Đâu là rào cản chính đối với hàng nhập khẩu vào EU?

Mặc dù thị trường đã mở cửa, nhưng các rào cản mà EU vẫn còn sử dụng rất lớn. Hàng rào phi thuế quan sẽ là vấn đề trở ngại chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào những thị trường này.
 

Mở đầu diễn đàn Hội nhập Kinh tế Quốc tế 2019, ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hội nhập quốc tế TP.HCM cho biết nhiều thông tin liên quan đến xu hướng áp dụng biện pháp phi thuế quan trong thương mại quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do.

"Biện pháp phi thuế quan trong các FTA về cơ bản tuân thủ nguyên tắc trong WTO và còn ràng buộc các nước bằng việc đặt ra các tiêu chuẩn hay rào cản mới, đảm bảo tính minh bạch, hợp lý và tính giải trình.

Trong trường hợp xuất khẩu tăng nhanh do hàng rào thuế quan hạ thấp rất có thể những nước nhập khẩu sẽ kích hoạt các biện pháp bảo hộ khác (trong đó có biện pháp chống bán phá giá; biện pháp đối kháng và biện pháp tự vệ)" - ông An nói.

Dau la rao can chinh doi voi hang nhap khau vao EU?
 
Quan hệ thương mại Việt Nam - EU phát triển rất nhanh chóng từ năm 2000 đến 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng hơn 13,6 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 55,77 tỷ USD năm 2018.

EU là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ (số liệu năm 2018). Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,9 lần và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 10 lần.

Thế nhưng, tốc độ tăng trưởng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU hiện đang có xu hướng suy giảm. Cụ thể 11 tháng năm 2019, xuất khẩu đạt 38,38 tỷ USD, giảm 1,26% so với cùng kỳ 2018 – bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, đưa ra dẫn chứng.

Có một số nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút. Thứ nhất, năm 2019 là điểm chững sau thời gian tăng trưởng nóng liên tục từ 2000 đến 2018.

Thứ hai, nhóm hàng nông sản gặp biến động về giá và các rào cản kỹ thuật của EU (tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, vấn đề an toàn vệ sinh…).

Thứ ba, sụt giảm kim ngạch mặt hàng máy tính linh kiện điện từ (một phần do Samsung kết thúc đợt đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Galaxy Note 10 và máy tính bảng).

Thứ tư, Việt Nam chủ yếu bán nguyên liệu thô, chưa có nhiều mặt hàng đã qua chế biến, có giá trị gia tăng và cuối cùng là vấn đề xây dựng thương hiệu.

Theo bà Hiền, mặc dù thị trường đã mở cửa, nhưng các rào cản EU vẫn còn sử dụng rất lớn. Hàng rào phi thuế quan sẽ là vấn đề trở ngại chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào những thị trường này.

Cụ thể, EU đưa ra các tiêu chí rất nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, sức khỏe động, thực vật, an toàn đối với môi trường.

Cụ thể, hàng rào kỹ thuật có tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn kỹ thuật, bao bì, dán nhãn, nhãn sinh thái EU... Ngoài ra, EU còn áp dụng hạn chế nhập khẩu với một số sản phẩm nông nghiệp (cần có giấy phép nhập khẩu), sản phẩm nhôm, sắt thép (tất cả nhập khẩu sắt, thép và một số sản phẩm nhôm có trọng lượng tịnh trên 2.500 kg phải được EU giám sát từ trước). 

EU cũng đưa ra các tiêu chuẩn về marketing đối với nông sản và thủy sản, sản phẩm sản xuất hữu cơ. Theo hệ thống tiếp thị chung cho các sản phẩm nông nghiệp, các yêu cầu khác nhau tùy theo sản phẩm.

Trong đó có nội dung marketing về độ tươi, kích thước, chất lượng, cách trình bày... Các tiêu chuẩn tiếp thị cho các sản phẩm thủy sản được phân loại theo chất lượng, kích thước hoặc trọng lượng, đóng gói, trình bày và ghi nhãn.

Bên cạnh đó, thị trường này còn đưa ra các tiêu chuẩn về môi trường như hóa chất, hóa chất độc hại, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải…. 

Để tiếp cận các kênh phân phối EU, các sản phẩm Việt Nam phải đáp ứng hai nhóm yêu cầu về pháp lý cũng như đáp ứng được thị hiếu khách hàng về môi trường và xã hội.

Các doanh nghiệp nên chủ động nắm vững cam kết của Việt Nam và EU trong EVFTA, tìm hiểu các quy định đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU, tận dụng một cách bền vững các cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ - EU/Mỹ - Trung, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh,…

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN