Rao bán hàng chục lần vẫn bất thành, nợ xấu BIDV có thể tăng thêm do COVID-19

Với bối cảnh kinh tế không thuận lợi do ảnh hưởng của COVID-19, dư nợ cho vay của BIDV có thể giảm, thậm chí nợ xấu có thể tăng. 

COVID-19 có thể khiến dư nợ cho vay của BID giảm, nợ xấu tăng

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) là ngân hàng niêm yết lớn nhất của Việt Nam xét về cả tổng tài sản (1.490 nghìn tỷ) và thị phần cho vay (khoảng 13%), theo sau là hai ngân hàng quốc doanh khác (VietinBank và Vietcombank).

Trong 3 năm qua, lợi nhuận của BIDV đã chịu áp lực rất từ việc trích lập dự phòng, riêng năm 2019 “ngốn” tới 20.132 tỷ đồng (tương đương với 64,8% lợi nhuận hoạt động trước trích lập dự phòng). 

Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu mở rộng (bao gồm cả các khoản nợ Nhóm 2) giảm xuống còn 1,7% và 3,97%. 

Nợ xấu đã bán cho VAMC đã được BIDV mua lại trước kỳ hạn và tất toán khi kết thúc năm tài chính 2019. Trước đó, trong báo cáo bán niên 2019, ngân hàng còn số dư trái phiếu VAMC là gần 5.000 tỷ đồng, giảm 1.500 tỷ đồng so với số dư cuối năm 2018. 

Rao ban hang chuc lan van bat thanh, no xau BIDV co the tang them do COVID-19
 

Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset (VN), những điều này đã dẫn đến các chỉ số về suất sinh lời của BIDV không hấp dẫn như các ngân hàng khác. Cụ thể, ROAA và ROAE của BID là 0,6% và 13,1%, so với trung bình ngành tương ứng là 1,7% và 19,8%. 

Nhận định thời gian tới, Mirae Asset cho rằng, với tổng mức dư nợ lớn, BIDV sẽ đối mặt với rủi ro lớn hơn trong kịch bản suy thoái kinh tế. Tác động kinh tế của COVID-19 có thể kể đến như thiếu hụt nguyên liệu, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và sự sụt giảm trong chi tiêu tùy ý.

Hơn nữa, thiếu hụt vốn lưu động có thể gây đình trệ sản xuất, tổn hại đến thu nhập của công ty quý 1, cũng như kết quả kinh doanh năm 2020. Do bối cảnh kinh tế không thuận lợi, dư nợ cho vay của BIDV có thể giảm, thậm chí nợ xấu có thể tăng. 

"Mắc kẹt" hàng loạt khoản nợ xấu, rao bán hàng chục lần vẫn bất thành

Với 19.451 tỷ đồng nợ xấu năm 2019, gấp gần 4 lần so với Vietcombank, chính vì thế từ đầu năm 2020 đến nay, BIDV liên tục rao bán các khoản nợ, thậm chí có khoản xấu tới mức rao mấy chục lần những cũng không ai mua.

Cụ thể, vừa mới đây trong tháng 3/2020, BIDV Chi nhánh Thành Nam thông báo bán đấu giá loạt tài sản của CTCP Thuý Đạt tới lần thứ 24 với giá khởi điểm chỉ hơn 98 tỷ đồng. Cụ thể các tài sản đó là toàn bộ văn phòng, nhà xưởng và các loại máy móc ở Nam Định.

Hay khoản nợ tới 1.153 tỷ đồng của Công ty TNHH Việt Can và DNTN Như Ý tại BIDV - Chi nhánh Bắc An Giang. Trong đó, DNTN Như Ý là 804 tỷ đồng và Công ty TNHH Việt Can là 349 tỷ đồng. Giá khởi điểm cho lần đấu giá thứ “n” này được giảm từ ngàn tỷ xuống còn 840,8 tỷ đồng dù các tài sản bảo đảm là hàng trăm nghìn m2 đất tại Khu đô thị mới - Thành phố lễ hội thuộc phường Vĩnh Mỹ, Thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

BIDV Nghệ An cũng vừa rao bán lần thứ 9 khoản nợ 36,6 tỷ của CTCP Đầu tư & thương mại Dầu khí Nghệ An (PVIT). Tài sản thế chấp cho khoản vay này là 8 tầng văn phòng cho thuê (từ tầng 15-22) diện tích sử dụng mỗi tầng khoảng 733 m2 tại tòa nhà Dầu khí. Mặc dù rao bán lần thứ 9 nhưng BIDV vẫn không hạ giá cho khoản nợ này.
Cũng lần thứ 9 và không hạ giá, BIDV Hà Thành bán đấu giá tài sản là 191,6 m2 nhà đất tại Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội với giá khởi điểm 16 tỷ đồng.
Với lần thứ 7 này, BIDV Thành Nam bán đấu giá toàn bộ tài sản gắn liền với đất là nhà điều hành, xưởng với tổng diện tích 4.345 m2 đất tại Lô B1, KCN Hòa Xá, Mỹ Xá, Nam Định. Giá khởi điểm của toàn bộ tài sản này là gần 32 tỷ đồng.
Rao ban hang chuc lan van bat thanh, no xau BIDV co the tang them do COVID-19-Hinh-2
 
Khoản nợ hơn 107 tỷ đồng của Công ty TNHH Thanh An An cũng được rao bán lần 4 dù tài sản bảo đảm có tới 30 quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM. Giá khởi điểm cũng được giảm từ 108 tỷ xuống còn hơn 92 tỷ đồng nhưng BIDV vẫn khó bán.
BIDV Gia Định cũng thông báo lần 3 rao bán bán 65 căn hộ tại chung cư Era Town của CTCP Đức Khải. Chung cư này toạ lạc tại đường Nguyễn Lương Bằng, quận 7, TPHCM. Diện tích dao động từ 136-316 m2 với giá bán từ 2,1-4,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay tình trạng nợ xấu này vẫn ế ẩm.

Đối với khoản nợ được đấu giá lần 2 của CTCP XNK Dệt may Thuý Đạt có giá khởi điểm là 6,87 tỷ đồng với máy hấp, máy chụp phim, xe đẩy…; hay hơn 3 tỷ dư nợ của CTCP Thương mại XNK Phương Thúy với tài sản bảo đảm là quyền sử dụng 72,6 m2 đất và tài sản gắn liền với đất ở Khu tái định cư Đồng Quýt, xã Lộc An, TP Nam Định, tỉnh Nam Định.

Khoản nợ hơn 32 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Kinh doanh Dầu khí Việt Hải tại chi nhánh BIDV Bắc Hà Nội được rao bán với giá khởi điểm chỉ hơn 26 tỷ đồng.

Đáng nói, tài sản bảo đảm rất đáng chú ý gồm toàn bộ tài sản hình thành sau đầu tư dự án “Trạm triết nạp gas Hải Dương”, 90.065 vỏ bình gas, 2 xe Toyota Innova và Ford Everest, 5 xe ô tô tải mui phủ hiệu KIA, 6 xe ô tô bao gồm 2 xe hiệu Toyota Innova và 04 xe tải hiệu KIA.

Ngoài ra quyền sử dụng nhà đất tại số 10, ngõ 30 đường Điện Biên Phủ, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng; quyền sử dụng nhà đất tại tổ dân phố số 8, P. Trần Thành Ngọ, Q.Kiến An, TP. Hải Phòng. 

Chưa hết, tài sản bảo đảm còn là 406.325 cổ phiếu của CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (UPCoM: VSP) tại Chứng khoán Sài Gòn thuộc sở hữu của ông Nguyễn Duy Hùng; toàn bộ phần vốn góp của VSP tại Công ty TNHH MTV Kinh doanh dầu khí Việt Hải.

Đáng nói, VSP (Công ty mẹ) cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty TNHH MTV Kinh doanh Dầu khí Việt Hải trong trường hợp Công ty này không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn hợp đồng.

Trong khi đó, VSP cũng đang nợ đầm đìa và chính BIDV đang lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá khoản nợ hơn 85 triệu USD (khoảng 1.977 tỷ đồng) và 67 tỷ đồng của đơn vị này. Trong đó, dư nợ gốc là 43 triệu USD và 19,5 tỷ đồng, còn dư nợ lãi là 42 triệu USD và 47 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm cho tổng khoản nợ hơn 2.000 tỷ đồng này của VSP chính là 2 lô đất trong dự án Khu đô thị và sân golf Mê Linh (Vĩnh Phúc, nay là Hà Nội) với diện tích lần lượt là 46.991 m2 và 137.620 m2.

Ngoài ra, tài sản bảo đảm cho khoản vay trên còn có máy chính tàu 54.000 DWT tại Công ty đóng tàu Dung Quất và tài sản hình thành từ vốn vay là các con tàu chở hàng rời đang thi công dở dang tại các nhà máy đóng tàu Dung Quất, Bạch Đằng.

Và các khoản vay nay có sự bảo lãnh của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC).

Hay những tài sản của CTCP Thuận Thảo (GTT) cũng liên tục được BIDV rao bán, gần nhất là Khách sạn 5 sao CenDeluxe, công trình xây dựng Khu trung tâm hội nghị, dịch vụ du lịch Thuận Thảo và công trình xây dựng Khu mở rộng Trung tâm hội nghị Thuận Thảo (Khu Land).

Giá khởi điểm của khối tài sản này là hơn 343,78 tỷ đồng, giảm phân nửa so vớ mức giá đưa ra hồi tháng 7/2019 tới 650 tỷ đồng. 

Đặc biệt, BIDV cũng vừa thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ hơn 4.000 tỷ đồng của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên. 

Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Tp.HCM. Đáng nói, tài sản này được đồng thế chấp tại BIDV, MSB, PVCombank (BIDV chiếm 58% giá trị).

Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có các quyền tài sản của mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, Huyện Quốc Oai, Tp.Hà Nội với giá trị định giá lần đầu là 885.5 tỷ đồng.

Gần đây nhất, ngày 18/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại BIDV và một số công ty.

Đồng thời, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra Quyết định tách vụ án hình sự số 07/CSKT-P13, tách hành vi BIDV cấp tín dụng cho CTCP Xi măng Phú Sơn và 7 công ty có dư nợ lớn tại BIDV.

7 công ty này có thực trạng hoạt động không hiệu quả, hoạt động cầm chừng hoặc đã dừng hoạt động, không có doanh thu. Quá trình cho vay, BIDV đã có nhiều vi phạm, nhưng hiện tại ngân hàng này vẫn đang đôn đốc thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vay.

Tổng dư nợ của 7 doanh nghiệp này tại BIDV tạm tính lên đến hơn 5.730 tỷ đồng. Cùng với dư nợ tại BIDV, 7 doanh nghiệp này cũng đang có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng khác.

Cụ thể, CTCP hoá dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex) có dư nợ tại BIDV là hơn 1.837 tỷ đồng và dư nợ tại 7 tổ chức tín dụng khác là 3.350 tỷ đồng.

CTCP Bò sữa Tây Nguyên dư nợ tại BIDV hơn 355 tỷ đồng, công ty này đã được cơ cấu nợ nhiều lần. CTCP Thuận Thảo – Nam Sài Gòn có dư nợ tại BIDV là 230 tỷ đồng. Công ty này đã được cơ cấu nợ nhiều lần nhưng vẫn không trả được nợ.

CTCP nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) dư nợ tại BIDV là 723 tỷ đồng; dư nợ tại 4 tổ chức tín dụng khác là 2.588 tỷ đồng.

CTCP Tập đoàn Khải Vy có dư nợ tại BIDV là 412 tỷ đồng. CTCP Tiến Phước và 990 có dư nợ tại BIDV là 1.823 tỷ đồng.

CTCP Thép Vạn Lợi có dư nợ tại BIDV là 350 tỷ đồng, hiện vẫn còn tài sản bảo đảm và đang trong giai đoạn tái cơ cấu.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN