Cổ phiếu chứng khoán 'bung nóc', 12/24 mã tím lịm

Dù thị trường có tăng giảm đan xen, tuy vậy 24/24 cổ phiếu ngành chứng khoán đều ghi nhận tăng thậm chí tăng trần trong sáng 31/5. 
Kết thúc phiên giao dịch sáng 31/5, VN-Index dừng chân tại mức 1.319,37 điểm, giảm nhẹ 1 điểm sau thời gian tăng sốc rồi giảm sâu, trong khi đó nhóm VN30 tăng đến 5,5 điểm. HNX-Index tăng 0,78% lên 312,87 điểm.
Xét toàn thị trường nhóm cổ phiếu chứng khoán hiện đang là nhóm dẫn đầu đà tăng với 5,42% do nhiều mã trong nhóm này tăng khá mạnh. Cụ thể, cả nhóm đang có 24/24 mã tăng, trong đó có đến 12 mã kịch trần.
Các mã AAS, DSC, BVS, BSI, APS, VIG, PSI, CTS đang là những mã hiện màu tím. Các mã đầu ngành như SSI đang xanh hơn 5%, VND tăng gần 7% và HCM tăng trên 4%. Các mã còn lại như ART, FTS, VCI, WSS… đều phổ biến với mức tăng từ 4%-7%.
Hiện, lực mua đuổi giá vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi mà nhiều cổ phiếu tăng khá nhanh cùng khối lượng đột biến.
Co phieu chung khoan 'bung noc', 12/24 ma tim lim
 24/24 cổ phiếu chứng khoán đều tăng.
Đà tăng của mỗi công ty chứng khoán tất nhiên được hỗ trợ bởi những câu chuyện khác nhau của từng doanh nghiệp nhưng tựu chung lại đều phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào thời kỳ hoàng kim của công ty chứng khoán sắp đến nhờ hưởng lợi lớn từ: Phí giao dịch, lượng tài khoản mở mới, nghiệp vụ tự doanh, cho vay margin, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Một động lực cho đà tăng giá của nhóm cổ phiếu chứng khoán trong giai đoạn vừa qua không thể không kể đến là kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Chẳng hạn, Chứng khoán TP.HCM (HSC) sẽ phát hành hơn 152,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1, mức giá chào bán 14.000 đồng/cp, nhằm thu về 2.135 tỷ đồng.
Số tiền này, HSC dự kiến dùng 1.495 tỷ đồng bổ sung vào nguồn vốn cho vay margin; bổ sung vốn cho hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán 427 tỷ đồng, bổ sung vốn hoạt động tự doanh hơn 213 tỷ đồng. Vốn điều lệ của HSC sau khi phát hành sẽ tăng lên hơn 4.583 tỷ đồng.
Trong khi đó, MBS cho biết sẽ triển khai kế hoạch phát hành thêm để tăng vốn điều lệ từ 1.643 tỷ đồng lên 2.676 tỷ đồng, tương ứng việc phát hành thêm cổ phiếu với tổng mệnh giá 1.032 tỷ đồng.
Theo đó, Công ty sẽ phát hành hơn 8,2 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp; phát hành 24,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 2020; phát hành 70,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện quyền là 7:3.
Chứng khoán VNDirect cũng phát hành thêm tối đa hơn 220 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền mua 1:1, thu về hơn 2.204 tỷ đồng, để tăng vốn điều lệ từ 2.145 tỷ đồng lên 4.400 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Chứng khoán Đà Nẵng (DSC) đang lên kế hoạch chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược 94 triệu cổ phiếu, tương ứng 940 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.
Theo tờ trình tăng vốn, đa số các công ty chứng khoán sử dụng số tiền này để mở rộng nguồn cung cho vay margin. Đây là mảng kinh doanh tương đối an toàn, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng margin của nhà đầu tư là rất lớn,
Do đó, việc cổ phiếu nhóm chứng khoán pha loãng do phát hành tăng vốn theo nhiều chuyên gia chứng khoán là không đáng ngại.
Hơn nữa, nhóm ngành chứng khoán cũng được kỳ vọng sẽ đạt được lợi nhuận tốt hơn trong năm nay, đặc biệt là quý cuối năm. Nếu các công ty chứng khoán có chiến lược điều chỉnh cơ cấu vốn phù hợp hơn để có thể cải thiện mức sinh lời, khi đó sức hấp dẫn của nhóm cổ phiếu này sẽ tăng lên.
Có thể thấy, đây là giai đoạn các công ty chứng khoán chuyển mình và thay đổi mô hình kinh doanh, ứng dụng công nghệ và đa dạng hóa dịch vụ. Các công ty linh hoạt và chủ động đổi mới sẽ có rất nhiều tiềm năng phát triển.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN