Mỗi tuần một doanh nghiệp: VDSC kỳ vọng DRC có lãi tăng 41% khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19

Trong một báo cáo phân tích về DRC của CTCP Cao su Đà Nẵng, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng sau kết quả kinh doanh không khả quan ở quý 2 do ảnh hưởng của Covid-19, tình hình kinh doanh của DRC đã có sự phục hồi trong quý 3. 

Tuy nhiên mức độ cạnh tranh ngành ngày càng cao khiến giá bán các sản phẩm chính như lốp radial và bias đồng loạt sụt giảm. Đồng thời, chi phí bán hàng cũng tăng để duy trì thị phần.

Vậy nên, VDSC dự kiến doanh thu và lợi nhuận năm 2020 của công ty sẽ sụt giảm so với năm 2019. Ngược lại, kết quả kinh doanh năm 2021 dự kiến sẽ khả quan hơn nhờ hoạt động xuất khẩu kỳ vọng tăng trưởng và chi phí khấu hao giảm.

Hiện tại cổ phiếu đang giao dịch ở mức P/E trượt 10,4x, thấp hơn mức P/E 11,2x của năm 2019, giai đoạn thị trường kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng mạnh doanh thu nhờ tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Tuy nhiên xem xét các yếu tố về cạnh tranh và chi phí gia tăng trong thời gian tới, VDSC cho rằng mức giá hiện tại không còn hấp dẫn. Định giá cổ phiếu DRC ở mức 20.900 đồng/cp. Với mức cổ tức tiền mặt kỳ vọng 1.500 đồng/cp trong 12 tháng tới, tổng mức sinh lời là 12%. VDSC đưa ra khuyến nghị tích luỹ đối với cổ phiếu này.

Cạnh tranh ngành khiến lợi nhuận sụt giảm trong quý 3

Doanh thu thuần quý 3 đạt 947 tỷ đồng, giảm 2% YoY. Trong đó, mảng bias ghi nhận doanh thu tương đương cùng kỳ năm trước với 268 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu lốp radial giảm nhẹ 6% YoY, chỉ đạt 483 tỷ đồng do giá bán giảm. Biên LNG quý 3 chỉ đạt 15,3%, thấp hơn mức 16,7% của cùng kỳ.

Hầu hết các sản phẩm của DRC đều có biên LNG cao hơn năm trước nhờ chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm, ngoại trừ biên LNG lốp radial giảm từ mức 12% xuống còn 8%. Từ đó, lợi nhuận gộp đạt 145 tỷ đồng, giảm 11% YoY.

Nỗ lực duy trì tập khách hàng hiện hữu trong bối cảnh cạnh tranh mảng radial ngày càng cao thông qua khuyến mãi kích cầu đã làm tăng chi phí bán hàng lên 41 tỷ đồng (+42% YoY). Ngược lại, chi phí tài chính giảm 31% YoY, xuống 13 tỷ đồng do hoạt động kinh doanh sụt giảm.

Vậy nên, tổng chi phí (gồm chi phí tài chính, chí phí bán hàng và chi phí quản lý) ở mức 70 tỷ đồng, tăng 10% YoY. Như vậy, LNST chỉ đạt 62 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ.

Sau 9 tháng, doanh thu đạt 2.539 tỷ đồng, giảm 12% YoY. Biên LNG tăng từ mức 13,9% lên mức 15%. Lợi nhuận gộp giảm 5% YoY, xuống 380 tỷ đồng. LNST giảm 16% YoY về mức 142 tỷ đồng.

Moi tuan mot doanh nghiep: VDSC ky vong DRC co lai tang 41% khi nen kinh te phuc hoi sau dai dich COVID-19
 

Lốp radial

Doanh thu lốp radial đạt 483 tỷ đồng, giảm 6% YoY với sản lượng tương đương cùng kỳ năm 2019 với 136.563 lốp. Sản lượng xuất khẩu sang Mỹ có sự tăng trưởng so với cùng kỳ trong khi hoạt động xuất khẩu sang Brazil chỉ mới phục hồi từ tháng 9.

Bên cạnh đó, giá bán trung bình đạt 3.536.000 đồng/chiếc, giảm 6% YoY. Giá bán chủ yếu giảm ở kênh xuất khẩu với -10% so với cùng kỳ, nguyên nhân đến từ việc giảm giá bán để cạnh tranh với các công ty Trung Quốc.

VDSC có phần quan ngại về tình trạng cạnh tranh ngày càng cao trong việc cung cấp lốp radial vào thị trường Mỹ và Brazil khi điều này khiến giá bán của DRC liên tục giảm, từ đó làm giảm biên LNG hoạt động xuất khẩu lốp radial.

Moi tuan mot doanh nghiep: VDSC ky vong DRC co lai tang 41% khi nen kinh te phuc hoi sau dai dich COVID-19-Hinh-2
 

Giá cao su và giá dầu đều ở mức thấp so với quý 3/2019 nên chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm, từ đó hỗ trợ giảm chi phí sản xuất trên 1 đơn vị xuống còn 3.253.000 đồng/chiếc, giảm 1,7% YoY. Tuy nhiên, do giá bán giảm mạnh hơn nên biên LNG sụt giảm từ 12% (Q3-2019) xuống 8% và lợi nhuận gộp của mảng đạt 39 tỷ đồng, giảm 37% YoY.

Moi tuan mot doanh nghiep: VDSC ky vong DRC co lai tang 41% khi nen kinh te phuc hoi sau dai dich COVID-19-Hinh-3
 

Sau 9 tháng, doanh thu mảng lốp radial đạt 1.256 tỷ đồng, giảm 12% YoY. Biên LNG tăng từ mức 7,2% (9T2019) lên 8,4%. Lợi nhuận gộp đạt 105 tỷ đồng, tăng 3% YoY.

Lốp bias

Doanh thu quý 3 đạt 268 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng tăng 14,3% YoY, lên 160.410 lốp với sự tăng trưởng ở cả lốp bias tải nặng và tải nhẹ. Động lực tăng trưởng đến từ việc công ty tăng chiết khấu cho khách hàng nhằm thúc đẩy tiêu thụ trong thời kỳ dịch bệnh.

Từ đó, giá bán các loại lốp bias đều giảm khiến giá bán trung bình giảm 12,7% YoY chỉ còn 1.673.000 đồng/lốp. Giá thành sản xuất bình quân giảm 12,1% YoY, xuống 1.237.000 đồng/lốp nhờ chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm. Từ đó, biên LNG không có nhiều biến động và dao động ở mức 26,1% và lợi nhuận gộp của mảng đạt 70 tỷ đồng (-2% YoY).

Moi tuan mot doanh nghiep: VDSC ky vong DRC co lai tang 41% khi nen kinh te phuc hoi sau dai dich COVID-19-Hinh-4
 

Sau 9 tháng, doanh thu mảng lốp bias đạt 757 tỷ đồng, giảm 16% YoY. Biên LNG giảm từ mức 25,1% (9T2019) xuống 24,8%. Lợi nhuận gộp đạt 188 tỷ đồng, giảm 17% YoY.

Trong quý 3, các mảng khác của DRC đạt 195 tỷ doanh thu (tăng 4% YoY) và 36 tỷ lợi nhuận gộp (tăng 23% YoY). Việc giá thành nguyên vật liệu giảm đã giúp lợi nhuận gộp tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.

Kỳ vọng lợi nhuận tăng 46% vào năm 2021 khi nền kinh tế được phục hồi sau đại dịch COVID-19

Quý 4/2020, VDSC ước tính doanh thu đạt 959 tỷ đồng, giảm 1% YoY với sản lượng lốp radial tăng 10% YoY (đạt 141.000 chiếc) và sản lượng lốp bias giảm 6% YoY (đạt 159.000 lốp). Việc chi phí khấu hao giảm 39 tỷ đồng, do máy móc thiết bị nhà máy radial giai đoạn 1 đã hết thời hạn khấu hao, giúp biên LNG của công ty được duy trì ở mức 17,6%, tương đương cùng kỳ năm 2019.

Để giữ vững thị phần trong bối cảnh cạnh tranh ngành tăng, chi phí bán hàng có thể sẽ tăng 18% YoY, lên 41 tỷ đồng. Từ đó, LNST cổ đông công ty mẹ dự kiến ở mức 72 tỷ đồng, giảm 11% YoY.

Như vậy, trong năm 2020, VDSC dự phóng doanh thu và LNST cổ đồng công ty mẹ đạt lần lượt 3.498 tỷ đồng (-9% YoY) và 214 tỷ đồng (-15% YoY).

Qua năm 2021, với kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch Covid-19 và lợi nhuận tăng 155 tỷ đồng nhờ không còn ghi nhận chi phí khấu hao máy móc thiết bị nhà máy radial giai đoạn 1, VDSC dự phóng doanh thu và LNST của công ty đạt lần lượt 3.891 tỷ đồng (+11% YoY) và 312 tỷ đồng (+46% YoY).

Cụ thể, sản lượng lốp radial sẽ tăng 25% YoY, lên 600.000 lốp nhờ mở rộng xuất khẩu sang Mỹ và thị trường nội địa phục hồi, trong khi sản lượng lốp bias giảm nhẹ 3% YoY, xuống 576.000 lốp.

Cạnh tranh ngày tăng nên dự kiến giá bán giảm nhẹ và chi phí nguyên vật liệu tăng khi nhu cầu sản xuất toàn cầu phục hồi sau dịch Covid-19. Tuy nhiên biên LNG vẫn tăng lên mức 17,9% nhờ chi phí khấu hao máy móc thiết bị nhà máy radial giai đoạn 1 giảm.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN