Chứng khoán phiên 1/2: Cổ phiếu nào được khuyến nghị?

Các công ty chứng khoán đã đưa ra khuyến nghị cho cổ phiếu nào trong phiên ngày 1/2?
 
DRC được khuyến nghị chờ mua
Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS): khuyến nghị chờ mua đối với cổ phiếu DRC của Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC). Kết quả kinh doanh quý IV/2023, doanh thu đạt 1.097 tỷ đồng (giảm 1,5% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 96 tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ), nhờ giá NVL giảm giúp gia tăng biên lợi nhuận, tiếp đà hồi phục từ quý III/2023.
Triển vọng kinh doanh 2024 tích cực có thể tăng trưởng LNST trên 25% so với năm 2023 nhờ: gia tăng công suất Radial khi nhà máy Radial giai đoạn 3 đi vào hoạt động từ đầu năm, thị trường xuất khẩu Mỹ tăng trưởng với sản phẩm lốp TBR trong bối cảnh Thái Lan đang bị áp thuế chống bán phá giá tại đây; thị trường nội địa tiếp tục phục hồi. Định giá hiện tại chưa thực sự hấp dẫn với P/E forward 11,x, nhà đầu tư có thể cân nhắc tham gia đầu tư tại các nhịp điều chỉnh của cổ phiếu.
Chung khoan phien 1/2: Co phieu nao duoc khuyen nghi?
 
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PVD
Chứng khoán Vietcap (VCSC): Trong năm 2024, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) sẽ tập trung đầu tư 1-2 giàn khoan mới, vượt kỳ vọng của chúng tôi trong bối cảnh nguồn cung giàn khoan khan hiếm.
Trong giai đoạn 2025-2026, ban lãnh đạo kỳ vọng các dự án dầu khí trong nước sẽ tăng trưởng mạnh, từ đó hỗ trợ lợi nhuận của PVD và các liên doanh (đặc biệt là PVD Baker Hughes – liên doanh mà PVD sở hữu 52% cổ phần). Ngoài ra, ban lãnh đạo tin tưởng rằng dự án Lô B sẽ được triển khai.
Giàn khoan mới trong kế hoạch đầu tư dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý 4/2024 với thời gian hoàn vốn dự kiến là 4 năm và kỳ vọng sẽ sớm được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt kế hoạch đầu tư:
PVD dự kiến đầu tư 1-2 giàn mới so với 1 giàn như đã công bố vào năm 2023.
Ban lãnh đạo tin tưởng rằng công ty sẽ có thể mua được 1 giàn khoan tự nâng mới trong thời gian tới. Vốn đầu tư ước tính cho giàn khoan mới này là dưới 90 triệu USD (thấp hơn 25% so với ước tính của chúng tôi). Công ty dự kiến sẽ cho thuê giàn khoan này vào năm 2024 với giá thuê ngày ước tính là 120.000 USD (cao hơn khoảng 10% so với ước tính của chúng tôi). PVD kỳ vọng thời gian hoàn vốn cho giàn mới này là 3-4 năm.
PVD dự kiến thành lập liên doanh tại Việt Nam hoặc nước ngoài để đầu tư thêm 1 giàn khoan mới nữa. Thông tin chi tiết hơn vẫn chưa được công bố.
PVD có kế hoạch đầu tư thiết bị để thực hiện các dịch vụ liên quan đến giếng khoan nhằm chuẩn bị cho các công việc liên quan đến giếng khoan tiềm năng từ Lô B và thị trường nước ngoài. Khoảng 900 giếng tại dự án Lô B là nhu cầu mạnh mẽ cho các dịch vụ liên quan đến giếng khoan.
Triển vọng thị trường giàn khoan tự nâng toàn cầu tiếp tục tích cực. Theo PVD, hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng toàn cầu đạt mức cao kỷ lục là 86% vào tháng 1/2024. Điều này là do nhu cầu khoan ngày càng tăng (chủ yếu từ các công ty dầu khí thuộc sở hữu nhà nước ở Trung Đông) trong bối cảnh nguồn cung giàn khoan tiếp tục hạn chế. Thặng dư giàn khoan dự kiến trên thị trường giàn khoan tự nâng toàn cầu là khoảng 30 giàn từ tháng 4/2024 đến tháng 8/2025 (mức đáy lịch sử) sẽ tiếp tục thúc đẩy giá thuê ngày.
Chúng tôi nhận thấy tiềm năng điều chỉnh tăng đối với dự báo lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2024-2028 của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết. PVD dự kiến tác động của rủi ro sụt giảm giá dầu đối với lợi nhuận của công ty là không đáng kể do hầu hết các giàn khoan của công ty đều đảm bảo hợp đồng dài hạn với giá thuê ngày gần như cố định. Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho PVD với giá mục tiêu là 31.000 đồng/cổ phiếu.
FPT được khuyến nghị mua
Chứng khoán ACB (ACBS): Công ty duy trì kết quả kinh doanh mạnh mẽ trong 2023 nhờ đà tăng trưởng vững chắc của mảng dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài, phù hợp với kỳ vọng. ACBS lặp lại khuyến nghị mua với giá mục tiêu 116.117đồng/cổ phiếu cho FPT.
FPT công bố doanh thu đạt 52.618 tỷ đồng (tăng 19,6% so với cùng kỳ) và LNTT 9.203 tỷ đồng (tăng 20,1% so với cùng kỳ) cho năm 2023, lần lượt đạt 98% và 100% dự phóng của ACBS.
Mảng dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài với doanh thu/LNTT: 24.288 tỷ đồng (tăng 28,4% so với cùng kỳ)/3.782 tỷ đồng (tăng 27,1% so với cùng kỳ)], động lực tăng trưởng và đóng góp chính của FPT, hoàn thành mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu trong 2023 và hướng đến mục tiêu 5 tỷ USD vào 2030.
Trong 2023, mảng dịch vụ này ghi nhận tăng trưởng ở tất cả các thị trường chủ chốt gồm Nhật Bản (tăng 43,4% so với cùng kỳ hay 52,2% tính theo đồng Yên), Mỹ (tăng 8,6% so với cùng kỳ), APAC (tăng 37,7% so với cùng kỳ), và Châu Âu (tăng 21,9% so với cùng kỳ), được thúc đẩy bởi nhu cầu đầu tư cho CNTT nhất là dịch vụ chuyển đổi số (DX), điển hình là Nhật Bản sau giai đoạn COVID-19. Doanh thu từ DX của FPT tăng 42%, chiếm 43% doanh thu của mảng trong 2023.
Dịch vụ CNTT trong nước 7.161 tỷ đồng (tăng 4,6% so với cùng kỳ) trải qua một năm khó khăn do các doanh nghiệp giảm, hoãn các khoản đầu tư cho CNTT trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Tuy vậy, kết quả hoạt động những tháng cuối năm có phần cải thiện.
Mảng dịch vụ viễn thông 15.186 tỷ đồng (tăng 8,8% so với cùng kỳ) duy trì tăng trưởng ổn định trong 2023, trong khi mảng quảng cáo trực tuyến (giảm 20,0% so với cùng kỳ) có kết quả kém khả quan do các công ty cắt giảm ngân sách quảng cáo trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Mảng giáo dục tiếp tục tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ 31% so với cùng kỳ. FPT đã mở rộng mạng lưới cơ sở đào tạo ra 20 tỉnh, thành với số lượng người học đạt 145.000 người.
Lợi nhuận tài chính tăng 98,6% so với cùng kỳ (chủ yếu nhờ thu nhập lãi) góp phần vào tăng trưởng LNTT của công ty. Trong khi đó, lợi nhuận từ các công ty liên kết giảm 84,3% so với cùng kỳ, có thể phần lớn do kết quả hoạt động kém của FRT.
ACBS duy trì dự phóng doanh thu thuần và LNTT của FPT là 63.129 tỷ đồng (tăng 20,0% so với cùng kỳ) và 11.006 tỷ đồng (tăng 19,6% so với cùng kỳ).
Hà Thảo

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN