy điện có thể yêu cầu EVN thanh toán khoản lỗ tỷ giá này, mặc dù thời gian thanh toán không chắc chắn. USD tăng giá 4,5% trong thời gian từ ngày 30/6 đến ngày 17/10/2022, đã mang lại khoản lỗ chênh lệch tỷ giá ước tính ở mức 70 tỷ đồng (trong 6 tháng đầu năm công ty ghi nhận lỗ tỷ giá 34 tỷ đồng do USD tăng giá 2,2%).
Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) có dư nợ bằng USD là 3,6 nghìn tỷ đồng với lãi suất bằng lãi suất LIBOR thả nổi + biên độ lãi suất. Như vậy USD tăng giá 1% sẽ dẫn đến lỗ tỷ giá 36 tỷ đồng, trong khi LIBOR tăng 1% cũng đồng nghĩa với việc lãi vay tăng 36 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu của mảng dàn khoan của PVD ghi nhận bằng USD nên có thể giúp phòng ngừa rủi ro một phần nợ bằng USD trong dài hạn.
Hòa Phát (HPG), với việc USD tăng giá 1% so với VNĐ sẽ dẫn đến khoản lỗ chênh lệch tỷ giá khoảng 500 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,5% lợi nhuận sau thuế năm 2022. Bên cạnh đó, lãi suất tăng sẽ tác động tiêu cực đến HPG do dư nợ hiện tại là 25,2 nghìn tỷ đồng tính đến quý 2/2022.
Masan (MSN) là công ty nhập khẩu một số nguyên liệu bằng USD nhưng doanh thu ghi nhận bằng USD giúp hạn chế ảnh hưởng của tỉ giá. Trong khi đó, dư nợ bằng USD đạt 315 triệu USD tại tính đến quý 2/2022. Nhìn chung, tác động của việc USD tăng giá là không lớn nhưng lãi suất tăng sẽ gây thêm áp lực lên lợi nhuận của tập đoàn do nợ ròng ở mức 46,5 nghìn tỷ đồng tính đến cuối quý 2/2022.
Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex, VGT) có dư nợ bằng USD ở mức cao (7,5 nghìn tỷ đồng tính đến nửa đầu năm 2022), nhưng vẫn giữ được tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu ở mức an toàn là 0,44.
Thế giới Số (DGW) đặt trước các đơn hàng bằng USD, do đó, sự tăng giá bất ngờ của USD sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của DGW trong một quý. Trong các quý tiếp theo, DGW sẽ đàm phán lại với các nhà sản xuất để chia sẻ chi phí liên quan đến việc đồng USD tăng giá.
Với Novaland (NVL), dư nợ bằng USD xấp xỉ 580 triệu USD (chiếm 20% tổng nợ). Chúng tôi dự tính việc VNĐ giảm 6~6,5% trong năm nay có thể ảnh hưởng tiêu cực đến LNTT của công ty, cụ thể làm giảm 8~9% LNTT. NVL cũng tham gia vào các giao dịch phái sinh tiền tệ để phòng ngừa rủi ro, nhưng con số chính xác rất khó để định lượng.
Vận tải Dầu khí (PVT) ghi nhận dư nợ bằng USD là 1,9 nghìn tỷ đồng tính đến cuối quý 2/2022, với lãi suất thả nổi dựa trên lái suất LIBOR, vì vậy lãi suất tăng và đồng USD tăng giá có thể dẫn đến chi phí lãi vay cao hơn và lỗ tỷ giá. Tuy nhiên, khoảng 75% đội tàu chở dầu của công ty được thuê trên thị trường quốc tế, vì vậy PVT có doanh thu tính bằng USD, và khoản doanh thu này có thể phòng ngừa một phần rủi ro về tỷ giá.
Hoá dầu Petrolimex (PLC), Công ty nhập khẩu nguyên vật liệu (chiếm khoảng 60% giá thành sản xuất) bằng USD trong khi doanh thu chủ yếu bằng VNĐ. Vì vậy công ty chịu tác động tiêu cực từ biến động tỷ giá USD/VNĐ và lãi suất tăng.
Đầu tư Quốc tế Viettel (VGI), lượng tiền mặt ròng là 7,1 nghìn tỷ đồng có thể giúp VGI tránh khỏi việc tăng lãi suất cho vay và biến động tỷ giá. Dư nợ bằng USD ghi nhận ở mức 7,9 nghìn tỷ đồng (khoảng 337 triệu USD), chiếm 90% tổng dư nợ, trong khi Công ty nhận được doanh thu chủ yếu bằng USD. Tóm lại, trong 6 tháng đầu năm, công ty đã ghi nhận mức lãi thuần từ tỷ giá hối đoái là 246 tỷ đồng do USD tăng giá 2,2%.
Cảng hàng không VN (ACV) có khoản nợ bằng đồng JPY là 12 nghìn tỷ đồng với lãi suất cố định, trong khi tất cả doanh thu từ hành khách quốc tế của công ty được tính bằng USD, do đó, công ty có thể được hưởng lợi từ việc USD tăng giá. Hơn nữa, vị thế tiền mặt là 33 nghìn tỷ đồng sẽ mang lại lợi thế cho công ty trong môi trường lãi suất tăng.
Tổng công ty Khí (GAS), dư nợ bằng USD được công bố ở mức 3,65 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 2/2022 trong khi doanh thu và phần lớn giá vốn hàng bán ghi nhận bằng USD. Do đó, khoản lỗ tỷ giá ròng là không đáng kể. Trong khi đó, với lượng tiền mặt ròng 28,45 nghìn tỷ đồng, công ty có thể hưởng lợi từ việc tăng lãi suất.
Vĩnh Hoàn (VHC) hưởng lợi từ việc USD tăng giá do doanh thu sang Mỹ chiếm hơn 40% tổng doanh thu của công ty. Dư nợ bằng USD của công ty không đáng kể.
Với FPT, tính đến quý 2/2022, lượng tiền mặt ròng đạt 4,9 nghìn tỷ đồng có thể giúp FPT hạn chế được rủi ro từ việc tăng lãi suất cho vay và biến động tỷ giá. Nhìn chung, tác động của lãi suất cao hơn và tiền đồng mất giá đối với FPT là không đáng kể.
Đối với các khoản nợ bằng USD: dư nợ khoảng 381 triệu USD (chiếm 40% tổng dư nợ của FPT) được phòng ngừa rủi ro toàn bộ bằng các hợp đồng tương lai. Công ty cũng ghi nhận doanh thu bằng USD ở mức khoảng 158 triệu USD (tương đương 41% dư nợ bằng USD), giúp bù đắp một phần tác động giảm giá của VND.
Đối với biến động của JPY: Công ty ghi nhận khoảng 15,6 tỷ Yên doanh thu và 20 tỷ Yên dư nợ. Với sự giảm giá của JPY, tác động lên doanh thu tính bằng JPY có thể được bù đắp.
May Sông Hồng (MSH) được hưởng lợi từ việc USD tăng giá do doanh thu chủ yếu ghi nhận bằng USD trong khi giao dịch mua nguyên liệu thô của công ty được tính bằng Nhân dân tệ. Công ty cũng có dư nợ bằng USD (khoảng 1 nghìn tỷ đồng tính đến 6 tháng đầu năm 2022) nhưng tỷ lệ nợ ròng trên VCSH tương đối an toàn ở mức 0,37.
Tổng công ty Idico (IDC) hiện có khoảng 500 ha đất khu công nghiệp cho thuê. SSI Research ước tính các hợp đồng thuê mới sẽ được báo giá theo tỷ giá USD/VND mới, làm cơ sở tính toán giá thuê. Do đó, tỷ giá tăng sẽ làm tăng giá thuê khi quy đổi sang VNĐ, trong khi các chi phí chính như bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng được trả bằng VNĐ.
Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (BCM) hiện có khoảng 408 ha đất khu công nghiệp cho thuê. SSI Research ước tính các hợp đồng thuê mới sẽ được báo giá theo tỷ giá USD/VNĐ làm cơ sở tính toán giá thuê. Do đó, tỷ giá tăng sẽ làm tăng giá thuê khi quy đổi sang VNĐ, trong khi các chi phí chính như bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng được trả bằng VNĐ.
Kinh Bắc (KBC), việc USD tăng giá trong năm nay có thể không ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu năm 2022 của KBC, do doanh thu năm 2022 của KBC chủ yếu dựa vào việc giao đất từ các giao dịch đã kí kết trước đây với tỷ giá hối đoái cố định từ năm ngoái. Tuy nhiên, hợp đồng cho thuê mới của công ty có thể được cố định với tỷ giá USD/VNĐ mới, vì giá thuê đất khu công nghiệp của KBC thường được tính bằng USD, điều này có khả năng thúc đẩy doanh thu trong tương lai. Trong khi đó, các chi phí chính của công ty (chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng và lãi vay) được tính bằng VNĐ. Tại thời điểm cuối quý 2/2022, KBC không có nợ USD với hệ số đòn bẩy là 0,4 lần.
Vinamilk (VNM) nhập khẩu nguyên liệu bằng USD nhưng cũng thu được doanh thu xuất khẩu bằng USD. Dư nợ bằng USD là gần 400 triệu USD vào cuối quý 2/2022 nhưng công ty dần đáo hạn các khoản vay ngắn hạn này để giảm áp lực tỉ giá. Nhìn chung, tác động của việc USD tăng giá là tiêu cực nhẹ, nhưng VNM được hưởng lợi từ lãi suất cao hơn do VNM có số dư tiền mặt ròng là 13,4 nghìn tỷ đồng tính đến quý 2/2022.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN