Masan sẽ huy động 10.000 tỷ qua trái phiếu để trả nợ và rót vào công ty con

Masan dự kiến phát hành 100 triệu trái phiếu MSN chia làm 4 đợt, thực hiện vào đầu năm 2020 để bổ sung vốn cho các công ty con. 
 

Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, không kèm chứng quyền và không được đảm bảo bằng tài sản của Masan.

Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 36 tháng với lãi suất cố định 12 tháng đầu tiên là 9,3% và 10% một năm. Lãi suất mỗi giai đoạn tiếp theo được thả nổi 2,5% một năm và trung bình cộng lãi tiền gửi của nhóm ngân hàng quốc doanh.

Theo kế hoạch, số trái phiếu này sẽ được bán ra công chúng trong 4 đợt, đó đợt 1 và đợt 3 có giá trị 3.000 tỷ đồng/đợt, đợt 2 và đợt 4 có giá trị 2.000 tỷ đồng/đợt. Trái phiếu đợt 1 và 2 dự kiến được phát hành vào quý 1/2020, trái phiếu đợt 3 và 4 vào quý 2/2020.

Masan se huy dong 10.000 ty qua trai phieu de tra no va rot vao cong ty con
 Masan sẽ phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu cho công ty con.

Việc phát hành trái phiếu nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của Masan và công ty con để thực hiện các dự án đầu tư, mở rộng kinh doanh, thanh toán các khoản nợ...

Cụ thể, 5.000 tỷ đồng thu từ các đợt phát hành dự kiến để góp vốn điều lệ của Công ty TNHH Tầm nhìn Masan. Đây là công ty con do Masan sở hữu 99,99% vốn, và mới thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 18.737 tỷ đồng.

4.000 tỷ đồng sẽ được dùng để cho vay hai công ty con là Công ty TNHH Masan Consumer Holdings (3.000 tỷ đồng) và Công ty TNHH MNS Meat Hà Nam (1.000 tỷ đồng).

1.000 tỷ đồng còn lại dự kiến được Masan dùng để thanh toán nợ vay nội bộ của Masan cho công ty con là Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo. Thời gian sử dụng số tiền thu được dự kiến là vào quý và quý 2/2020.

Ban lãnh đạo Masan khẳng định, sau khi trừ nghĩa vụ thuế và chi phí hoạt động, doanh thu theo kế hoạch vẫn đủ thanh toán nợ lãi, gốc đã phát sinh và sắp ghi nhận thêm từ đợt phát hành trái phiếu.

Tổng nợ của Masan tính đến ngày 30/9 xấp xỉ 34.000 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong số này là các khoản vay và trái phiếu ngắn, dài hạn.

Cùng ngày 20/12, Hội đồng quản trị Masan đã ban hành nghị quyết phê duyệt việc tăng phần vốn góp của Masan trong Công ty TNHH Tầm nhìn Masan (Masan Horizon) từ 13.737 tỷ đồng lên 18.737 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 5.000 tỷ đồng. Việc góp thêm vốn có thể được thực hiện trong một hoặc nhiều đợt.

Phương án trái phiếu được Hội đồng quản trị Masan thông qua không lâu sau khi doanh nghiệp này thông báo nhận sáp nhập mảng bán lẻ và nông nghiệp của Tập đoàn Vingroup vào Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan.

Việc sáp nhập trên có thể là nền tảng giúp tỷ phú Nguyễn Đăng Quang thực hiện được mục tiêu chiếm lĩnh thị trường bán lẻ còn dang dở, tuy nhiên cũng đầy thử thách.

Trong văn bản nội bộ được gửi đi vào ngày 17/12 mới đây, ông Quang khẳng định thương vụ này sẽ "giúp cho việc tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo ra một tập đoàn hàng tiêu dùng – bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam".

Sau thông tin về thương vụ này được công bố, cổ phiếu MSN của Masan có nhiều phiên giảm liên tiếp, giá đi xuống từ 69.000 đồng/cp đầu phiên 3/12 xuống còn 55.000 đồng/cp kết phiên 20/12. Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang cũng vì thế mà mất ngôi tỷ phú USD.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN