Dừng phiên tòa xử vụ ngân hàng yêu cầu bán nhà của Công ty Vị Xuyên

HĐXX cho rằng vẫn thiếu các căn cứ xác định doanh nghiệp dùng nhà riêng thế chấp vay thêm tiền nên dừng phiên tòa để Agribank Sóc Trăng cung cấp thêm tài liệu.
Ngày 9/7, TAND tỉnh Sóc Trăng mở phiên xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại giữa nguyên đơn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển thôn (Agribank) Chi nhánh Sóc Trăng và bị đơn là Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Vị Xuyên (ở Nam Định, gọi tắt là Công ty Vị Xuyên).
Sau một buổi xét hỏi. HĐXX đã dừng phiên tòa rồi thông báo hoãn, đồng thời yêu cầu Agribank Sóc Trăng bổ sung một số hồ sơ, chứng cứ liên quan.
"Một trong những tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã bị phía ngân hàng cạo sửa nhưng họ không cung cấp được bản chính. Dấu hiệu gian dối xuất hiện, nếu cần thiết chúng tôi sẽ yêu cầu tòa án chuyển cho cơ quan điều tra", đại diện bị đơn nói.
Dung phien toa xu vu ngan hang yeu cau ban nha cua Cong ty Vi Xuyen
Nhà ông Quang. 
Hồ sơ tố tụng thể hiện tháng 1/2018, Agribank Sóc Trăng khởi kiện yêu cầu TAND TP Sóc Trăng buộc Công ty Vị Xuyên phải trả nợ gốc và lãi hơn 7,5 tỷ đồng. Nguyên đơn cũng yêu cầu tòa án tuyên phía ngân hàng được quyền bán tài sản là căn nhà ở phường 2, TP Sóc Trăng.
Căn nhà này trị giá khoảng 2,5 tỷ đồng, là tài sản riêng của cổ đông Công ty Vị Xuyên là ông Vũ Ngọc Quang. Ông Quang từng dùng tài sản này để bảo lãnh tiền vay cho Công ty Vị Xuyên ở nhiều hợp đồng tín dụng.
Cụ thể từ năm 2007, Chi nhánh Sóc Trăng của Công ty Vị Xuyên vay của Agribank Sóc Trăng nhiều lần với số tiền 10,5 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất chế phẩm sinh học, men vi sinh phục vụ ngành nuôi tôm. Tài sản thế chấp là tài sản hình thành trong tương lai của Công ty Vị Xuyên và căn nhà của ông Quang.
Đến năm 2012, toàn bộ nhà xưởng của Công ty Vị Xuyên tại Sóc Trăng bị phát mãi thi hành án nhưng vẫn không trả hết nợ. Vì vậy, Agribank yêu cầu bán cả nhà riêng của cổ đông Vũ Ngọc Quang để thu nợ. Theo Agribank Sóc Trăng, căn nhà này được thế chấp bảo lãnh nhiều lần, lần sau cùng là vào tháng 6/2011, để vay số tiền 4 tỷ đồng phục vụ sản xuất.
Tháng 4/2019, TAND TP Sóc Trăng xử sơ thẩm. Phía bị đơn phản bác rằng căn nhà có giá trị thẩm định 2,5 tỷ đồng thì không lý nào ngân hàng cho vay đến 4 tỷ. Tại thời điểm cho vay (tháng 6/2011), toàn bộ nhà xưởng của chi nhánh Công ty Vị Xuyên tại Sóc Trăng đã bị kê biên bán đấu giá, không còn hoạt động nên việc cho vay tiền để sản xuất là vô lý. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm đã bác lập luận của phía bị đơn, chấp nhận cho nguyên đơn được bán căn nhà này để thu hồi nợ.
Bị đơn sau đó kháng án. Sắp đến ngày xét xử phúc thẩm, bất ngờ xuất hiện chứng cứ mới cho thấy việc Agribank Sóc Trăng cho vay 4 tỷ đồng được giải ngân trong hai ngày 24 và 27/6/2011. Tuy nhiên, Agribank Sóc Trăng giải ngân bao nhiêu thì thu lại bấy nhiêu và đặc biệt là diễn ra cùng ngày.
Những năm gần đây tòa án các cấp và các địa phương xét xử nhiều vụ án liên quan tài sản riêng của doanh nhân bị ngân hàng đòi bán thu nợ. Tình trạng này xuất phát từ việc các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp lách luật để "đảo nợ".
Việc lợi của hoạt động "đảo nợ" là doanh nghiệp được kéo dài thời gian trả nợ, ngân hàng giảm tỉ lệ nợ xấu. Tuy nhiên, hệ quả của nó là rất phức tạp, đã được Nhà nước nhìn ra và nghiêm cấm từ lâu.
Theo Quyết định 1627 của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 31/12/2011 thì "Khi đến hạn trả nợ mà khách hàng không trả nợ, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì tổ chức tín dụng có quyền xử lý tài sản đảm bảo vốn vay theo sự thỏa thuận trong hợp đồng để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật... hoặc khởi kiện thu hồi nợ", chứ hoàn toàn không có quy định nào về hình thức chuyển nợ, đảo nợ.
"Không chỉ đảo nợ mà có biên bản cho thấy dấu hiệu làm giả và đầy khuất tất. Cụ thể là biên bản giải quyết nợ vay ngày 1/11/2011, ông Vũ Ngọc Khánh - Tổng giám đốc Công ty Vị Xuyên, đang ở Nam Định chứ không có mặt tại Sóc Trăng. Đặc biệt là chữ ký của ông Khánh được đóng dấu của Công ty Cổ phần Công nghệ cao Hồng Phúc là không bình thường", đại diện bị đơn nói.

Gia Hân

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN