Một cổ phiếu ngành thép bị rơi vào diện hạn chế giao dịch

Do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về BCTC kiểm toán năm 2022 nên HNX đã đưa cổ phiếu TNS vào diện hạn chế giao dịch.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định đưa cổ phiếu TNS của CTCP Thép tấm lá Thống Nhất vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 16/3.
Nguyên nhân HNX đưa ra là tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với BCTC năm 2022 của TNS. Theo đó, cổ phiếu TNS chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.
Trong năm 2022 vừa qua, Thép tấm lá Thống Nhất đạt 624 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 263 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 60% và 99% so với năm trước.
TNS giải trình do thị trường thép thế giới năm 2022 có sự biến động mạnh khiến thị trường trong nước gặp khó khăn, dẫn đến sản lượng sản xuất năm 2022 giảm 43% và sản lượng tiêu thụ giảm 43% so với cùng kỳ.
Thêm vào đó, nhu cầu thị trường không mấy tích cực bên cạnh nguồn cung dồi dào, hàng tồn kho nhiều, xuất khẩu suy yếu… dẫn đến giá thép trên thị trường giảm.
Mot co phieu nganh thep bi roi vao dien han che giao dich
 TNS chỉ giao dịch thứ 6 hằng tuần.
Trên BCTC kiểm toán, kiểm toán cho rằng Công ty chưa ghi nhận chi phí lãi vay phải trả Tổng Công ty Thép Việt Nam và chi phí lãi chậm trả với Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ - Nvsteel.
Căn cứ lãi suất quy định trên hợp đồng và dư nợ, số tiền lãi và lãi chậm trả lũy kế đến 31/12/2022 là 50,1 tỷ đồng (trong đó tiền lãi vay và lãi chậm trả lũy kế đến 1/1/2022 là 48.54 tỷ đồng).
Điều này dẫn đến trên bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2022 và ngày 1/1/2022, chỉ tiêu “chi phí phải trả ngắn hạn” đang phản ánh thiếu và chỉ tiêu “lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” phản ánh thừa với cùng số tiền 50,1 tỷ đồng và 48,54 tỷ đồng.
Đồng thời, trên BCTC năm 2022 và 2021, chỉ tiêu “chi phí tài chính” đang phán ánh thiếu số tiền lần lượt 1,57 tỷ đồng và 7,08 tỷ đồng và chỉ tiêu “tổng lợi nhuận kế toán trước thuế” phản ánh thừa số tiền tương ứng.
Trong năm 2022, Công ty đã thực hiện đánh giá lại giá trị một số công cụ dụng cụ là trục cán thép đã phân bổ hết giá trị và theo dõi trên khoản mục “chi phí trả trước ngắn hạn”.
Điều này dẫn đến khoản mục này phát sinh tăng và các chỉ tiêu giá vốn trong kỳ giảm và tổng lợi nhuận tăng tương ứng với tổng số tiền 8,4 tỷ đồng.
Kiểm toán đã thực hiện đầy đủ thủ tục kiểm toán, nhưng không thể xác định được các điều chỉnh cần thiết đối với số liệu trên BCTC cho các chỉ tiêu “chi phí trả trước ngắn hạn”, “giá vốn hàng bán” và các khoản mục có liên quan cho kỳ kết thúc vào 31/12/2022.
Công ty chưa đạt thỏa thuận mới đáng kể nào về việc giãn nợ. Do đó, Công ty chưa thể thu xếp được nguồn tài chính để thanh toán cho các khoản vay đến hạn trong điều kiện hoạt động hiện tại.
Các dấu hiệu này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kễ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Tuy nhiên, BCTC cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022 của Công ty vẫn được trình bày dựa trên cơ sở đánh giá hoạt động liên tục.
Theo “Biên bản xác nhận số liệu kiểm tra” của Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 8/8/2022, Công ty thực hiện ghi nhận doanh thu đối với khoản nợ phải trả cho Công ty TNHH Việt Nam Osaka Fuji số tiền 684 triệu đồng.
Kiểm toán đã thực hiện đầy đủ thủ tục, nhưng không thể xác định được tính hợp lý và chính xác của việc ghi nhận thu nhập này. Do đó, kiểm toán không thể xác định được các điều chỉnh cần thiết đối với số liệu trên BCTC cho chỉ tiêu “thu nhập khác” và các khoản mục liên quan.
Do đó, kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về BCTC của TNS cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN