Doanh nghiệp bán vàng mã, dịch vụ mai táng thu lãi khủng

Trên sàn chứng khoán có nhiều doanh nghiệp “một mình một cõi” kinh doanh ngành nghề độc lạ như vàng mã, dịch vụ mai táng,…

Những doanh nghiệp này dù với quy mô không lớn nhưng được đánh giá là tốt nhờ lối đi riêng và có kết quả kinh doanh ổn định. Tuy nhiên các mã cổ phiếu này bị ngó lơ trên thị trường.

Bán vàng mã thu lãi khủng

CTCP Nông sản thực phẩm Yên Bái (CAP) là công ty duy nhất trên sàn kinh doanh vàng mã. CAP tiền thân là Nhà máy giấy Yên Bái, được thành lập từ năm 1972, và đến năm 1994 đổi tên là Công ty chế biến lâm nông sản thực phẩm Yên Bái.

Cổ phiếu CAP của Nông sản Thực phẩm Yên Bái (vốn điều lệ 47,6 tỷ đồng) từng khiến thị trường chứng khoán xôn xao. Doanh nghiệp chuyên sản xuất vàng mã xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, sản xuất tinh bột sắn, tinh dầu quế, bã sẵn… có thị giá vào giữa năm 2016 vọt lên tới 60.000 đồng.

Kể từ năm 2011 đến nay, Nông sản thực phẩm Yên Bái liên tiếp báo lãi hàng chục tỷ đồng. Trong đó năm 2018 ghi nhận mức lãi sau thuế cao nhất với hơn 34,6 tỷ đồng.

Chỉ nhờ kinh doanh các sản phẩm cõi âm như vàng mã, giấy làm vàng mã,... công ty ghi nhận mức lãi khủng trong quý 3/2019 với hơn 13,7 tỷ đồng lãi sau thuế, gấp hơn 8 lần cùng kỳ năm trước.

Riêng mảng sản xuất giấy vàng mã mang về cho Công ty hơn 57,8 tỷ đồng. Ngoài sản phẩm vàng mã, Công ty cũng kinh doanh tinh bột sắn và kết quả kinh doanh đột biến phần lớn do doanh thu xuất bán lượng hàng sắn tồn kho.

Cuối tháng 8/2019, Công ty phát hành 475.935 cổ phiếu thưởng tỷ lệ 50% cho cổ đông, nâng vốn điều lệ lên hơn 52,3 tỷ đồng. Tuy vậy, trên thị trường, cổ phiếu CAP đang rơi vào đà giảm sâu, hiện giao dịch quanh mức 29.000 đồng/cổ phiếu.

Tạm tính theo mức giá hiện nay, vốn hóa thị trường của Nông sản thực phẩm Yên Bái cũng rơi vào khoảng 154 tỷ đồng.

Doanh nghiep ban vang ma, dich vu mai tang thu lai khung
Doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề độc lạ đều bị ngó lơ trên thị trường. 

Công ty mai táng hoạt động ổn định, chia cổ tức cao

CTCP Phục vụ mai táng Hải Phòng (CPH) là doanh nghiệp đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực mai táng được niêm yết trên sàn.

Phục vụ mai táng Hải Phòng có tiền thân là Công ty TNHH MTV Phục vụ mai táng, là công ty được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng.

Công ty hoạt động chính trong các dịch vụ phục vụ tang lễ, vận tải hành khách bằng ô tô, di chuyển các phần mộ,...

Kết quả kinh doanh những năm gần đây của Công ty khá ổn định về doanh thu và lợi nhuận dù đặc thù ngành nghề hiện cũng gặp rất nhiều sự cạnh tranh từ các công ty khác, đặc biệt là các dịch vụ tang lễ tư nhân, kể cả các doanh nghiệp ở những tỉnh lân cận có khu hỏa táng, có khu công viên nghĩa trang rộng lớn.

Theo số liệu thống kê từ năm 2016 đến năm 2018, CPH luôn ghi nhận lãi sau thuế trong khoảng 8-9 tỷ đồng mỗi năm. Và phần lớn phần lợi nhuận được dành để chi trả cổ tức cho cổ đông.

Kế hoạch năm 2019, Phục vụ mai táng Hải Phòng sẽ mở rộng nghĩa trang Phi Liệt; hoàn tất việc di dời trụ sở; Xây dựng CSHT khu mộ mai táng, cải táng tại nghĩa trang Ninh Hải, xây dựng các khu mộ kiểu mẫu, cao cấp tại nghĩa trang Phi Liệt; Xây dựng tòa bách linh tại nghĩa trang Phi Liệt và Ninh Hải…

Mặc dù đã trong một thời gian dài cổ phiếu CPH không có giao dịch, nhưng nếu tham chiếu vào mức giá 5.100đ/cổ phiếu, với mức cổ tức khoảng 1.500-1.600 đ/cổ phiếu thì Công ty hiện đang cho ra mức sinh lời khoảng 29%-31%.

Có lẽ cổ đông của Công ty cũng không muốn bán ra một cổ phiếu cho mức sinh lời tốt và ổn định như vậy. Hiện tại, cổ đông lớn nhất của công ty là Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng với mức nắm giữ 64,5% cổ phần.

Theo Nghị quyết hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, Công ty đặt mục tiêu lãi ròng 8,5 tỷ đồng trong năm 2019, mức chi trả cổ tức cũng sẽ vào khoảng 1.540 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu APC từng tăng nóng nhưng nay bị thị trường bỏ lơ

CTCP Chiếu xạ An Phú (HoSE: APC) lên sàn từ tháng 2/2010 và đến nay đã hơn 9 năm độc chiếm danh hiệu doanh nghiệp chiếu xạ duy nhất trên sàn chứng khoán.

Về giá cổ phiếu, nhà đầu tư hẳn chưa quên khoảng 2 năm trước, đang giao dịch ổn định quanh mức giá từ 20.000 đến 30.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu APC bất ngờ tăng, đánh dấu bằng 2 phiên tăng trần ngày 17 và 18/7/2017 vượt mốc 30.000 đồng/cổ phiếu và có thời điểm tạo đỉnh vượt ngưỡng 90.000 đồng/cổ phiếu vào phiên ngày 18/12/2017.

Tuy nhiên, trước hàng loạt thông tin về mâu thuẫn nội bộ, về các dấu hỏi của cổ đông khi Công ty dự kiến phát hành riêng lẻ cho đối tác Torus Capital với giá chào bán quá thấp, chưa bằng 1/3 thị giá. Bên cạnh đó, còn có lý do Chiếu xạ An Phú giữ lại lợi nhuận, tiếp tục không chia cổ tức 2018 cho cổ đông.

Do đó, cổ phiếu APC bắt đầu chuỗi lao dốc, về lại dưới 30.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí xuống vùng đáy của khoảng 3 năm trở lại đây với giá hiện tại quanh mức 20.000 đồng/cổ phiếu. Nếu tính từ đầu năm 2019 đến nay APC đã giảm đi khoảng 35%.

Doanh nghiep ban vang ma, dich vu mai tang thu lai khung-Hinh-2
Cổ phiếu APC từng được chú ý thì nay cũng bị ngó lơ.  

Kết quả kinh doanh, trong 9 tháng 2019, Chiếu xạ An Phú ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 103 tỷ đồng và 41 tỷ đồng, thực hiện được 60% kế hoạch doanh thu cùng lợi nhuận. Công ty cũng đã chính thức hủy phương án tăng vốn gây tranh cãi hơn 1 năm trước.

Những doanh nghiệp mang danh độc quyền ngành nghề trên sàn chứng khoán có vẻ chưa nhận được quá nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư dù có tình hình làm ăn khả quan.

Có lẽ "một mình một cõi" nên nhà đầu tư sẽ không có sự lựa chọn, so sánh nên khó mà đưa ra sự lựa chọn để đầu tư. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp kiểu này thường cơ cấu cổ đông rất cô đặc, thanh khoản trên thị trường mỗi phiên không lớn.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN