Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng: “Kiến nghị thử nghiệm áp dụng công nghệ laser điều trị COVID-19”

“Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế nên xem xét đề xuất của Trung tâm Công nghệ Laser, Viện Ứng dụng Công nghệ về nghiên cứu, thử nghiệm áp dụng công nghệ laser hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19”, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nêu ý kiến.
Tại Hội thảo về nghiên cứu, thử nghiệm áp dụng công nghệ laser hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho rằng, trong cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19, các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam đưa ra nhiều phác đồ điều trị hiệu quả, được thế giới ghi nhận. Bộ kít xét nghiệm Sars-CoV-2 “make in Vietnam” được đưa ra đầu tiên và gửi tới giúp đỡ 20 nước; hay trên thế giới chỉ có 4-5 quốc gia sản xuất vắc xin, trong đó có Việt Nam; hay rô-bốt hỗ trợ bác sỹ, y tá, bệnh nhân… nước ta làm được.
Chu tich VUSTA Phan Xuan Dung: “Kien nghi thu nghiem ap dung cong nghe laser dieu tri COVID-19”
Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng và các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo về nghiên cứu, thử nghiệm áp dụng công nghệ laser hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19. 
“Ý tưởng dùng công nghệ laser hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 xuất phát từ TS Trần Ngọc Liêm, nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ Laser, Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; được PGS. TS Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc hiện nay ủng hộ, đồng thuận và Trung tâm mong muốn được phát triển”, TSKH Phan Xuân Dũng nói.
Theo Chủ tịch VUSTA, nhìn ra thế giới thấy rõ, các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nga đã áp dụng hiệu quả công nghệ laser để điều trị bệnh nhân COVID-19. Tháng 1 vừa qua, các nhà khoa học Nga đã tiến hành nghiên cứu “Liệu pháp laser cho COVID-19: phòng ngừa, điều trị và phục hồi chức năng". Các thử nghiệm chỉ ra lợi ích của công nghệ này khi điều trị bệnh nhân, như hỗ trợ hoạt động enzyme trong chuỗi hô hấp của ty thể, cải thiện tái tạo mô phổi, tăng khả năng miễn dịch, giảm nhẹ triệu chứng và giúp người bệnh dần hồi phục.
“Đề xuất của Trung tâm Công nghệ Laser nên được khuyến khích và được liên Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế ủng hộ để các nhà khoa học sớm hoàn thiện liệu pháp điều trị COVID-19 bằng laser, nhằm đưa vào thử nghiệm áp dụng đối với bệnh nhân, góp phần đạt hiệu quả cao trong “đẩy lùi” Sars-CoV-2”, Chủ tịch Phan Xuân Dũng kiến nghị.
Trước đó, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Laser, Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra đề xuất nghiên cứu, áp dụng thử nghiệm công nghệ laser hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ và vừa trong giai đoạn sớm của bệnh tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, liệu pháp laser công suất thấp sẽ giúp tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa sự xâm nhập của virus, giảm nhẹ triệu chứng ở bệnh thể nhẹ và vừa. Chùm tia laser có khả năng thay đổi hoạt động của các enzyme trao đổi năng lượng và chuyển hóa quan trọng, kích thích sự phân chia tế bào để tăng cường tái tạo mô ở mật độ công suất thấp. Liệu pháp laser công suất thấp còn làm tăng tốc quá trình tổng hợp DNA, RNA, protein để kích hoạt miễn dịch, sức đề kháng của tế bào bị tổn thương.
Tại Việt Nam, công tác nghiên cứu, chế tạo thiết bị laser y tế được bắt đầu năm 1984 nhiều cơ sở nghiên cứu và phát triển vừa sản xuất thiết bị laser y tế vừa triển khai ứng dụng lâm sàng. Có nhiều công trình, nhiều luận án nghiên cứu về ứng dụng laser trong y học được thực hiện trong nước từ nghiên cứu ứng dụng tới nghiên cứu cơ bản.
PV

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN