Vì sao doanh nghiệp không mặn mà gói hỗ trợ lãi suất 2%?

Theo đại diện nhiều ngân hàng thương mại, hiện doanh nghiệp không mặn mà với gói hỗ trợ lãi suất 2% vì lo ngại quá trình thanh, kiểm tra, khó chứng minh được đầy đủ mục đích sử dụng vốn.

Vi sao doanh nghiep khong man ma goi ho tro lai suat 2%?

Hội nghị trực tuyến toàn quốc giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Ảnh: SBV

Ngày 26/8, NHNN đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.

Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô lên tới 40.000 tỷ đồng nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp, người dân nhất.

NHNN được giao là đầu mối, các bộ ngành phối hợp để triển khai hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất nêu trên. Tuy nhiên, sau 3 tháng thực hiện, kết quả chưa như kỳ vọng. 

Cụ thể, sau 3 tháng triển khai, theo báo cáo nhanh từ các NHTM, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 13,5 tỷ đồng.

Một số ngân hàng lớn như Agirbank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV số lượng khách hàng tham gia gói hỗ trợ lãi suất ở mỗi ngân hàng cũng chỉ vài chục khách hàng, với số tiền lãi suất hỗ trợ đến cuối năm cũng chỉ được vài chục tỷ đồng.

Cụ thể, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, Vietcombank nhận hỗ trợ hơn 4.000 tỷ đồng lãi suất (10% tổng gói hỗ trợ lãi suất). Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, có khoảng 50 khách hàng xin hỗ trợ lãi suất thì phần lớn không đáp ứng yêu cầu. Dự kiến từ nay tới cuối năm Vietcombank cũng chỉ triển khai hỗ trợ được khoảng 50 tỷ trong gói 4.000 tỷ ngân hàng được cấp.

Đại diện Vietinbank cho biết, mặc dù hệ thống ngân hàng đã sẵn sàng cho thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất nhưng còn nhiều khó khăn, vướng mắc như khách hàng kinh doanh đa ngành nghề, nhiều lĩnh vực nên rất khó bóc tách, xác định mục đích sử dụng vốn vay, khó thu được chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn.

Ngoài ra, trong quy định có điều kiện "doanh nghiệp phải có khả năng phục hồi", trong khi không có hướng dẫn đánh giá cụ thể về khả năng phục hồi nên dẫn tới việc mỗi ngân hàng áp dụng khác nhau. Đại diện Vietinbank cho biết, qua trao đổi thực tế, các tiêu chí đánh giá "khả năng phục hồi" là không thống nhất và lo ngại rằng, thời điểm ngân hàng đánh giá thì doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhưng khi thanh tra, kiểm tra khách hàng lại xuất hiện nợ xấu do khách quan, dẫn tới ngân hàng có thể phải truy thu lại khoản đã hỗ trợ sẽ rất khó khăn.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV đồng tình với ý kiến của các ngân hàng trên và cho biết, chi phí bỏ ra để hỗ trợ lãi suất, xác định mục đích vay vốn là rất lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp lại kinh doanh đa ngành nghề, nên rất khó để bóc tách ra. Đến khi thanh kiểm tra về mục đích sử dụng vốn sẽ dẫn tới nhiều khó khăn cho khách hàng và cả ngân hàng. Vì thế, bản thân nhiều doanh nghiệp dù đủ điều kiện vay hỗ trợ lãi suất nhưng cũng không muốn đăng ký vay vì lo ngại thanh kiểm tra sau vay vốn.

Chia sẻ 6 nguyên nhân gây vướng mắc và đề xuất giải pháp trong quá trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, đại diện ngân hàng MB cho biết, nguyên tắc hỗ trợ lãi suất, khách hàng có khả năng trả nợ, phục hồi và tiêu chí phục hồi là quy định nội bộ từng ngân hàng. Vì thế đề xuất khi thanh kiểm tra cần lấy quy định do nội bộ ngân hàng đưa ra làm chuẩn hoặc cần có một quy định rõ ràng, thống nhất "thế nào là phục hồi".

Về vấn đề doanh nghiệp đa ngành, cần có quy định rõ, ngân hàng không có trách nhiệm chứng minh tiền đó có phải phục vụ cho các ngành đó hay không và cần có nguyên tắc về tỷ lệ để các ngân hàng thực hiện như khách hàng kinh doanh đa ngành, có bao nhiêu % trong nhóm được ưu tiên thì ngân hàng được cho vay hỗ trợ lãi suất và cho vay bao nhiêu % thì phù hợp.

Ngoài ra, các hộ kinh doanh theo thông tư của Chính phủ không cần đăng ký kinh doanh nên nếu đối tượng này đưa vào áp dụng tại Nghị định 31 để hỗ trợ lãi suất thì đề nghị không cần đăng ký kinh doanh mà thay thế bằng giấy chứng nhận của UBND hoặc Hiệp hội ngành nghề.

Đại diện MB cũng để xuất NHNN cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu được vay bằng USD và có hỗ trợ lãi suất do đặc thù ngành nghề.

Đại diện NHNN cho biết, chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước nên các NHTM rất thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả. Một số chi nhánh NHTM đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước,  phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thời gian tới, NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHTM tích cực triển khai trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong triển khai chương trình nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục tiêu, minh bạch và hiệu quả.

N.Thoan/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN