Khi nào nhà đầu tư chứng khoán nên cắt lỗ?

Bên cạnh việc xác định điểm mua và mục tiêu chốt lãi, việc xác định ngưỡng cắt lỗ cũng là một phần vô cùng quan trọng trong việc xây dựng chiến lược giao dịch. 
Cắt lỗ (cutloss) là việc bạn chủ động đóng vị thế và chấp nhận 1 khoản lỗ khi cổ phiếu không diễn biến đúng như tính toán ban đầu.
Trong nhiều trường hợp, sau khi vào vị thế, xu hướng cổ phiếu không đi theo dự đoán ban đầu của bạn hoặc thời điểm bạn vào vị thế không chính xác. Việc cắt lỗ sẽ giúp trader bảo vệ nguồn vốn và kiểm soát được rủi ro.
Bên cạnh vai trò lá chắn bảo vệ, việc thường xuyên tuân thủ cắt lỗ cũng giúp cải thiện thành tích giao dịch của trader. Tính toán tỷ lệ Lợi nhuận : Rủi ro dựa trên các mốc cắt lỗ, chốt lời sẽ giúp trader tìm kiếm nhưng deal giao dịch hấp dẫn, an toàn. Từ đó gia tăng tỷ lệ chiến thắng.
Giai đoạn cuối năm 2018, cổ phiếu POW hình thành mẫu hình cốc tay cầm. Điểm breakout đồng thời cũng là điểm pivot xuất hiện vào tháng 1 năm 2019.
Thời điểm đó rất nhiều người, trong đó có tôi, đã tham gia cổ phiếu này ở mức giá 16. Mục tiêu chốt lời ước lượng là 18.7 (cộng chiều cao mẫu hình vào điểm breakout) và mức cắt lỗ tôi đặt ra là 14.7 (tương đương mức giảm 8% so với giá mua).
Khi so sánh mức take profit và stoploss, ta có 1 deal giao dịch với tỷ lệ lợi nhuận : rủi ro khoảng 2:1, tương đối hấp dẫn. Tuy nhiên các phiên tiếp theo cổ phiếu gặp áp lực bán mạnh và sau đó sụt giảm.
Trong suốt năm 2019, cổ phiếu giảm hơn 50%, xuống mức đáy lịch sử quanh mức 7.000 đồng/cp. Trong trường hợp này, nếu tuân thủ việc cắt lỗ, bạn sẽ bảo vệ được nguồn vốn và tránh được tổn thất rất nặng nề.
Khi nao nha dau tu chung khoan nen cat lo?
 
Một vấn đề gây tranh cãi về cắt lỗ là đôi khi bạn cắt xong thì cổ phiếu lại tăng và trader bị đánh văng khỏi vị thế (whipsaw). Trong ví dụ cổ phiếu POW bạn cũng có thể thấy vào tháng 5/2019 có 1 nhịp hồi về gần giá 16 (giá vốn ban đầu) khiến nhiều người có tâm lý thờ ơ, e dè cắt lỗ.
Có thể việc cắt lỗ khiến bạn đánh mất vị thế, nhưng nó cũng giúp bạn không phải trở thành 1 NĐT dài hạn bất đắc dĩ, gánh 1 khoản lỗ to lớn và tâm lý nặng nề. Vậy nên nếu chẳng may “mất hàng”, hãy bình tĩnh đánh giá lại các luận điểm mua ban đầu của bạn.
Nếu chúng không thay đổi và các nhịp giảm này chỉ mang tính nhất thời (1 thông tin sai lệch được xác minh lại, Market makers “cướp hàng” từ nhỏ lẻ…), hãy chủ động tạo 1 vị thế mới.
* Whipsaw là thuật ngữ ám chỉ việc trader bị đánh bật khỏi vị thế khi cổ phiếu giảm qua mức stoploss rồi bật tăng trở lại.Whipsaw là cái cưa có 2 đầu, 2 người thợ ngồi ở 2 đầu sẽ kéo qua kéo lại để cắt gỗ, sắt thép. Chuyển động qua lại của cái cưa được ví như chuyển động của giá cổ phiếu.
Các cách các lỗ thông dụng
1/ Cắt lỗ theo %
Cách cắt lỗ thông dụng và đơn giản nhất là bán ra khi cổ phiếu giảm một mức phần trăm nào đó so với giá mua. Bao nhiêu phần trăm thì tuỳ thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi người cũng như độ biến động (volatility) của từng loại cổ phiếu. Thường đa số trader sẽ giới hạn mức lỗ ở 7-8%.
Ưu điểm của cách này là dễ dàng và linh hoạt, đặc biệt trong việc tính toán và quản trị mức lỗ. Có thể tùy chỉnh mức phần trăm tuỳ vào khẩu vị rủi ro cũng như đặc tính của mỗi cổ phiếu.
Tuy nhiên tuỳ vào điểm vào lệnh mà mức stoploss sẽ có tính trọng yếu thấp (mức giá có tính trọng yếu cao hơn nếu nằm gần các loại hỗ trợ hoặc kháng cự, Fibonacci, trendline...)
2/ Cắt lỗ khi thủng các vùng hỗ trợ trọng yếu
Các vùng hỗ trợ trọng yếu bao gồm các vùng đỉnh/đáy trong quá khứ, trendline, các mốc Fibonacci, các đường trung bình động… nói chung là những mức giá có lực cầu mạnh.
Nếu giá thủng các vùng hỗ trợ này (đặc biệt kèm khối lượng lớn), rất có thể xu hướng của cổ phiếu đã thay đổi và trader nên nhanh chóng đóng vị thế, thoát hàng. Lệnh dừng lỗ nên được đặt ngay bên dưới vùng hỗ trợ trọng yếu.
Cách cắt lỗ này đòi hỏi trader phải xác định được đâu là những hỗ trợ trọng yếu. Bên cạnh đó bạn cũng sẽ chịu mức lỗ lớn hơn nếu điểm vào của bạn cách xa so với các vùng hỗ trợ.
Khi nao nha dau tu chung khoan nen cat lo?-Hinh-2
 
Ví dụ: SCR
SCR có phiên breakout khỏi mẫu hình tam giác kèm khối lượng giao dịch đột biến vào ngày 12/4. Hãy chú ý vùng giá 8-7-8.9 gồm có trendline dưới của mẫu hình tam giác và đường MA50 đóng vai trò hỗ trợ cho giá cổ phiếu.
Các trader có thể chọn mức 8.6 làm điểm cắt lỗ trong trường hợp bất lợi. Giả sử bạn vào vị thế ở giá 9.5, mức stoploss này tương ứng giảm 9.52%.
Bạn cũng có thể chọn cách stoploss 7% so với giá vốn, lúc này bạn sẽ bán ngay trên đường MA50 và có thể bị whipsaw nếu hỗ trợ này nâng đỡ thành công giá cổ phiếu.
=> Tuỳ trường hợp mà trader có thể chọn lựa phương án cắt lỗ, hoặc kết hợp cả 2.
Đối với 1 số loại cổ phiếu/ hàng hoá/ tiền tệ có biến động giá rất lớn. Những biến động này khiến cả 2 phương pháp cắt lỗ kể trên xảy ra whipsaw.
Trader có thể sử dụng những chỉ báo kĩ thuật đo lường độ biến động như Average True Range để làm tham chiếu cắt lỗ. Đối với TTCK VN thì phương pháp này ít khi được dùng nên tôi sẽ không đi vào chi tiết.
Bài học kinh nghiệm 
1/ Không nới lỏng điểm dừng lỗ
Đôi ngài thị trường không hành động như dự tính của bạn dẫu cho bạn đã dành nhiều thời gian và công sức để phân tích, chọn lựa 1 mã cổ phiếu thật tốt.
Nhiều người e dè khi giá cổ phiếu về đến điểm stoploss mà họ đặt ra rồi tự nhủ “có lẽ điểm dừng lỗ của mình quá gần” hoặc “đoạn này thị trường dao động lớn quá” và rồi tự hạ mức stoploss xuống để không phải bán ra.
Thường xuyên nới lỏng điểm dừng lỗ sẽ khiến trader đánh mất sự kỉ luật, lâu ngày dẫn đến thờ ơ với việc cắt lỗ. Hãy tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch cắt lỗ đã đặt ra.
2/ Không đặt điểm dừng lỗ quá gần điểm vào lệnh
Những trader ít kinh nghiệm vì ngại những tổn thất lớn mà thường chọn 1 mức cắt lỗ quá gần điểm mua. Điều này dễ dẫn đến việc trader bị whipsaw. Về lâu dài, thường xuyên bị đánh văng khỏi vị thế sẽ dẫn đến tâm lý tiêu cực, chán nản.
Vậy nên, bạn cần đặt mức cắt lỗ ở khoảng cách hợp lý để tránh ảnh hưởng từ những biến động của cổ phiếu
3/ Đừng quên nâng mức dừng lỗ (sử dụng trailing stoploss)
Hãy để cho 1 cổ phiếu đang tăng tiếp tục tăng, nhưng cũng đừng quên nâng mức dừng lỗ để bảo vệ cho khoản lợi nhuận mà bạn kiếm được.
Một số công cụ trailing stoploss thường được trader sử dụng đó là: sử dụng đường trung bình động, limited average true range, parabolic sar, breakaway gap...
Công Thành

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN