Xuất khẩu và sản xuất công nghiệp tăng trưởng, lo ngại lạm phát trong quý 2

Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 6/2024 của Chứng khoán MB (MBS) cho thấy sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng, nhưng áp lực lạm phát, thâm hụt thương mại và tiêu dùng chậm lại là những thách thức cần lưu tâm.
Xuat khau va san xuat cong nghiep tang truong, lo ngai lam phat trong quy 2
 Tăng trưởng GDP cả năm 2024 được MBS nâng lên 6.1% - 6.3% so với dự đoán trước đó 
Theo báo cáo mới nhất của Chứng khoán MB (MBS), kinh tế Việt Nam trong tháng 5/2024 cho thấy nhiều tín hiệu tích cực với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đã tăng 8.9% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ ba liên tiếp.
Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhu cầu về lượng đặt hàng mới gia tăng, đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp đặc biệt như điện thoại, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện lần lượt tăng 50.6% và 50.7%
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 đạt 33.8 tỷ USD, tăng 15.8% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm kim loại thường khác và sản phẩm (+111.6%), gạo (+56.4%), và xơ sợi dệt các loại (+52.7%). Tuy nhiên, thị trường ghi nhận các mặt hàng có tăng trưởng âm lớn nhất bao gồm đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận (-13.9%), clanhke và xi măng (-9.1%), giấy và các sản phẩm từ giấy (-2.1%).
Bên cạnh tín hiệu tích cực, các chuyên gia Chứng khoán MB (MBS) cũng nhấn mạnh những thách thức hiện hữu như áp lực lạm phát gia tăng, cán cân thương mại thu hẹp và tiêu dùng trong nước chậm lại, gây áp lực lên nền kinh tế
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng liên tục từ đầu năm, trong tháng 5 tăng 4.4% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá thực phẩm (nhóm lương thực tăng 14.8%), dịch vụ ăn uống, và giá dầu tăng. MBS dự báo CPI trung bình năm 2024 sẽ tăng từ 4.1% lên 4.3%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tác động lớn nhất đến chỉ số CPI, tiếp theo là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (+5.3%).
Lạm phát trong nửa cuối năm 2024 được dự báo sẽ chịu áp lực tăng từ nhiều yếu tố. Đáng chú ý là giá thép xây dựng nội địa có thể phục hồi lên mức 15 triệu VNĐ/tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do giá thép thế giới tăng và nhu cầu trong nước ấm lên. Bên cạnh đó, tỷ giá vẫn ở mức cao, gây áp lực lên chi phí hàng hóa nhập khẩu.
Một yếu tố nữa có thể tác động đến lạm phát là việc tăng lương cơ bản dự kiến từ ngày 1/7. Ngoài ra, giá dầu được dự báo sẽ dao động quanh mức 85 USD/thùng trong năm 2024 do OPEC+ duy trì cắt giảm sản lượng đến hết quý 3 và nhu cầu từ Mỹ và Trung Quốc tăng. Mặc dù có thể nới lỏng nguồn cung từ quý 4, nhưng chưa có thông báo rõ ràng và nguồn cung chưa thể tăng mạnh đến hết năm nay.
Thâm hụt thương mại xuất hiện trở lại lần đầu tiên kể từ tháng 2 năm ngoái, mặc dù cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng tích cực (nhập khẩu tăng 29.9%). Điều này cho thấy sự hỗ trợ cho tỷ giá đang yếu đi.
Tiêu dùng trong nước tiếp tục đi ngang trong tháng 5, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 4.5% so với cùng kỳ (loại trừ yếu tố giá tăng), thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình 8% trong 5 năm trở lại đây (loại trừ năm 2021 thời điểm giãn cách xã hội).
Việt Nam tiếp tục thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 5 tháng đầu năm 2024, vốn FDI thực hiện đạt 8.2 tỷ USD, tăng 7.8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng lũy kế cao nhất trong vòng 5 năm qua. Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1.52 tỷ USD, gấp 12 lần so với thực hiện năm 2023.
Lãi suất liên ngân hàng tiệm cận ngưỡng 5% do nhu cầu thanh khoản gia tăng. Các ngân hàng thương mại cũng đã bắt đầu tăng lãi suất huy động. MBS dự báo lãi suất đầu vào sẽ tăng 70 - 100 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2024.
Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, từ ngày 22/4 đến cuối phiên ngày 23/5, cơ quan này đã bán ra tổng cộng 48,500 lượng vàng SJC và theo các nguồn tin trên thị trường liên ngân hàng, lượng ngoại tệ mà NHNN đã bán giao ngay cho các ngân hàng thương mại đã vượt 3.5 tỷ USD. Nỗ lực này của NHNN nhằm bình ổn thị trường, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và cản trở sự trượt giá của VND.
NHNN đã thực hiện các biện pháp ổn định tỷ giá như bán ngoại tệ. MBS dự báo tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 25,100 - 25,300 VND/USD trong tháng 6 và tháng 7.
Theo đó, MBS nâng dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 lên 6.1% - 6.3%. GDP quý 2 được ước tính tăng 6.3% - 6.5% nhờ sự phục hồi của các đơn hàng, tạo thêm việc làm, tăng trưởng xuất khẩu, và sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch với 7.6 triệu lượt khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm.
Thảo Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN