Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng: Tiền rẻ không còn, chứng khoán Việt Nam 'trong chán ngoài thèm'

Khi tiền rẻ tiền dễ không còn, thị trường giảm điểm, nhiều nhà đầu tư trong nước bán chịu lỗ, trong khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng, tuy khối lượng chưa lớn, tín hiệu của xu hướng “trong chán ngoài thèm”.
Đóng cửa phiên giao dịch 11/5, VN-Index tăng 7,97 điểm lên 1.301,53 điểm, HNX-Index tăng 3,02 điểm đạt 333,04 điểm, UPCoM-Index giảm 0,27 điểm về 98,79 điểm.
Tuy nhiên, thực tế thì thanh khoản vẫn ghi nhận sụt giảm mạnh, giá trị khớp lệnh trên HoSE cả phiên chỉ đạt 10.328 tỷ đồng, thấp nhất từ 31/12/2020.
Việc thanh khoản thấp phần nào phản ánh sự thận trọng từ phía mua, chưa quá hào hứng vì những lo ngại diễn biến bất ngờ của thị trường đã diễn ra trong những phiên trước.
Mirae Asset đánh giá thanh khoản đang suy giảm đáng lo ngại khi giá trị giao dịch bình quân tuần cuối tháng 4 chạm mức thấp nhất trong vòng 12 tháng.
Thay vì trông đợi với những phiên bùng nổ liên tục với giá trị giao dịch lên đến hàng tỷ USD như giai đoạn trước, nhà đầu tư có lẽ sẽ phải quen dần với mức thanh khoản thấp như hiện nay khi không còn môi trường tiền rẻ.
Trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SSI cho biết: "Khi tiền rẻ tiền dễ không còn, thị trường giảm điểm, nhiều nhà đầu tư trong nước bán chịu lỗ, trong khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng, tuy khối lượng chưa lớn, tín hiệu của xu hướng “trong chán ngoài thèm”, các tổ chức Quốc tế đánh giá tích cực về tương lai nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam."
Ông Hưng cũng chia sẻ về dự định ra nước ngoài tìm vốn cho thị trường, do "gần 3 năm Covid không ra ngoài chẳng gặp gỡ được ai trực tiếp, Singapore, Mỹ, Nhật, toàn những nơi nhiều tiền đang tìm cơ hội giải ngân!".
Chu tich SSI Nguyen Duy Hung: Tien re khong con, chung khoan Viet Nam 'trong chan ngoai them'
 Facebook cá nhân của ông Nguyễn Duy Hưng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên của SSI ngày 7/5, Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng cho hay thị trường chứng khoán có 2 chức năng là huy động vốn và tổ chức giao dịch tăng thanh khoản thị trường để nhà đầu tư mua bán.
Bản thân thị trường chứng khoán không sinh ra tiền nên có 2 chu kỳ. Chu kỳ thứ nhất là khi thị trường tiền rẻ được bơm vào thì ai chấp nhận rủi ro sẽ thu lời rất nhiều, khi tiền không còn rẻ thì những tài sản có khả năng sinh lời sẽ thành điểm quan trọng để thu lời trong thị trường tài chính.
Khi vốn trong nước trở nên đắt, thị trường giảm thì cơ hội cho dòng tiền nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu bán đắt có người mua đắt, tất cả phụ thuộc vào nhận định thị trường khác nhau của người mua, bán sẽ có giao dịch khác nhau.
Do đó, cơ hội năm 2022 là của những nhà đầu tư có dòng tiền không vay mượn, có thể mua các tài sản có thể sinh lời, như vậy an toàn hơn là đu đỉnh.
Ông Hưng cũng chia sẻ rằng không dự báo xu hướng ngắn hạn của thị trường vì người làm vĩ mô như ông không có năng khiếu. Cái ông quan tâm là nền tảng, cơ hội của thị trường.
Hiện những điều kiện biến đổi bên ngoài không kiểm soát được như Ukraina - Nga có thể chấm dứt chuỗi toàn cầu hoá, cắt đứt chuỗi cung ứng... Tuy nhiên rủi ro bên này là cơ hội của bên kia và chúng ta phải thích nghi.
Những biến đổi ngắn hạn có thể làm nhiều nhà đầu tư mất tiền, thua thiệt khi giao dịch, nhưng nếu nhìn nhận cơ hội dài hơn như nâng hạng thị trường, quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước... thì là cơ hội lớn, nhất là đối với SSI có thể vay nước ngoài rất lớn. Đó cũng là cơ hội của thị trường trong những năm tới.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN