Masan lập công ty hơn 600 tỷ bán đồ dùng gia đình và chăm sóc cá nhân

Masan HPC đăng ký tất cả 47 ngành nghề kinh doanh, bên cạnh đó Công ty còn bán buôn ôtô và xe có động cơ khác, bán lẻ ôtô con loại 9 chỗ trở xuống, bán môtô, xe máy.
 

Tập đoàn Masan vừa thành lập Công ty TNHH Masan HPC vào ngày 20/12 với vốn điều lệ ban đầu là 605 tỷ đồng. Được biết, Masan HPC có cùng địa chỉ đăng ký kinh doanh với CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, UPCoM: MCH).

Theo cổng thông tin quốc gia đăng ký doanh nghiệp, Masan HPC đăng ký tất cả 47 ngành nghề kinh doanh. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh chính là bán buôn đồ dùng gia đình và đồ chăm sóc cá nhân. 

Đáng chú ý, một trong những ngành nghề kinh doanh còn lại mà Masan HPC đăng ký thêm là đại lý, bán buôn ôtô và xe có động cơ khác, bán lẻ ôtô con loại 9 chỗ trở xuống, bán môtô, xe máy.

Song song với việc bán ôtô hay xe máy, Masan HPC còn đăng ký thêm bảo dưỡng, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy, bán phụ tùng các loại xe trên.

Masan lap cong ty hon 600 ty ban do dung gia dinh va cham soc ca nhan
Công ty mới lập của Masan sẽ bán ôtô, xe máy. 

Ông Phạm Hồng Sơn hiện đang là Phó Tổng Giám đốc Masan Consumer cũng chính là người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch Masan HPC.

Masan HPC hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và thuộc sở hữu của Masan Consumer. Việc thành lập công ty mới được thực hiện không lâu sau khi doanh nghiệp này nhận chuyển nhượng mảng bán lẻ và nông nghiệp từ Tập đoàn Vingroup.

Vừa mới hoạt động chỉ được 4 ngày thì Masan HPC đã có ý định thâu tóm 60% cổ phần CTCP Bột giặt Net (Netco) – một thương hiệu đã có tuổi đời 50 năm, để chính thức bước vào ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình. 

Năm 2018, Bột giặt Net đạt doanh thu thuần 1.117 tỷ đồng và lợi nhuận thuần sau thuế là 57 tỷ đồng. Thị phần hiện tại của Bột giặt Net trong ngành hàng bột giặt là 1,5%. Dẫn đầu thị trường là Unilever với 54,9% thị phần, Procter & Gamble 16%, Đại Việt Hương 11,6%, LIX 2,7% và Vico 2,4%.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN