Nhìn lại 9 sự kiện giáo dục nổi bật năm 2022

Mở cửa trường học, khởi tố vụ án lộ đề thi môn Sinh, tăng lương cho giáo viên… là những vấn đề, sự kiện nổi bật, thu hút sự chú ý của dư luận trong năm 2022.
9 sự kiện nổi bật của ngành giáo dục năm 2022 do Báo Tri thức và Cuộc sống bình chọn.
1. Một năm học “bình thường mới”
Năm 2022, sau gần 3 năm liên tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, ngành giáo dục đã kiên quyết mở trường học trên toàn bộ 63 tỉnh/thành phố. Đến tháng 4/2022, việc mở cửa trường học và các hoạt động trong nhà trường đã được trở lại bình thường.
Nhin lai 9 su kien giao duc noi bat nam 2022
Học sinh trở lại trường. Ảnh: Mai Loan. 
Cùng với việc mở cửa trường học, ngành giáo dục đã triển khai nhiều biện pháp nhằm củng cố những chỗ hổng kiến thức, kỹ năng cho học sinh, hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện việc miễn, giảm học phí cho học sinh, chia sẻ gánh nặng kinh tế với phụ huynh như: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Bình…
2. Lọt top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất kỳ thi Olympic quốc tế
Năm 2022, có 38 lượt học sinh tham gia Olympic quốc tế. Kết quả, 100% học sinh Việt Nam dự thi đều đoạt giải, gồm 13 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 5 Bằng khen (giải Khuyến khích). Các đoàn Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao.
Nhin lai 9 su kien giao duc noi bat nam 2022-Hinh-2
Học sinh Ngô Quý Đăng (ngoài cùng bìa trái) cùng các thành viên đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic Toán học quốc tế năm 2022.
Đặc biệt, năm 2022 - sau 19 năm kể từ năm 2003, Việt Nam có một học sinh là em Ngô Quý Đăng (Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia HN) đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế với số điểm tuyệt đối 42/42 điểm. Lần đầu tiên trong lịch sử tham dự Olympic Vật lý quốc tế có một học sinh mới học lớp 10 đoạt Huy chương Vàng. Đội tuyển dự Olympic Hoá học quốc tế có 4 học sinh dự thi cả 4 em đoạt Huy chương Vàng.
3. Khởi tố vụ án lộ đề thi môn Sinh
Tháng 6/2022, Cơ quan an ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quyết định khởi tố vụ án được Cơ quan an ninh điều tra đưa ra dựa trên kết quả điều tra vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Nhin lai 9 su kien giao duc noi bat nam 2022-Hinh-3
Thầy Hiền cho biết, đây là câu hỏi chưa từng xuất hiện trong bất kì tài liệu nào có trong đề thi THPT 2021 và đề ôn tập ngày cuối cùng của thầy Nghệ trước khi thi 1 ngày. Ảnh: NVCC. 
Vụ việc được thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên toán - sinh tại Hệ thống giáo dục HOCMAI, Hà Nội, phản ánh khi thấy đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 môn sinh học có nhiều phần trùng lặp với nội dung ôn tập cho học sinh của thầy Phan Khắc Nghệ, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh. Nhiều giáo viên môn Sinh cũng đã lên tiếng cho biết, khó có thể có sự trùng lặp một cách hoàn toàn “ngẫu nhiên” ở mức cao như vậy.
4. Lần đầu tiên đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến
Năm 2022 đánh dấu sự ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành Giáo dục. Trong đó, đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến cho đối tượng thí sinh đang học lớp 12 năm học 2021-2022. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 là 1.002.432; trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 933.510. Kết quả, tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2022 là 98,57%.
5. Trường đại học Việt Nam gia tăng chỉ số xếp hạng quốc tế
Năm 2022, chỉ số xếp hạng các đại học của Việt Nam không ngừng gia tăng. Theo Tạp chí U.S News & World Report của Hoa Kỳ, kết quả Bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu cho thấy: Trong kỳ xếp hạng năm 2023, số trường được xếp hạng là 2.165 trường, thuộc 95 quốc gia. Trong đó, Việt Nam có 5 trường đại học nằm trong bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu.
6. Nhà khoa học Việt có tầm ảnh hưởng nhất thế giới
Theo Bảng xếp hạng do Nhà xuất bản Elsevier (chủ cơ sở dữ liệu Scopus) công bố, có 35 nhà khoa học Việt Nam lọt vào danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất năm 2022.
Nhin lai 9 su kien giao duc noi bat nam 2022-Hinh-4
 PGS.TS Lê Hoàng Sơn (bìa phải).
Trong top 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới, Việt Nam chỉ có 2, gồm: PGS.TS Lê Hoàng Sơn và GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội). Hai người này đều lọt vào top 4 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021 và 2022.
7. Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12
Năm 2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12. Đây là sự kiện quan trọng trong nhiệm kỳ Bộ GD&ĐT Việt Nam là Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN năm 2022 và 2023.
Nhin lai 9 su kien giao duc noi bat nam 2022-Hinh-5
 Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12 đã thông qua Tuyên bố chung với nhiều điểm quan trọng - Ảnh: VGP/Nhật Nam.
Tại hội nghị lần này, Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN tập trung trao đổi về tình hình giáo dục và đào tạo của mỗi nước, chia sẻ các bài học thực tiễn, những kinh nghiệm trong việc mở cửa trường học, dạy và học trong giai đoạn hậu Covid-19.
Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12 đã thông qua Tuyên bố chung với nhiều điểm quan trọng.
8. Điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông mới, Lịch sử là môn học bắt buộc
Năm học 2022-2023 chương trình mới được triển khai ở lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10. Trước những ý kiến từ dư luận, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, từ đó điều chỉnh Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với sự bố trí phù hợp về thời lượng và tính chất đối với môn Lịch sử. Theo đó, Lịch sử là môn học bắt buộc thay vì lựa chọn như trước.
9. Tăng lương cho giáo viên ngăn làn sóng nghỉ việc
Năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc trên tổng số 1,6 triệu giáo viên. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc này, trong đó, có lý do về lương.
Nhin lai 9 su kien giao duc noi bat nam 2022-Hinh-6
 Tại Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị cần cấp bách tăng lương cho giáo viên.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kiến nghị Quốc hội tăng lương, phụ cấp cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đây sẽ là giải pháp ý nghĩa, hiệu quả để giải quyết đời sống, tâm lý giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác, ngăn làn sóng giáo viên nghỉ việc.

Mời quý độc giả theo dõi video: Em Ngô Quý Đăng, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ về niềm đam mê học Toán. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.


Mai Loan

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN