'Mắc kẹt' dự án Hanoi Time Tower và Tản Viên, PVR lên kế hoạch lỗ năm thứ 8

CTCP Đầu tư PVR Hà Nội (UPCoM: PVR) vừa đưa ra đường hướng cho năm 2020 với kết quả tiếp tục thua lỗ năm thứ 8 do đang bị “đứng” hai dự án CT10-11 Văn Phú và Tản Viên.

Muốn bán dự án Hanoi Time Tower để tập trung dự án Ba Vì

PVR Hà Nội đặt kế hoạch năm 2020 với doanh thu 2020 ở mức 2,5 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so năm 2019 và tiếp tục lỗ 3 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ của năm 2019. 

Theo PVR Hà Nội, 2020 là năm nền kinh tế được dự báo tiếp tục có những diễn biến bất thường, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, là hoạt động chính của Công ty trong nhiều năm qua. 

Về tình hình đầu tư các dự án bất động sản, PVR Hà Nội cho biết, trong năm nay Công ty tiếp tục tìm khách hàng để bán nốt các căn hộ còn lại tại dự án hoặc thế chấp, bán toàn bộ dự án CT10-11 Văn Phú để tập trung nguồn vốn thực hiện dự án khu du lịch cao cấp quốc tế Tản Viên (nay là dự án Ba Vì), tránh trường hợp bị thu hồi do được cấp phép quá lâu. 

Được biết, dự án tổ hợp chung cư cao tầng và dịch vụ thương mại CT10-11 Văn Phú có tên thương mại là chung cư Hanoi Time Towers. Dự án có tổng diện tích sàn xây dựng là 109.685 m2. Công trình bao gồm tổ hợp 2 tòa tháp cao 39 tầng và 2 tầng hầm với số căn hộ là khoảng hơn 600 căn. Tổng mức đầu tư của Chung cư Hanoi Time Towers là 1.454,5 tỷ đồng.

Trong đó, tháp CT10 đã thi công đến tầng 9, đối với tháp CT11 đã thi công đến tầng 6, tổng chi phí dở dang của toàn dự án đến cuối năm 2019 là 692 tỷ đồng. 

Hiện dự án tạm dừng thi công, PVR tập trung giải quyết và hoàn thiện toàn bộ pháp lý sai sót, vướng mắc, tồn tại của dự án đã thi công trước đây không đúng với quy hoạch được duyệt. 

Mặt khác, hiện PVR cũng đang tiếp xúc với khách hàng, đưa ra nhiều phương án tháo gỡ khó khăn nhằm lấy lại lòng tin của khách hàng để làm cơ sở tiếp tục triển khai dự án. 

Tuy nhiên, hầu hết khách hàng đều có nguyện vọng xin rút vốn và thanh lý hợp đồng, kiên quyết không nộp tiền do dự án đã quá chậm tiến độ, do vậy việc tiếp tục triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với công tác xử lý công nợ và quyết toán với các nhà thầu cũ tại dự án, PVR tổ chức rất nhiều cuộc họp mời các nhà thầu để quyết toán các gói thầu. 

Tuy nhiên hầu hết các nhà thầu và Công ty không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề quyết toán do tồn tại quá nhiều vấn đề trong thời gian thi công, thanh toán không được xử lý dứt điểm.

'Mac ket' du an Hanoi Time Tower va Tan Vien, PVR len ke hoach lo nam thu 8
Dự án tổ hợp chung cư cao tầng và dịch vụ thương mại CT10-11 Văn Phú có tên thương mại là chung cư Hanoi Time Tower. 

Liên tục thua lỗ, kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến với báo cáo tài chính

Theo giải trình của PVR, năm 2019 tiếp tục lỗ hơn 800 tỷ đồng do Công ty phải hoàn nhập dự phòng đối với khoản mục đầu tư tài chính tại CTCP Đầu tư Thương mại Dầu khí - Idico (PXL) và doanh thu cho thuê máy móc thiết bị xây dựng. Việc không hoàn thành các chỉ tiêu đưa ra chủ yếu do Công ty trong giai đoạn đầu tư các dự án.

Đáng chú ý, báo cáo tài chính kiểm toán 2019 của PVR Hà Nội, đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến do Công ty chưa thực hiện xem xét trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào CTCP Đầu tư Phát triển An Bình với giá trị 205 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kiểm toán viên không thể đưa ra được tính đúng đắn của hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại Bình An ngày 30/6/2011 giữa CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) và PVR cũng như không thể xác định được liệu các cổ đông sáng lập và cổ đông phổ thông của Bình An đã góp đủ vốn chưa.

Ngoài ra, các khoản đầu tư vốn vào CTCP Đầu tư Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) và CTCP Khách sạn Đầu khí Lam Kinh với giá trị lần lượt là 21 tỷ và 5 tỷ đồng, PVR chưa thu thập được báo cáo tài chính năm 2019 của các đơn vị này làm cơ sở trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính.

Tại thời điểm cuối năm 2019, PVR chưa thể đánh giá một cách chính xác hiệu quả đầu tư của dự án CT10-11 Văn Phú do các thông số tính toán theo thị trường tại thời điểm hiện tại chưa đủ và có thể còn biến động. Theo đó, PVR chưa xác định và trích lập bất cứ khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho nào đối với chi phí dở dang của dự án này là 692 tỷ đồng.

Các khoản công nợ phải trả của PVR tại thời điểm cuối năm 2019 chưa được đối chiếu, xác nhận đầy đủ. Các số dư cụ thể như công nợ phải thu là 36 tỷ đồng, nợ phải trả gần 493 tỷ.

Đơn vị kiểm toán cũng không thu thập được đầy đủ bằng chứng về việc liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng đối với các khoản đầu tư tài chính, công nợ phải thu khó đòi hay không.

Cuối cùng, giá trị chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang của dự án Tản Viên luỹ kế cuối năm 2019 là 66 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán chưa thu thập được đầy đủ hồ sơ, bằng chứng về hiệu quả đầu tư cũng như định hướng triển khai cụ thể của PVR để đánh giá khả năng xảy ra tổn thất đối với chi phí đầu tư của dự án này.

2 lần đổi tên, cơ cấu cổ đông cũng biến động

PVR được thành lập năm 2006 với tên gọi ban đầu là CTCP Đầu tư Dầu khí Tản Viên, mục tiêu để phát triển dự án Hồ Suối Hai, Tản Viên, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội mở rộng). 

PVR có điều lệ ban đầu là 150 tỷ đồng với các cổ đông sáng lập là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX), CTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC), CTCP Kỹ thuật Dịch vụ Dầu khí (PTSC), Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Công ty Đầu tư và Thương mại Hệ thống quốc tế (Netta). 

Đến năm 2008, Tản Viên đổi tên thành CTCP Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam. Chưa dừng lại ở đó, sau 10 năm, đến năm 2018, PVR tiếp tục đổi tên thành CTCP Đầu tư PVR Hà Nội như hiện nay.

Hiện cơ cấu cổ đông lớn của PVR đã có nhiều thay đổi, trong đó, Tập đoàn Đại Dương (OGC) đang nắm 9,5%, Công ty TNHH VNT với 15,4%, CTCP Quản lý quỹ PVI sở hữu 8,2%, Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu 5,7%, Công ty TNHH MHD Golf 5,1%, cá nhân ông Trần Trường Giang 5,1%, bà Bùi Thị Thu Thuỷ 5,3% và bà Trần Thị Thắm 23,5%.

Từ năm 2012 đến nay (ngoại trừ năm 2014) PVR luôn chìm trong thua lỗ, ghi nhận lỗ 7 năm, nâng lỗ luỹ kế đến cuối năm 2019 lên 72 tỷ đồng.

Mặc dù làm ăn thua lỗ là vậy, song năm qua PVR đã chi tới hơn 1.63 tỷ đồng thù lao cho Hội đồng quản trị (1,06 tỷ ), Ban giám đốc (394,6 triệu) và Ban kiểm soát (167,5 triệu).

 PVR cho biết, trước thực trạng thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn về thanh khoản, tín dụng... hàng loạt doanh nghiệp phá sản, nhiều dự án có nguy cơ tạm dừng do thiếu vốn, không bán được hàng, chủ đầu tư bỏ dở... đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của khách hàng. PVR cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó và đã nảy sinh tình trạng khiếu nại của một số khách hàng, khó khăn trong việc thu xếp nguồn tài chính cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. 

 Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu PVR hiện không bằng ly trà đá với 1.300 đồng/cp và hầu như không có giao dịch.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN