Ai chịu trách nhiệm khi nơi thừa, chỗ thiếu điện?

Thiếu điện, cắt điện luân phiên đang ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và các hộ gia đình. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trong khi nhiều nơi thiếu điện thì nguồn điện năng lượng tái tạo lại dư thừa, đắp chiếu.
Vì sao miền Bắc thiếu điện?
Từ đầu tháng 6 đến nay, các hộ dân tại chung cư Usilk (gồm ba tòa nhà 101, 102 và 103) tại KĐT Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông chịu cảnh mất điện liên tục, từ được thông báo trước cho đến cắt điện đột xuất. Có hôm vào ngày nghỉ cuối tuần, việc cắt điện diễn ra từ 9h sáng đến 16h chiều, khiến không ít gia đình phải “nháo nhác” tìm chỗ tránh nóng.
Chị Lê Thuy Tiên, sinh sống tại tòa chung cư Usilk 103 cho biết: “Có hôm cắt điện đột ngột, tôi vừa bước ra khỏi thang máy thì mất điện, phải sau đó 10 đến 15 phút mới có điện máy nổ để những người bị kẹt trong thang đi ra.”
Theo chị Tiên và nhiều cư dân sinh sống tại khu chung cư Usilk thì người dân hoàn toàn đồng ý với việc cắt điện luân phiên, vì ai cũng biết tình hình khó khăn, điện đang thiếu trầm trọng. Điều khiến người dân bức xúc là những khu vực ngay cạnh bên như KĐT Dương Nội, hay tòa chung cư The Pride chỉ cách đó chưa đầy 100 mét lại hiếm khi bị cắt điện, thậm chí điện sử dụng để quảng cáo, trang trí bên ngoài các tòa chung cư luôn rực sáng, không cần thiết và lãng phí.
Ai chiu trach nhiem khi noi thua, cho thieu dien?
Cắt điện luân phiên trong ngày hè tại miền Bắc đã không còn là chuyện lạ 
Tiêu thụ điện tăng vọt vì nắng nóng là lý do đầu tiên được lãnh đạo Bộ Công Thương cũng như EVN giải thích cho tình trạng phải cắt điện hiện nay. Theo chia sẻ của EVN, lượng tiêu thụ điện bình quân cả nước đạt gần 820 triệu kWh một ngày trong tháng 5, tăng hơn 20% so với tháng 4, công suất tiêu thụ cực đại cũng đạt đỉnh ở 44.600 MW và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nguồn điện cung ứng lại không theo kịp.
Nguồn điện miền Bắc chủ yếu là thủy điện và nhiệt điện, nhưng năm nay thủy điện - chiếm khoảng 43% cung ứng điện tại miền Bắc (tính đến tháng 5) lại giảm do thời tiết cực đoan, các hồ thủy điện lớn cạn nước. Sản lượng điện huy động bình quân giảm một nửa so với năm ngoái, khoảng 12-15% công suất phát. Một lý do khác dẫn đến thiếu điện là một số tổ máy nhiệt điện than - chiếm 48% cơ cấu nguồn điện tại miền Bắc - bị giảm công suất hoặc gặp sự cố.
Thừa điện tại miền Trung và Nam
Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho rằng, hơn 5 năm qua hệ thống điện, đặc biệt là miền Bắc không có thêm các nguồn điện lớn có tính ổn định, chạy nền là nguyên nhân khiến tình trạng cấp điện ngày càng theo kiểu "ăn đong". Miền Bắc là khu vực có tốc độ tăng trưởng phụ tải (mức tiêu thụ điện năng) cao nhất cả nước, bình quân tăng 9,3% một năm trong 2016-2020, tương ứng gần 6.000 MW. Trong khi đó, tăng trưởng nguồn điện chỉ đạt 4.600 MW giai đoạn này, khoảng 4,7% một năm.
Tại miền Trung và miền Nam, tốc độ tăng trưởng của nguồn cao hơn nhiều lần nhu cầu tiêu thụ điện.
Ai chiu trach nhiem khi noi thua, cho thieu dien?-Hinh-2
 
Năng lực của hệ thống truyền tải cũng là một vấn đề, gây sức ép hơn tới cung ứng điện tại miền Bắc. Đánh giá tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Bộ Công Thương thừa nhận lưới điện vận hành còn nhiều khó khăn. Một số khu vực lưới điện 220 kV và 110 kV vẫn xuất hiện tình trạng đầy, quá tải, tiềm ẩn rủi ro trong vận hành.
Bên cạnh đó, sự phân bổ không đều nguồn điện, khi tập trung quá nhiều nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) ở khu vực miền Trung - nơi có nhu cầu dùng điện thấp, và miền Nam cũng gây mất cân bằng cung - cầu miền, tạo sức ép lên lưới truyền tải liên miền từ miền Trung, miền Nam ra Bắc.
Trách nhiệm không của riêng ai
Gần đây, ông Nguyễn Tiến Thoả, nguyên là Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), hiện là Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam bày tỏ mong muốn Bộ Công Thương qua thanh tra sẽ chỉ ra rõ nguyên do thiếu điện.
“Đầu tiên là phải nói đến quy hoạch điện. Việc lập quy hoạch tính toán xây dựng và phê duyệt quy hoạch có vấn đề bất cập, thể hiện ở chỗ dự báo, tính toán không sát nhu cầu và đòi hỏi, tiềm năng phát triển để sản xuất hài hòa các nguồn điện khác nhau.
Nhiều ý kiến đánh giá quy hoạch ấy đã không cân đối một cách chính xác phát triển nguồn và lưới truyền tải, đặc biệt nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) với lưới điện truyền tải. Ai cũng biết khả năng phát triển điện gió, mặt trời ở miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, nhưng lưới truyền tải không đủ điều kiện truyền tải lượng điện này đến các nơi khác.
Như vậy, việc tính toán giữa sản xuất và tiêu dùng tại chỗ không được đề cập đúng mức, cho nên phát triển NLTT càng đè nặng lên truyền tải, dẫn đến tình trạng nơi thiếu, nơi thừa điện. Nguồn điện có nơi thừa, nơi thiếu là điều rất đau đớn.
Thời gian xây dựng và đưa vào khai thác dự án điện mặt trời chỉ 6-8 tháng, trong khi truyền tải phải mất 2-3 năm mới làm xong đường đây 220kV, 5 năm với đường dây 500kV thì không thể đầu tư kịp.
Việc thực hiện quy hoạch cũng có sự chuệch choạc. NLTT phát triển rất nóng, phân bổ không đều và thiếu sự kiểm soát, cho nên dẫn đến vỡ quy hoạch. Việc đầu tư NLTT gấp 20 lần quy hoạch rõ ràng là thiếu kiểm soát. Như vậy trách nhiệm của ai?
Trong Luật Điện lực quy định Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương, nhưng sự phối hợp này là không ổn. Có lúc địa phương tẩy chay nhiệt điện than và muốn đưa nguồn điện khác vào, Bộ và địa phương không đồng thuận được khiến mục tiêu đầu tư nguồn điện mới không đạt được. Các dự án nhiệt điện của nhiều DN không đảm bảo, trong đó có EVN, TKV, PVN và các dự án của tư nhân.
Như vậy, trách nhiệm thiếu điện này không phải của riêng ai”, TS Nguyễn Tiến Thỏa nhận định.
Minh Châu

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN