Chứng khoán ngày 10/11: Cổ phiếu nào nên chú ý?

Một số mã cổ phiếu nhà đầu tư cần chú ý trước phiên giao dịch 10/11.

Khuyến nghị mua PHR với giá mục tiêu 67.700 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) công bố Nghị quyết HĐQT, bao gồm kế hoạch LNTT công ty mẹ đạt 200 tỷ đồng trong quý 4/2021.

Ban lãnh đạo cho biết kế hoạch LNTT này của PHR chủ yếu bao gồm cổ tức tiền mặt được chia từ các công ty liên kết (như CTCP KCN Nam Tân Uyên – UPCoM: NTC) và các công ty con (như CTCP KCN Tân Bình).

Kế hoạch này cho thấy PHR sẽ không ghi nhận thu nhập bồi thường từ chuyển đổi đất sang KCN VSIP III trong quý 4/2021, phù hợp với dự báo hiện tại.

VCSC hiện dự báo PHR sẽ ghi nhận khoản thu nhập bồi thường trị giá 898 tỷ đồng từ chuyển đổi đất cao su sang KCN VSIP III trong năm 2022, chiếm 62% dự báo LNTT năm 2022 cho PHR.

Ngoài ra, HĐQT ủy quyền cho ban lãnh đạo thực hiện tiến hành chia 2.000 đồng/CP cổ tức tiền mặt còn lại của năm tài chính 2020 (tương ứng lợi suất cổ tức 2,9%) trước ngày 15/12/2021.

VCSC hiện có khuyến nghị MUA cho PHR với giá mục tiêu 67.700 đồng/CP.

Mở vị thế mua CTI tại mức giá 19.200 đồng/cp

CTCK BIDV (BSC): CTI đang hình thành xu hướng tăng giá khá tích cực sau khi hồi phục từ ngưỡng đáy 17.0. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều ủng hộ xu hướng hồi phục. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA20 và MA50, ủng hộ xu hướng tăng giá.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 19.2, chốt lãi tại ngưỡng 22.1 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 17.5.

Chung khoan ngay 10/11: Co phieu nao nen chu y?
 CTCK khuyến nghị cổ phiếu nào phiên 10/11?

Khuyến nghị mua MSN với giá mục tiêu 172.000 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC): VCSC đã tham gia cuộc họp với nhà đầu tư của Tập đoàn Masan (MSN) liên quan đến các thỏa thuận chiến lược được công bố gần đây giữa MSN và De Heus trong chuỗi giá trị thịt.

Ban lãnh đạo (BLĐ) MSN cũng thảo luận các mục tiêu chiến lược cho mảng thịt có thương hiệu của công ty – đang được vận hành bởi công ty con Masan Meat Life (MML).

Ghi nhận hai điểm chính từ cuộc họp: (1) hợp tác chiến lược với De Heus là một động thái tích cực đáng kể đối với kế hoạch tăng trưởng của Masan Meat Life vì De Heus sẽ cung cấp cho MML một số lượng lớn heo đầu vào có chất lượng cao, đồng nhất và giá thành cạnh tranh

và (2) việc bán mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi thể hiện nỗ lực của MSN trong việc tái cơ cấu danh mục hoạt động kinh doanh để trở thành công ty tập trung 100% vào các mảng kinh doanh tiêu dùng; việc hiện thực hóa mục tiêu này sẽ làm cổ phiếu MSN trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.

VCSC hiện có KN MUA với giá mục tiêu 172.000 đồng/CP dành cho MSN. Dưới đây là một số ghi nhận chi tiết hơn từ cuộc họp:

Giá chuyển nhượng mảng thức ăn chăn nuôi tương đương tỷ lệ EV/EBITDA là 11.5x, dựa trên ước tính EBITDA năm 2021 của BLĐ. Trên cơ sở báo cáo tài chính hợp nhất của MSN, MSN dự kiến sẽ ghi nhận khoản LN bất thường 4,8-5,5 nghìn tỷ VNĐ từ giao dịch này. Phần lớn hoặc toàn bộ khoản LN bất thường này nhiều khả năng sẽ được ghi nhận trong Q4 2021.

Đến năm 2025, MML đặt mục tiêu chiếm 10% thị phần thị trường thịt heo và thịt gà, qua đó doanh thu sẽ đạt mốc 1,5 tỷ USD (so với doanh thu mảng thịt tích hợp ước tính khoảng 200 triệu USD trong năm 2021).

MML kỳ vọng biên LN EBITDA về dài hạn sẽ đạt trên 20%, một phần nhờ sự đóng góp doanh thu lớn hơn từ các sản phẩm thịt chế biến vốn có biên LN cao hơn các sản phẩm thịt tươi. BLĐ đặt mục tiêu thịt chế biến sẽ chiếm 40% doanh thu của MML vào năm 2025.

Nhờ thương hiệu mạnh, giá bán thịt tươi Meat Deli có diễn biến tốt hơn cũng như tính ổn định cao hơn so với giá heo hơi trên thị trường. Ví dụ, trong khi giá heo hơi giảm từ mức hơn 90.000 VNĐ/kg tại thời điểm giữa năm 2020 về mức khoảng 45.000 đồng/kg hiện nay thì giá bán trung bình của Meat Deli chỉ giảm từ 174.000 đồng/kg còn 151.000 đồng/kg.

Về vấn đề nguồn cung heo hơi để phục vụ tăng trưởng mảng thịt có thương hiệu trong tương lai, Masan đặt mục tiêu 80% nguồn cung sẽ đến từ các đối tác là các công ty chăn nuôi heo đầu ngành.

De Heus là một đối tác như vậy và cam kết sẽ cung cấp cho MML ít nhất 2,8 triệu con heo hơi trong vòng 5 năm tới. Theo Masan, nguồn cung từ De Heus sẽ chiếm khoảng 30%-40% tổng nguồn cung heo hơi đến từ các đối tác bên ngoài của MML.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN