'Anh cả' Vietcombank: Bước lùi so với chính mình?

Chứng khoán SSI vừa có báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCB) hạ giá mục tiêu 1 năm xuống mức 104.000 đồng/cổ phiếu (từ 105.900 đồng/cổ phiếu theo báo cáo trước đó) đối với cổ phiếu VCB. 
SSI nhận mặc dù LNTT của VCB đã tăng 20% so cùng kỳ nhưng vẫn giảm 2,4% so với quý trước, chủ yếu do khả năng sinh lời yếu hơn trong bối cảnh thanh khoản dồi dào.
Kết quả kinh doanh Q3/2023 thấp hơn một chút so với kỳ vọng của SSI ở một số điểm như tăng trưởng tín dụng (tăng 3,8% so với đầu năm), NIM (giảm 24 điểm cơ bản so với quý trước) và tỷ lệ hình thành nợ xấu (1,6% so với 0,42% trong Q2/2023).
Mặc dù thu nhập từ phí dịch vụ khá ảm đạm nhưng thu nhập cốt lõi (không tính đến khoản phí trả trước và tiền thưởng hoạt động bancassurance trong Q2/2023) đã phục hồi (mặc dù với mức độ tương đối chậm, tăng 12% so với quý trước).
'Anh ca' Vietcombank: Buoc lui so voi chinh minh?
SSI phải hạ mục tiêu lợi nhuận cho cổ phiếu VCB của Vietcombank. 
NIM giảm nhiều hơn so với các ngân hàng khác trong Q3/2023 (giảm 24 điểm cơ bản so với quý trước), mặc dù VCB quản lý chi phí vốn tương đối tốt. Điều này là do lãi suất cho vay trung bình của VCB chỉ ở mức thấp và việc phân bổ vào những tài sản có mức sinh lợi thấp hơn khi thanh khoản dồi dào.
Cho vay bán lẻ yếu (tăng 0,7% so với đầu năm so với mức tăng 6,8% so với đầu năm của mảng cho vay doanh nghiệp). Cho vay mua nhà là nguyên nhân chính khi giảm 10% so với đầu năm. Do cho vay bán lẻ yếu nên lãi suất cho vay trung bình của VCB chỉ tăng 2 điểm cơ bản so với đầu năm (hay tăng 77 điểm cơ bản svck).
Những con số này tại BID và CTG lần lượt là +27 điểm cơ bản so với đầu năm (hay tăng 96 điểm cơ bản svck) và tăng 4 điểm cơ bản so với đầu năm (hay tăng 74 điểm cơ bản svck), do cho vay bán lẻ của hai ngân hàng này vẫn tăng trưởng ổn định.
Thanh khoản dồi dào nên ngân hàng phân bổ nhiều hơn vào các tài sản có tỷ suất sinh lời thấp hơn. Mặc dù lãi suất áp dụng cho khách hàng gửi tiền thấp hơn so với các ngân hàng TMCP khác, nhưng VCB vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng tiền gửi khá tốt ở mức +7,5% so với đầu năm (hay 95 nghìn tỷ đồng).
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng chậm hơn nhiều so với các ngân hàng khác (chỉ tăng 44 nghìn tỷ đồng hay +3,8% so với đầu năm so với mức tăng 6,9% so với đầu năm của toàn ngành). Nguồn tiền đã được phân bổ vào tín phiếu NHNN (38 nghìn tỷ đồng) và tiền gửi liên ngân hàng với lợi suất rất thấp.
Chúng tôi không kỳ vọng xu hướng NIM của VCB sẽ có sự thay đổi bất ngờ trong Q4/2023. Do ngân hàng có kế hoạch giải ngân cho các dự án đầu tư công lớn, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng có thể phục hồi vào cuối Q4/2023, qua đó thu được lợi nhuận từ việc phân bổ tài sản tốt hơn so với Q3/2023. Tuy nhiên, cho vay bán lẻ tiếp tục thu hẹp vẫn có thể ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời trên tài sản của ngân hàng.
'Anh ca' Vietcombank: Buoc lui so voi chinh minh?-Hinh-2
 Trích báo cáo về VCB của SSI
Thu nhập ngoài lãi yếu (tăng 4,3% svck), mặc dù đang có xu hướng phục hồi so với quý trước (không tính các khoản thu nhập bất thường). Thu nhập từ phí dịch vụ đạt 891 tỷ đồng (giảm 19% svck và giảm 45% so với quý trước), do tài trợ thương mại và bancassurance trong năm nay đều không khả quan.
So với quý trước, mức giảm mạnh phần lớn là do trong quý 2 ngân hàng đã ghi nhận phí trả trước và khoản tiền thưởng bancassurance. Nếu loại trừ các khoản thu nhập này, thu nhập từ phí dịch vụ cốt lõi tăng 12% so với quý trước, khá ổn định so với các ngân hàng khác.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ngoại tệ và lãi từ đầu tư chứng khoán của VCB (tăng 13% svck và tăng 5% so với quý trước) yếu hơn nhiều so với xu hướng của các ngân hàng khác trong kỳ (tăng 123% svck và tăng 34% so với quý trước).
SSI cho rằng một số ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ và đầu tư chứng khoán để hỗ trợ cho lợi nhuận Q3/2023 trong bối cảnh hoạt động kinh doanh còn nhiều thách thức. Nguồn lợi nhuận từ những hoạt động này có thể không còn dồi dào trong Q4/2024 và khoảng cách giữa tăng trưởng thu nhập ngoài lãi của VCB và các ngân hàng khác có thể sẽ thu hẹp trong quý tới.
Mặc dù suy giảm nhưng chất lượng tài sản của VCB vẫn tốt nhất trong ngành. Nợ xấu của VCB tăng 47% so với quý trước lên mức 14,4 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,2% tổng tín dụng), do một khách hàng doanh nghiệp lớn hoạt động kinh doanh nhiên liệu và thép bị chuyển xuống nhóm nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của khách hàng bán lẻ ổn định ở mức 0,9% (từ 0,8% trong Q2/2023) là một dấu hiệu tích cực.
'Anh ca' Vietcombank: Buoc lui so voi chinh minh?-Hinh-3
 Trích báo cáo về VCB của SSI
Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, các khoản cho vay khách hàng thuộc Nhóm 2 đã giảm 5% so với quý trước xuống còn 7,7 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng cũng phát sinh một khoản trái phiếu doanh nghiệp (ít nhất là 6,7 nghìn tỷ đồng theo ước tính) bị chuyển xuống Nhóm 2 và trích lập dự phòng 336 tỷ đồng. Trái phiếu này có liên quan đến một khách hàng hoạt động trong ngành năng lượng tái tạo.
Theo đó, tổng tín dung được phân loại vào Nhóm 2 (cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp) là 14,4 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,2% tổng tín dụng so với mức 0,69% tại thời điểm cuối Q2/2023). Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu giảm xuống 270% (từ 386% tại thời điểm cuối Q2/2023), nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các ngân hàng khác là 106%.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN