Tài sản của Chủ tịch HPG, HSG, NKG bốc hơi trăm nghìn tỷ trong 1 tuần

Chỉ trong vòng 1 tuần đỏ lửa tiêu cực của ngành thép, khối tài sản của các Chủ tịch HPG, NKG, HSG lao dốc đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Trong tháng 10, các cổ phiếu như HPG, HSG, NKG, SMC, VGS, TLH... đều tăng bằng lần chỉ sau vài tháng. Song thời hoàng kim đó dường như đã chấm dứt khi hàng loạt cổ phiếu ngành thép đang lao dốc mạnh, giảm sâu 15-30% từ vùng đỉnh.
Đà giảm của cổ phiếu thép được cho là cộng hưởng của nhiều nguyên nhân, nhất là khi hầu hết mã nhóm này vừa lập đỉnh hồi giữa tháng 10, do đó việc điều chỉnh cũng là một diễn biến thông thường trên thị trường.
Mở màn phiên sáng 22/11, ngành thép có dấu hiệu hồi phục hồi nhẹ nhờ dòng tiền bắt đáy. Tuy nhiên kết phiên giao dịch 19/11, chuỗi ngày u ám vẫn tiếp diễn, toàn bộ cổ phiếu thép vẫn chìm trong sắc đỏ do ảnh hưởng tiêu cực từ giá thép toàn cầu suy giảm và nhu cầu tiêu thụ chững lại.
Dẫn đầu chiều giảm là HSG của Chủ tịch Lê Phước Vũ bốc hơi 6% trong một phiên. Từ mức đỉnh 49.850 đồng vào ngày 18/10, mã này quay đầu giảm xuống mức 37.500 đồng/cp vào phiên 19/11, tương đương mức giảm 25%.
Chỉ tính riêng trong tuần từ 15-19/11, cổ phiếu HSG giảm đến 14,19%, tương đương mức vốn hoá bốc hơi gần 3.000 tỷ đồng. Với việc nắm giữ trực tiếp và gián tiếp hơn 90 triệu cổ phiếu HSG, khối tài sản của đại gia 58 tuổi người Quảng Nam bay mất 558 tỷ đồng trong 1 tuần.
Trước đó, giữa lúc cổ phiếu thép lên đỉnh và mức giá HSG cũng vượt đỉnh nhưng đại gia Lê Phước Vũ không có động thái chốt lời mà vẫn giữ nguyên khối tài sản đồ sộ và đặt niềm tin vào giá trị cổ phiếu này.
Tai san cua Chu tich HPG, HSG, NKG boc hoi tram nghin ty trong 1 tuan
Tài sản của Chủ tịch các doanh nghiệp thép biến động mạnh sau 1 tuần.
Kế đó là NKG khi giảm 4,5% trong phiên 19/11 về mức 42.000 đồng/cp. Như vậy, nếu cổ đông nào mua NKG ở vùng giá đỉnh 56.000 đồng vào phiên 22/10, thì đến hôm nay tài khoản đã "bay hơi" 25% giá trị.
Còn trong vòng 1 tuần giao dịch, NKG đã giảm khoảng 13,13% về giá trị. Người đứng đầu doanh nghiệp là Chủ tịch Hồ Minh Quang cũng phải mất 227 tỷ đồng khi sở hữu 9,16% vốn tại Nam Kim, tương đương nắm giữ 20 triệu cổ phiếu.
Ngoài ra, tài sản ông Võ Hoàng Vũ - Tổng Giám đốc cũng đã mất gần 50 tỷ đồng trong tuần đỏ lửa của ngành thép. Trước đó, vị Tổng Giám đốc đã nhanh chóng bán lượng lớn 7,8 triệu đơn vị NKG tại mức giá 48.300 đồng/cp và thu về hơn 720 tỷ đồng.
Nói về cổ phiếu thép không thể nào không nhắc đến HPG của tỷ phú Trần Đình Long. Theo thống kê thì trong tuần qua, HPG ghi nhận 5 phiên đỏ lửa rơi từ 53.600 đồng/cp về còn 48.000 đồng/cp, tương ứng mức giảm hơn 12%. Giá trị vốn hóa tập đoàn giảm tương ứng hơn 29.500 tỷ về còn 214.700 tỷ đồng như hiện tại.
Là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 26% vốn tập đoàn, Chủ tịch Trần Đình Long mất đi số tiền lớn nhất gần 7.700 tỷ đồng. Ngoài ra vợ và con trai ông Long cũng đang nắm giữ 8,9% cổ phần, tương ứng mất đi hơn 2.600 tỷ đồng.
Rủi ro ngành thép vẫn đang còn, nhà đầu tư nên thận trọng
Trước cú rơi của cổ phiếu thép, một số công ty chứng khoán vẫn tỏ ra lạc quan về ngành công nghiệp này. Một số CTCK đưa ra khuyến nghị mua NKG, HSG, HPG với khoảng giá mục tiêu lần lượt 62.000-63.000 đồng/cp, 52.000-59.000 đồng/cp, 63.000-75.000 đồng/cp.
Lý do mà CTCK đưa ra không chỉ là những yếu tố ngoại sinh thuận lợi như giá thép neo cao, nhu cầu mạnh, nguồn cung chưa tăng, đầu tư công, mà chính bản thân cổ phiếu của các doanh nghiệp cũng có định giá hấp dẫn khi có P/E quá thấp so với P/E của VN-Index.
Tuy nhiên, tình hình thực tế có vẻ không diễn biến lạc quan như các CTCK dự báo khi mà rủi ro về giá thép và nhu cầu tiêu thụ dần dần hiển hiện rõ hơn.
Cổ phiếu thép đã tăng giá khủng khiếp trong suốt một năm qua. So với đáy tháng 3/2020, cổ phiếu NKG tăng gấp 13 lần, HSG vọt hơn 11 lần và ông lớn HPG cũng tăng gấp 5 lần. Điều này có nghĩa nếu những mức tăng giá đó là quá đà và quá hào hứng, sự suy giảm trong thời kỳ đi xuống có thể sẽ không mấy vui vẻ.
Trước khi thị trường tỏ rõ thái độ với cổ phiếu thép, cũng đã có những tín hiệu cảnh báo mà nhà đầu tư có thể quan sát từ phía người nội bộ doanh nghiệp. Hàng loạt lãnh đạo cấp cao của các công ty thép – những người hiểu rõ nhất về doanh nghiệp – lần lượt bán ra trong 6 tháng qua.
Theo nhiều ý kiến, các chuyên gia nhận định về ngắn hạn, nhà đầu tư cần hạn chế việc tham gia bắt đáy với các cổ phiếu ngành này do rủi ro giảm giá của thị trường thép quốc tế vẫn đang hiện hữu. Lượng cung tích lũy từ các cổ phiếu ngành thép vẫn còn nhiều, sẽ cần thêm một thời gian để hấp thụ, đặc biệt tại một số cổ phiếu thậm chí đã tăng gấp 5 - 10 lần từ đầu năm.
Hay như nhận định hầu hết các cổ phiếu thép có thể phải mất nhiều thời gian nữa để quay về mức đỉnh hồi tháng 10. Vì vậy, nhà đầu tư có thể cân nhắc giảm tỷ trọng để bảo toàn danh mục.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN