Tiếp tục thay đổi quan điểm bất ngờ trong bản án Vinasun kiện Grab

Viện Kiểm sát cấp cao tại TP HCM bất ngờ thay đổi quan điểm về bản án mà Tòa án Nhân dân TP HCM đã đưa ra trước đó trong vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab). 

Đây là lần thứ tư, Viện Kiểm sát các cấp thay đổi quan điểm pháp lý của mình đối với cùng một vụ án theo các cấp độ khác nhau.

Lại thay đổi quan điểm trong vụ án Vinasun kiện Grab 

Cụ thể, ngày 28/1/2019, Viện Kiểm sát cấp cao tại TP Hồ Chí Minh ban hành văn bản số 07/QĐ-VC3-KDTM bổ sung quyết định kháng nghị phúc thẩm số 51/QĐKNPT-VKS-KDTM ngày 14/1/2019 của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hồ Chí Minh đối với bản án số 1910/2018/KDTM-ST ngày 28/12/2018 của Toà án Nhân dân TP Hồ Chí Minh.

Theo quan điểm và luận cứ của Viện Kiểm sát cấp cao tại kháng nghị bổ sung số 07, hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách của Grab không vi phạm pháp luật. Bởi, theo luận cứ mà Viện Kiểm sát cấp cao đưa ra thì Grab được Bộ Giao thông - Vận tải cho phép tham gia “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” theo Quyết định số 24 (gọi tắt là đề án thí điểm số 24)...

Tiep tuc thay doi quan diem bat ngo trong ban an Vinasun kien Grab
Ngày 28/12/2018 TAND TP HCM đã tuyên án Grab phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho Vinasun số tiền 41,2 tỷ đồng. 

Với các luận cứ trên, Viện Kiểm sát cấp cao cho rằng, Grab là đơn vị vận chuyển hành khách được cơ quan có thẩm quyền của nhà nước cho phép. Hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách của Grab không vi phạm pháp luật. Viện Kiểm sát cấp cao cho rằng, bản án sơ thẩm nhận định Grab vi phạm đề án 24 và Nghị định 86/2014/CP là không có cơ sở. 

Trong quá trình xét xử, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần thay đổi quan điểm của vụ án. Cụ thể, ngày 28/12/2018, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã phát biểu quan điểm bổ sung về vụ kiện khi đề nghị Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun. Lý do là dù Grab có những vi phạm pháp luật, Vinasun có thiệt hại xảy ra, trên thực tế thiệt hại có thể lớn hơn rất nhiều so với yêu cầu của Vinasun nhưng Vinasun không đưa ra được những căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của Grab là nguyên nhân duy nhất gây thiệt hại cho Vinasun.

Còn trước đó, ngày 24/10/2018, quan điểm của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hồ Chí Minh là chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng cho Vinasun và phải bồi thường một lần. Theo Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hồ Chí Minh, Grab đã gây thiệt hại cho Vinasun về giảm lợi nhuận và chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh nói Grab vi phạm

Trong khi đó, tại bản án mà Toà án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đưa ra ngày 28/12/2018 nêu rõ, mặc dù được cấp phép hoạt động theo Đề án 24 là đơn vị cung cấp phần mềm kết nối cho đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi, nhưng trên thực tế Grab hoạt động như một doanh nghiệp vận tải taxi, kinh doanh không đúng Đề án 24; Vi phạm nghiêm trọng Nghị định 86/2014 của Chính phủ; Vi phạm Khoản 4 Điều 9 Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 4/4/2006 của Chính phủ (khuyến mại trái pháp luật). 

Cụ thể, theo Đề án 24, Grab được cấp phép là đơn vị cung cấp phần mềm kết nối giữa hành khách và đơn vị vận tải bằng xe hợp đồng dưới 9 chỗ. Thế nhưng trên thực tế, Grab trực tiếp kinh doanh, trực tiếp điều hành xe, chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá bán, điều chỉnh tăng giảm giá bán, tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mãi cho khách hàng sử dụng các loại hình Grab như: Grabcar, Grabtaxi, Grabshare; Thưởng điểm cho tài xế chạy nhiều chuyến nhằm chiêu mộ, thu hút lái xe; Xử phạt các tài xế có hành vi vi phạm quy chế do Grab đặt ra.

Giao dịch của Grab không phải là một giao dịch hợp đồng điện tử đầy đủ, bởi không đáp ứng các điều kiện cần thiết của một hợp đồng theo quy định pháp luật Việt Nam. Bởi lẽ, khách hàng khi sử dụng dịch vụ Grab không tìm ra được nội dung hợp đồng cho mỗi chuyến đi; Không xác định được cụ thể chủ thể tham gia ký kết hợp đồng là ai; Quyền, nghĩa vụ của các bên khi tham gia giao dịch này như thế nào không được thể hiện khi giao kết hợp đồng; Các điều khoản về giải quyết tranh chấp, phương thức giải quyết tranh chấp không có, điều khoản về bảo hiểm đối với nguồn nguy hiểm cao độ không được thể hiện trong các giao dịch…

Trong quá trình triển khai Đề án 24, Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh đã xử phạt hàng loạt phương tiện có sử dụng phần mềm Grab vi phạm các lỗi như: xe không có đăng ký kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định; không có danh sách, hợp đồng vận chuyển theo quy định, không mang phù hiệu, không niêm yết tên, số điện thoại đơn vị vận tải, vi phạm luật giao thông...

Bên cạnh đó, Grab còn cung cấp dịch vụ Grabshare (đi chung xe) không nằm trong phạm vi dịch vụ của Đề án 24 cho phép. Grab vi phạm pháp luật về khuyến mại: không đăng ký đầy đủ các chương trình khuyến mại với Sở Công thương TP Hồ Chí Minh...

Từ các chứng cứ pháp lý, tranh tụng tại phiên toà, lời khai của các nhân chứng là các hợp tác xã vận tải, các vi bằng được thiết lập, Toà án Nhân dân TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Grab trong thời gian thực hiện Đề án 24 đã vi phạm pháp luật, cụ thể là Nghị định 86 và Đề án 24.  

Trong bản án đưa ra, Toà án Nhân dân TP Hồ Chí Minh cho rằng, với mô hình vận tải như Grab thì trên thế giới chưa có quốc gia nào tách rời được giữa dịch vụ công nghệ cao với hoạt động kinh doanh vận tải. Trong khi nội dung Đề án 24 của Bộ Giao thông – Vận tải lại tách rời giữa dịch vụ công nghệ cao với hoạt động kinh doanh vận tải để triển khai là không thực tế.  Vì vậy, Bộ Giao thông – Vận tải cần xem xét Grab là doanh nghiệp vận tải để có chính sách quản lý phù hợp và cần phải sửa đổi nội dung Đề án 24 nếu tiếp tục thực hiện đề án này. 

Bên cạnh đó, Toà án kiến nghị Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Tài chính, cơ quan Bảo hiểm xã hội trong chức năng nhiệm vụ của mình cần có giải pháp khắc phục tình trạng bất bình đẳng về điều kiện kinh doanh, về thực hiện nghĩa vụ thuế giữa loại hình Grab và taxi truyền thống, tình trạng người lao động Grab không được đóng bảo hiểm, không được hưởng các cơ chế bảo đảm phúc lợi xã hội lâu dài, tình trạng tăng giảm giá cước tuỳ tiện, tình trạng phát triển phương tiện ồ ạt... Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp gia nhập hình thức dịch vụ taxi mới như Grab nhằm chống độc quyền, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ người lao động là lái xe. 

Có thể thấy, kiến nghị của Toà án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhà nước và người lao động về lâu dài. Vụ việc được dư luận theo dõi sát sao xuyên suốt, thế nên kháng nghị bất ngờ của Viện Kiểm sát cấp cao tại TP Hồ Chí Minh ban hành đúng vào thời điểm Bộ Giao thông – Vận tải trình Chính phủ dự thảo Nghị định 86 sửa đổi về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô (một văn bản quan trọng quy định khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của Grab) lại khiến dư luận quan tâm hơn bao giờ hết. 

Yên Nội

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN