Vì sao Công ty PVR Hà Nội tuyên bố ngừng kinh doanh?

Công ty cổ phần Đầu tư PVR Hà Nội (PVR) vừa công văn giải trình gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh. 
Trong văn bản, PVR cho biết ngày 31/10/2023, HĐQT Công ty PVR ban hành quyết định tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ ngày 15/11/2023 đến ngày 14/11/2024.
Nói về lý do tạm ngừng, PVR cho biết do công ty bị phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng theo quyết định của tòa án và năm 2023 công ty không có kinh phí để duy trì hoạt động, dự kiến năm 2024 vẫn không có kinh phí để hoạt động.
Ngoài ra, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 4/2023 cũng đã đồng ý cho phép công ty tạm ngừng hoạt động kinh doanh 12 tháng để có thời gian xem xét tìm kiếm giải pháp, phương hướng tài chính để công ty có tài chính hoạt động trở lại.
Vi sao Cong ty PVR Ha Noi tuyen bo ngung kinh doanh?
 Văn bản của Công ty cổ phần Đầu tư PVR Hà Nội.
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Đầu tư PVR Hà Nội (PVR) được thành lập từ năm 2006, có trụ sở chính đặt tại số 143 ngõ 83 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, vốn điều lệ là 531 tỷ. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Đỗ Duy Điền.
PVR là doanh nghiệp hoạt động chính là xây dựng và kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, một trong những dự án nổi tiếng của doanh nghiệp này đang nằm "đắp chiếu" gây xôn xao là khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên.
Dự án này của PVR được phê duyệt quyết định đầu tư từ năm 2008, với quy mô 1.025ha và tổng mức đầu tư là 4.690 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau sự kiện Hà Tây sát nhập vào Hà Nội, dự án đã phải tạm ngừng triển khai đến tháng 5/2010. Bên cạnh đó, quy mô của dự án cũng bị cắt giảm từ 1.024,8 ha xuống chỉ còn 183.6 ha, tổng vấn đầu tư giảm từ 4.690 tỷ đồng xuống còn 3.500 tỷ đồng.
Năm 2014, PVR đã từng thông qua các đề xuất của giám đốc công ty về tình hình triển khai dự án khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên. Đồng thời giao giám đốc công ty chủ động làm việc với đơn vị tư vấn lập quy hoạch chi tiết dự án sau đó lập lại dự án đầu tư. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, công ty sẽ tìm kiếm đối tác để thoái vốn hoặc ký thỏa thuận hợp tác đầu tư… đảm bảo lợi nhuận dự án. Dù vậy, PVR lại không tìm được đối tác để chuyển nhượng lại dự án.
Đến tháng 7/2019, PVR nhận được văn bản của Sở kế hoạch đầu tư Hà Nội về việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư xây dựng khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án. Công ty đã dừng mọi hoạt động liên quan đến dự án.
Vi sao Cong ty PVR Ha Noi tuyen bo ngung kinh doanh?-Hinh-2
 Dự án chung cư Hanoi Time Tower, tại Lô CT10 - CT11 KĐT Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội). 
Một dự án khác của PVR cũng đang trong tình trạng ngừng thi công là dự án chung cư Hanoi Time Tower, tại Lô CT10 - CT11 KĐT Văn Phú (quận Hà Đông, TP Hà Nội).
Dự án này có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích hơn 7.000m2, gồm 41 tầng, trong đó gồm 39 tầng nổi và 2 tầng hầm, với tổng diện tích sàn xây dựng gần 110.000m2.
Đến nay, dự án đã chậm tiến độ nhiều năm nhưng mới xây đến tầng 9 và không có dấu hiệu hoạt động. Thời điểm mở bán ra thị trường, các căn hộ tại đây được chào bán với mức giá trung bình 22,5 triệu đồng/m2.
PVR cho biết hiện tại, dự án vẫn tạm dừng thi công, tập trung giải quyết và hoàn thiện toàn bộ pháp lý còn sai sót, vướng mắc, tồn tại của dự án đã thi công trước đây không đúng với quy hoạch được duyệt, chưa được thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy.
Mặt khác, công ty vẫn tiếp xúc khách hàng, đưa ra nhiều phương án tháo gỡ khó khăn để làm cơ sở tiếp tục triển khai dự án. Tuy nhiên, hầu hết khách hàng không hợp tác, có nguyện vọng xin rút vốn và thanh lý hợp đồng và phạt vi phạm hợp đồng, kiên quyết không nộp tiền do dự án đã quá chậm tiến độ, do vậy việc tiếp tục triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn.
Tại báo cáo tài chính quý III/2023, mục doanh thu của PVR để trắng. Trong khi vẫn phải trả chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp, kết quả PVR lỗ 77 triệu đồng quý này. Còn lỗ lũy kế tại thời điểm 30/9/2023 gần 79 tỷ đồng.
Theo báo cáo thường niên 2022, PVR cho biết do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát kéo dài suốt từ đầu năm 2020 dẫn đến nền kinh tế nói chung và công ty nói riêng vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong năm công ty chỉ tập trung thu hồi các khoản đầu tư tài chính để có nguồn trang trải chi phí hoạt động. Việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu kinh tế năm 2022 so với kế hoạch sản xuất kinh doanh được ĐHĐCĐ thông qua của PVR chưa đạt được kết quả.

Khánh Hoài (T/H)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN