Ngành ngân hàng 2024: Tín dụng tăng tốc, thận trọng rủi ro nợ xấu

Báo cáo chiến lược 2024 của Chứng khoán Dầu khí (PSI) kỳ vọng nhóm ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng tín dụng năm tới tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn rủi ro về nợ xấu.
Kỳ vọng tín dụng tăng trưởng trong năm 2024
Tăng trưởng tín dụng năm 2023 ước tính chỉ đạt khoảng 10%- 11% do kinh tế khó khăn dẫn tới hấp thụ vốn kém. Sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2024 sẽ là động lực cho tốc độ tăng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế năm 2024 cải thiện và đạt khoảng 13%-14% so với cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, PSI kỳ vọng Ngành bất động sản sẽ dần đi lên từ "vùng đáy" nhờ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ. Nhóm Ngành bất động sản và xây dựng tăng nhu cầu vốn sẽ là động lực cơ bản cho tăng trưởng tín dụng trong năm 2024.
Nganh ngan hang 2024: Tin dung tang toc, than trong rui ro no xau
 
Hầu hết vốn huy động với lãi suất cao sẽ đáo hạn trong khoảng cuối năm 2023 và quý 1/2024 kết hợp với lãi suất huy động thấp khiến lượng tiền gửi không kỳ hạn tăng lên sẽ giúp cho các NHTM giảm chi phí vốn. PSI kỳ vọng NIM của các NHTM sẽ cải thiện từ quý 2/2024 sau khi giảm trong quý 3 và quý 4/2023.
Tuy nhiên, mức độ cải thiện sẽ phân hoá giữa các nhóm Ngân hàng. Trong đó, nhóm NHTM tư nhân có thể chứng kiến NIM cải thiện rõ ràng hơn (+20bps). Các Ngân hàng HDB, MSB, SHB, SSB có thể chứng kiến tăng trưởng NIM cao hơn mức trung bình của ngành. 
Đối với nhóm các NHTM quốc doanh, áp lực duy trì lãi cho vay thấp để đảm bảo nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế có thể khiến cho NIM tăng chậm hơn (+10bps).
Nganh ngan hang 2024: Tin dung tang toc, than trong rui ro no xau-Hinh-2
 
Thận trọng trước rủi ro nợ xấu
Thu nhập từ hoa hồng bảo hiểm của các Ngân hàng thương mại giảm trong năm 2023 sau các bê bối liên quan tới dịch vụ Bancassurance của Ngân hàng và dự kiến có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi NHNN kiểm soát chặt chẽ hơn dịch vụ này để bảo vệ lợi ích của khách hàng đi vay.
Vì vậy, PSI cho rằng tăng trưởng thu nhập ngoài lãi của các Ngân hàng trong năm 2024 sẽ chủ yếu dựa vào hoạt động kinh doanh nguồn vốn (ngoại hối, vàng, đầu tư trái phiếu).
Thêm vào đó, giá trái phiếu có quan hệ nghịch đảo với lãi suất, do đó những NHTM sở hữu lượng lớn TPCP trong danh mục đầu tư của mình như MBB, OCB, LPB (giá trị TPCP nắm giữ trên 5% TTS) có thể sẽ ghi nhận thu nhập ngoài lãi tăng trưởng tích cực trong năm 2024.
Chất lượng tài sản ngành Ngân hàng đã suy giảm đáng kể trong năm 2023 với mức nợ xấu toàn ngành ước tính là khoảng 2,35% tổng dư nợ tín dụng (+75bps so với cùng kỳ).
Nganh ngan hang 2024: Tin dung tang toc, than trong rui ro no xau-Hinh-3
 
Dù tốc độ tăng của nợ xấu đã bắt đầu chậm lại từ quý 3/2023 và nguy cơ hình thành nợ xấu mới cũng đã giảm, PSI vẫn lưu ý rủi ro này, đặc biệt là sau khi Thông tư 02/2023-TT/NHNN về tái cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ hết hạn vào 30/6/2024. Lợi nhuận ngành Ngân hàng, vì vậy, nhiều khả năng sẽ bị bào mòn bởi gánh nặng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Các cổ phiếu trong ngành ngân hàng mà PSI đặt triển vọng cho năm tới có VCB và ACB.
Nganh ngan hang 2024: Tin dung tang toc, than trong rui ro no xau-Hinh-4
 
VCB - Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam
Theo PSI, chất lượng tài sản VCB tốt nhất hệ thống là cơ sở để VCB được giao hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong năm 2024. Sở hữu rất ít trái phiếu doanh nghiệp, dưới 2% tổng tài sản.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng thuộc nhóm thấp nhất trong hệ thống nhưng luôn dẫn đầu về tỷ lệ bao nợ xấu (~300%) nên gánh nặng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2024 không quá lớn.
Lãi huy động thấp nhất toàn ngành Ngân hàng kết hợp với việc có nhiều khách hàng DN lớn giúp cho VCB có chi phí vốn thấp, tỷ suất sinh lời ROAE cao thứ 3 trong hệ thống Ngân hàng.
Rủi ro: Là một NHTM có vốn Nhà nước, VCB có thể sẽ phải chứng kiến NIM cải thiện chậm và không đáng kể do phải giảm lãi cho vay để hỗ trợ khách hàng dù chi phí huy động hiện thấp nhất hệ thống Ngân hàng.
Bên cạnh đó, hệ số CAR tương đối thấp và khó tăng vốn để cải thiện hệ số CAR.
ACB - Ngân hàng TMCP Á Châu
Chất lượng tài sản vượt trội trong nhóm các NHTM tư nhân. Tỷ lệ cho vay bất động sản rất nhỏ so với tổng dư nợ cho vay khách hàng và không chịu rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp.
Quản trị rủi ro chênh lệch kỳ hạn tốt, thể hiện ở tỷ lệ nợ ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chỉ là 19% (30/6/2023). Tỷ suất sinh lời thuộc top đầu hệ thống ngân hàng.
Tỷ lệ ROAE đứng thứ 2 toàn ngành ngân hàng, chỉ thấp hơn VIB nhưng ACB có tỷ lệ đòn bẩy tài chính thấp hơn. NIM thuộc top đầu hệ thống, chủ yếu đến từ hoạt động cho vay khách hàng và đầu tư trái phiếu các TCTD khác và TPCP.
Rủi ro: Nợ xấu tăng trong khi tỷ lệ bao nợ xấu năm 2023 giảm có thể khiến gánh nặng dự phòng tăng lên trong năm 2024, tác động tiêu cực tới tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 của ACB.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN