Cổ phiếu GVR tăng tốc khi lợi nhuận hồi mạnh

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đạt 1.164 tỷ đồng lợi nhuận ròng quý cuối năm, mức cao nhất năm và đóng góp 45% cả năm 2023. 

Co phieu GVR tang toc khi loi nhuan hoi manh

Lợi nhuận GVR phục hồi mạnh quý cuối năm. Nguồn: GVR

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã: GVR) ghi nhận doanh thu 7.591 tỷ đồng vào quý IV/2023, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Do lĩnh vực chính - sản xuất và kinh doanh mủ cao su giảm doanh thu từ 7.572 tỷ về 6.065 tỷ đồng, mảng gỗ cũng giảm từ 833 tỷ về 660 tỷ đồng. Doanh thu các mảng khác ổn định, riêng sản phẩm từ cao su chuyển từ âm 37 tỷ lên dương 131 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hoạt động tài chính khởi sắc, doanh thu tăng 43% lên 351 tỷ đồng nhờ tăng lãi tiền gửi, tiền cho vay; chi phí giảm 42% xuống 131 tỷ đồng nhờ giảm lỗ chênh lệch tỷ giá, giảm chi phí lãi vay và hoàn nhập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư.

Đồng thời, hoạt động liên doanh liên kết tăng lãi từ 33,5 tỷ lên 85 tỷ đồng, hoạt động khác tăng lãi từ 554 tỷ lên 649 tỷ đồng.

Nhờ vậy, tập đoàn báo lãi ròng 1.164 tỷ đồng quý cuối năm. Đây là mức lợi nhuận cao nhất năm và cũng là quý duy nhất có sự tăng trưởng (gần 20%) so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm, tập đoàn đạt 22.080 tỷ đồng doanh thu, giảm 13%; lãi sau thuế 3.370 tỷ đồng, giảm 30%; lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ 2.585 tỷ đồng, giảm 33% so với 2022. Riêng quý IV đóng góp 45% lợi nhuận cả năm.

Trước diễn biến lợi nhuận phục hồi mạnh quý cuối năm, cổ phiếu GVR cũng tăng tốc. Phiên ngày 16/2, mã chứng khoán này tăng trần lên 26.650 đồng/cp, nếu xét từ đầu tháng 11/2023 tăng 58% từ vùng 16.900 đồng/cp.

Co phieu GVR tang toc khi loi nhuan hoi manh-Hinh-2

Diễn biến GVR trong 1 năm qua. Nguồn: TradingView

Ngoài ra, một yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu GVR là giá cao su kỳ hạn tăng 24% tính từ tháng 8 lên vùng 1,54 USD/kg. Động lực đến từ việc doanh số ôtô bùng nổ tại Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu cao su tự nhiên. Ngược lại, nguồn cung cao su đang thắt chặt, mưa lớn tại Thái Lan – nước sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới - ảnh hưởng đến mùa vụ.

Dù vậy, tại hội nghị tổng kết cuối năm 2023, ông Trần Công Kha, Chủ tịch HĐQT, nhận định thị trường cao su 2024 chưa có tín hiệu khả quan về giá bán và nhu cầu tiêu thụ; dự báo các yếu tố khó khăn khách quan đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn vẫn còn tiếp tục.

Do đó, tập đoàn đề ra mục tiêu tăng trưởng từ 2% đến 3% trở lên so với năm 2023 về doanh thu, lợi nhuận và các chỉ tiêu khác, riêng hoạt động cho thuê khu công nghiệp có sự đột biến so với 2023.

Cụ thể, doanh thu và thu nhập khác đạt 24.999 tỷ đồng, tăng 2,1% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế 4.104 tỷ đồng, tăng 2,2%; lợi nhuận sau thuế 3.437 tỷ đồng, tăng 0,9%.

Các chỉ tiêu khác như sản lượng cao su khai thác 445.200 tấn, thu mua 75.290 tấn và tiêu thụ 520.490 tấn; giá bán mủ bình quân khoảng 34,6 triệu đồng/tấn; thu hoạch gỗ cao su 6.430 ha, tăng 1,1% thực hiện 2023; sản lượng sản xuất gỗ các loại (gỗ phôi, gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế, gỗ MDF) khoảng 1.247.012 m3; sản lượng các sản phẩm công nghiệp khác (găng tay, băng tải, bóng thể thao, nệm, gối cao su) bằng 92% – 106% so với thực hiện năm 2023; hoạt động cho thuê khu công nghiệp phấn đấu cho thuê mới 245 ha, bằng 468% so với ước thực hiện năm 2023.

Về mặt tài chính, tổng tài sản công ty duy trì tương đương đầu năm với 78.385 tỷ đồng. Tiền và tiền gửi đạt 16.900 tỷ đồng, tăng 1.300 tỷ so với đầu năm. Tập đoàn có khoản vay ngắn hạn 2.844 tỷ đồng và vay dài hạn 3.735 tỷ đồng.

GVR có khoản doanh thu chưa thực hiện gần 9.300 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm, chủ yếu là doanh thu cho thuê hạ tầng, khu dân cư.

Theo Thùy Yên/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN