Ai chịu trách nhiệm cho 25.000 dự án chậm quyết toán vốn?

Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tổ chức gây chậm quyết toán 24.875 dự án hoàn thành chưa phê duyệt quyết toán năm 2022.
Thông tin về tình hình quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công hoàn thành năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022 có 45.168 dự án hoàn thành được phê duyệt quyết toán, chiếm 64,5% số dự án hoàn thành, thấp hơn năm 2021 (65%). Tổng mức đầu tư được duyệt của các dự án trên là 392.266 tỷ đồng và giá trị quyết toán được phê duyệt là 313.818 tỷ đồng, chiếm 80% so tổng mức đầu tư, cao hơn năm 2021 (77%). Tuy nhiên, vẫn còn 24.875 dự án hoàn thành chưa phê duyệt quyết toán (chiếm 35,5% số dự án hoàn thành).
Sau khi tổng hợp số liệu báo cáo của 113/120 đơn vị gồm 48/55 bộ, ngành, cơ quan trung ương, 2 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết năm 2022, cả nước có 70.043 dự án hoàn thành cần thực hiện thủ tục quyết toán vốn đầu tư công theo quy định với giá trị tổng mức đầu tư được duyệt là 975.862 tỷ đồng.
Ai chiu trach nhiem cho 25.000 du an cham quyet toan von?
25.000 dự án chậm quyết toán vốn: Ai chịu trách nhiệm? (ảnh minh họa: Internet). 
Bộ Tài chính nêu rõ số vốn đầu tư công còn thiếu của các dự án hoàn thành được phê duyệt quyết toán là 13.944 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 320 tỷ đồng; số vốn đầu tư công còn thiếu của các dự án hoàn thành nộp hồ sơ nhưng chưa thẩm tra, phê duyệt là 5.412 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 780 tỷ đồng; số vốn đầu tư công còn thiếu của các dự án hoàn thành nhưng chưa nộp hồ sơ quyết toán là 7.877 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 873 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2022, thông qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, Bộ Tài chính loại ra khỏi giá trị đề nghị quyết toán là 5.361 tỷ đồng, chiếm 1,7% tổng giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán. Có 57.303 dự án hoàn thành trong thời gian quyết toán theo quy định, chiếm 82% số dự án hoàn thành và 12.740 dự án vi phạm quy định thời gian quyết toán, chiếm 18% số dự án hoàn thành.
Từ kết quả công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành năm 2022, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các chủ đầu tư, dự án kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan không thực hiện và chậm gửi báo cáo quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành năm 2022; vi phạm thời gian quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành bao gồm chậm lập hồ sơ quyết toán; chậm thẩm tra, phê duyệt.
Trong đó, tập trung chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương lập hồ sơ quyết toán 6.201 dự án hoàn thành chậm lập hồ sơ báo cáo quyết toán và chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thẩm tra, phê duyệt 1.740 dự án vi phạm thời gian thẩm tra, phê duyệt.
Ngoài ra, các đơn vị cần chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát số vốn đầu tư công còn lại phải bố trí của các dự án đã hoàn thành so với giá trị quyết toán được duyệt hoặc giá trị đề nghị quyết toán hoặc giá trị khối lượng hoàn thành được nghiệm thu là 27.233 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 1.973 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng sẽ công khai danh sách các dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án vi phạm thời gian lập báo cáo quyết toán và có biện pháp ngăn ngừa, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm theo quy định.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị các đơn vị thẩm tra, phê duyệt quyết toán, lập báo cáo tổng hợp quyết toán đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư, ban quản lý dự án lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành đúng thời gian quy định…
Căn cứ Điều 19 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành vi chậm lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư công trình xây dựng như sau:
Điều 19. Vi phạm quy định về hợp đồng xây dựng áp dụng đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP, lập quyết toán vốn đầu tư xây dựng
1. Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi hợp đồng xây dựng không sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt theo quy định.
2. Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Giá ký kết hợp đồng vượt giá trúng thầu hoặc kết quả đàm phán, thương thảo hợp đồng xây dựng (trừ khối lượng phát sinh ngoài gói thầu được người quyết định đầu tư cho phép);
b) Điều chỉnh hợp đồng không đúng quy định về trình tự thủ tục, thẩm quyền, điều kiện được điều chỉnh hợp đồng xây dựng;
c) Mức tạm ứng hợp đồng vượt quá tỷ lệ phần trăm quy định hoặc tạm ứng hợp đồng khi chưa có bảo lãnh tạm ứng theo quy định;
d) Thanh toán hợp đồng xây dựng không đúng số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán, thời điểm thanh toán hoặc thời hạn thanh toán quy định trong hợp đồng trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
đ) Quyết toán hoặc thanh lý hợp đồng xây dựng chậm quá thời hạn quy định.
3. Phạt tiền từ 100 - 120 triệu đồng đối với hành vi chậm lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư tư xây dựng để trình người quyết định đầu tư phê duyệt kể từ ngày công trình được ký biên bản nghiệm thu hoàn thành, bàn giao đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Liên Hà Thái

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN