Bóc trần sự khác biệt giữa cáp USB-C cao cấp và giá rẻ

Bằng cách chụp CT toàn bộ bí mật nằm bên trong những sợi cáp USB-C giá “mềm” đã bị bóc trần.

Theo GizChina, ngày nay USB-C đang rất phổ biến, nhưng có một sự thật là đại đa số người tiêu dùng thường chọn giải pháp tiết kiệm tiền bằng việc mua những loại cáp USB-C giá rẻ. Chính vì thế, một nghiên cứu đã được thực hiện gần đây, nhằm cảnh báo mọi người cân nhắc lại việc chọn mua USB-C.

Theo đó, những người ở Lumafield, công ty chuyên cung cấp các giải pháp về tia X, đã tiến hành đặt nhiều loại cáp USB-C khác nhau dưới máy quét CT tia X. Mục tiêu của họ là tìm ra lý do tại sao lại có những sợi cáp USB-C giá rất rẻ chỉ vài USD, trong khi đó những sợi cáp đắt tiền gấp hàng chục lần liệu sẽ chứa đựng điều diệu kỳ nào bên trong chúng? Và kết quả đưa ra vô cùng hấp dẫn.

Máy CT chụp được gì bên trong cáp USB-C giá rẻ?

Thử nghiệm đầu tiên của Lumafield là chụp cáp USB-C trị giá 5,59 USD (khoảng 137.000 đồng) của thương hiệu NiceTQ. Nhóm đã nhận thấy bên trong nó chứa rất ít dây dẫn. Quan trọng hơn, các chân cắm và vỏ đầu nối của dây USB-C giá rẻ này được hàn nổi lên bằng nhựa đúc và hoàn toàn không được che chắn.

Lượng dây dẫn rất ít và được hàn trực tiếp vào dây cáp, không qua PCB.

Trong số tám chân có trong cáp, chỉ có bốn chân được kết nối. Và điều tệ nhất là chúng được hàn trực tiếp vào dây cáp. Điều là lùng nhất là quảng cáo của cáp USB-C giá rẻ này hứa hẹn tốc độ truyền dữ liệu lên tới 10Gbps, tương đương với chuẩn USB 3.2 Gen 2×1. Nhưng như kết quả quét CT USB-C cho thấy, về mặt cấu trúc vật lý, dây cáp này hoàn toàn không thể đem lại hiệu suất lớn đó, thực tế tốc độ chỉ dừng lại ở mức 480Mpbs.

Cáp USB-C giá rẻ chỉ có bốn chân được hàn và không hề được che chắn.

Ngoài ra, cũng không có chân kết nối dự phòng trên cáp USB-C giá rẻ này. Điều đó có nghĩa là cáp sẽ hư hỏng hoàn toàn nếu một trong bốn chân bị đứt gãy.

Có gì bên trong cáp USB-C đắt tiền?

Cáp USB-C tiếp theo mà nhóm đã tiến hành chụp CT là cáp Thunderbolt 4 của Apple. Cáp này có giá 129 USD (khoảng 3,1 triệu đồng), cao hơn rất nhiều so với mức 5 USD của cáp NiceTQ. Trong khi nhiều người có thể cho rằng đây là mức giá vô lý cho một sợi cáp USB-C, nhưng Apple có một số lý do chính đáng để niêm yết giá bán cao đến như vậy.

Cáp Thunderbolt 4 này được Apple hứa hẹn sẽ mang lại tốc độ truyền lên tới 40Gbps qua chuẩn USB 4 và Thunderbolt 4. Và lên tới 10Gbps qua chuẩn USB 3. Ngoài ra, nó còn cung cấp tốc độ sạc lên tới 100 watt. Người dùng cũng có thể sử dụng nó để kết nối tối đa 6 thiết bị Thunderbolt 3.

Cấu trúc bên trong của cáp USB-C Thunderbolt 4 do Apple chế tạo.

Để cung cấp tất cả các tính năng này, Apple đã chế tạo ra một loại cáp cực kỳ phức tạp. Đặc biệt nhất, sợi cáp có các đầu nối với cụm PCB (bo mạch) rất phức tạp của riêng chúng. Ngoài ra, hình ảnh chụp CT còn cho thấy cáp Apple cung cấp đến 20 dây dẫn riêng biệt, với 10 sợi được bảo vệ đồng trục. Ngoài ra, tất cả chúng đều được hàn riêng vào PCB, một khớp nối chống bụi bẩn bảo vệ tất cả các bộ phận bên trong.

Bảng mạch phức tạp và các đầu dây cáp được hàn cẩn thận.

Lumafield còn thử nghiệm với hai loại cáp khác, trong số đó có cáp Amazon Basics. Nhưng chỉ xét riêng hai loại cáp giá rẻ và cao cấp nói trên, cho thấy cáp USB-C cao cấp có độ hoàn thiện phức tạp ra sao.

Cáp USB-C của Apple phức tạp hơn rất nhiều so với Amazon và các hãng giá rẻ khác.

Ngoài ra, thử nghiệm còn cho thấy người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn thế nào trong việc xác định một sợi cáp USB-C liệu có đáp ứng chất lượng và hiệu suất như mong đợi hay không. Lời khuyên ở đây chính là chỉ nên mua cáp USB-C từ các thương hiệu có uy tín. Nếu không, người tiêu dùng thực sự sẽ không thể mong đợi khả năng đáp ứng về hiệu suất và độ bền trong quá trình sử dụng.

Đào Hoàng

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN