Cổ phiếu Dầu thực Sài Gòn buộc phải rời sàn HNX từ ngày 20/12

Ngày 22/11, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã quyết định hủy niêm yết cổ phiếu của CTCP Dầu thực vật Sài Gòn (HNX: SGO).
 

Theo đó, 20 triệu cổ phiếu SGO của Dầu thực vật Sài Gòn chính thức bị hủy niêm yết trên HNX từ ngày 20/12 và ngày giao dịch cuối cùng trên HNX là vào ngày 19/12.

Lý do hủy niêm yết là doanh nghiệp này đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, thuộc trường hợp hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.

Trước đó vào ngày 30/10, HNX cho biết Dầu thực vật Sài Gòn vẫn không khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán bị đưa vào diện kiểm soát và tiếp tục vi phạm công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi bị đưa vào diện kiểm soát.

Cụ thể, Công ty đã chậm công bố báo cáo quản trị năm 2018, báo cáo tài chính (BCTC) quý 4/2019, chưa công bố BCTC kiểm toán năm 2018, báo cáo thường niên 2018, BCTC quý 1/2019, BCTC quý 2/2019, BCTC soát xét bán niên 2019, báo cáo quản trị bán niên 2019.

Đồng thời HNX cũng chưa nhận được thông tin công bố nào liên quan đến việc tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Dầu thực vật Sài Gòn.

Co phieu Dau thuc Sai Gon buoc phai roi san HNX tu ngay 20/12
 20 triệu cổ phiếu SGO buộc rời sàn HNX từ ngày 20/12.

Về Dầu thực vật Sài Gòn, Công ty có trụ sở chính đặt tại số 63 đường số 1, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, Tp.HCM vốn điều lệ là 200 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính gồm: sản xuất sản phẩm từ plastic; kho bãi và lưu trữ hàng hóa, vận tải hàng hóa bằng đường bộ; sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng....

Lên sàn vào cuối năm 2015, cổ phiếu SGO của Dầu thực vật Sài Gòn có giá 14.500 đồng/cp. Song đây cũng chính là mức đỉnh của cổ phiếu này, bởi kể từ cổ phiếu SGO đã ngừng giao dịch từ giữa tháng 9/2018, đứng ở 800 đồng/cp.

Nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu SGO lao dốc được cho là bởi thông tin về thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp quá mù mờ.

Từ tháng 1/2017, tức chỉ hơn 1 năm sau khi lên sàn, cổ phiếu SGO đã bị HNX đưa vào diện kiểm soát và hạn chế giao dịch vì công bố thông tin không chính xác trên trang thông tin điện tử của Công ty và bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu Công ty…

Rồi từ đó đến nay, Công ty tiếp tục “bỏ quên” những nghĩa vụ liên quan đến công bố thông tin, cũng như đảm bảo quyền lợi cho cổ đông…

Theo dữ liệu trên HNX cũng như website của Công ty, Dầu thực vật Sài Gòn mới công bố báo cáo tài chính năm 2018 với mức lỗ quý 4/2018 là 30,33 triệu đồng (cùng kỳ lỗ gần 250 triệu đồng), lũy kế năm 2018 lỗ 345,6 triệu đồng (cùng kỳ lãi 751 triệu đồng).

Theo giải trình, trong quý 4/2018, doanh thu của Công ty giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ thấp, thêm vào đó là chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn ở mức cao làm cho lợi nhuận sau thuế quý 4/2018 bị lỗ.

Từng công bố thông tin sai lệch lừa dối nhà đầu tư…

Vào cuối tháng 12/2016, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã quyết định xử phạt vi phạm Dầu thực vật Sài Gòn với tổng số tiền 330 triệu đồng liên quan đến việc công bố thông tin sai sự thật.

Đáng chú ý là khoản phạt tiền 100 triệu đồng do thông tin công bố không chính xác bao gồm các thông tin công bố trong các chuyên mục Giới thiệu, Liên hệ, Lĩnh vực kinh doanh, Thương hiệu, Phát triển thị trường trên Trang thông tin điện tử của Công ty có nội dung không chính xác.

Theo thông tin từ UBCKNN, Dầu thực vật Sài Gòn đã sử dụng các thông tin, hình ảnh của Công ty TNHH Phúc Quang - Hồng Anh để làm thông tin của mình (đây là công ty liên kết với tỷ lệ đầu tư là 47,5%).

Bên cạnh đó, thông tin công bố trong Bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu của Công ty về tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy dầu thực vật tại Vĩnh Long có nội dung sai sự thật.

Cụ thể, theo thông tin tại Bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu SGO, Công ty đang đầu tư xây dựng nhà máy dầu thực vật tại Vĩnh Long, đang trong quá trình hoàn thiện nhà máy tinh luyện dầu để có thể sản xuất dầu tinh luyện mang thương hiệu riêng của Công ty bán ra ngoài thị trường, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 1/2016.

Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm tra (ngày 22/8/2016), Dầu thực vật Sài Gòn chưa có Giấy phép xây dựng nhà máy dầu thực vật tại Vĩnh Long, dự án xây dựng nhà máy dầu thực vật tại Vĩnh Long đã ngừng hoạt động từ năm 2014.

Ngoài ra, Dầu thực vật Sài Gòn còn có hành vi báo cáo có nội dung không chính xác.

Ngày 15/8/2016, Công ty gửi văn bản đến UBCKNN để xin gia hạn thời gian công bố BCTC bán niên năm 2016 đã soát xét với lý do Công ty đang tổng hợp số liệu của Công ty và chi nhánh nên chưa thể hoàn thành BCTC đúng thời hạn quy định.

Tuy nhiên, từ ngày 23/12/2015, Chi cục thuế thành phố Vĩnh Long đã ra thông báo chi nhánh của Công ty đã bỏ địa điểm kinh doanh…

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN