‘Sức khoẻ’ của Bao bì Nhựa Sài Gòn ra sao khi bị mở thủ tục phá sản?

Trước thông tin Toà án quyết định mở thủ tục phá sản, CTCP Bao bì Nhựa Sài Gòn (HNX: SPP) đã lên tiếng về vấn đề này.

Công ty vẫn hoạt động bình thường, phối hợp xử lý các khoản nợ với các ngân hàng

Cụ thể, vào tháng 8/2019, CTCP sản xuất thương mại Tân Việt Sinh đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với SPP.

Ngày 26/11/2019, Tòa án nhân dân TP.HCM (TAND TP) ra quyết định mở thủ tục phá sản số 1140 theo yêu cầu của công ty Tân Việt Sinh. Ngày 29/11/2019, Tòa án ra quyết định đình chỉ doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chỉ định Công ty hợp danh quản lý và thanh lý tài sản Sen Việt (Công ty Sen Việt) thực hiện.

Trước khi có quyết định mở thông báo phá sản từ Tòa án, SPP cho biết công ty vẫn hoạt động, sản xuất kinh doanh bình thường, vẫn phối hợp xử lý các khoản nợ với các ngân hàng. 

“Hiện tại, lượng tài sản hiện hữu của Công ty Nhựa Sài Gòn vẫn còn và các ngân hàng khi cấp hạn mức tín dụng đều có tài sản thế chấp tương ứng để đảm bảo cho khoản vay.

Do đó, việc thu hồi nợ của các ngân hàng sẽ được thực hiện theo đúng trình tự của thủ tục phá sản, được quy định cụ thể trong Luật Phá sản và các văn bản pháp luật có liên quan theo quyết định của TAND TP và Công ty Sen Việt (nếu có)” – SPP khẳng định.

Theo quy định của Luật Phá sản, sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhưng phải chịu sự giám sát của Thẩm phán và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Do đó, SPP đã có văn bản gửi TAND TP, cùng Quản tài viên và Công ty Sen Việt để đề nghị được hướng dẫn cụ thể việc công bố thông tin theo pháp luật hiện hành quy định.

Về lợi nhuận, SPP cho rằng, lợi nhuận hay thua lỗ phụ thuộc vào quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh theo từng năm, theo kế hoạch vận hành, sản xuất kinh doanh của từng công ty. Việc công ty kinh doanh thua lỗ là do nhiều yếu tố.

Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng đến kinh tế trong nước và toàn cầu. Việc công ty còn khả năng phục hồi hay không là do nội lực của công ty, khách hàng, nhà đầu tư, chủ nợ và các cơ quan giám định độc lập khác...

Trên cơ sở đó, Tòa án sẽ đưa ra quyết định công ty có phá sản hay không. 

SPP đang tiếp tục duy trì sự cố gắng hết sức trong hoạt động sản xuất kinh doanh và thuyết phục cũng như chờ đón nhận các nguồn đầu tư để phục hồi khả năng tài chính.

Hiện tại công ty vẫn phối hợp với Quản tài viên, Công ty Quản lý và Thanh lý tài sản để tiến hành liệt kê danh sách chủ nợ, đăng tải các thông tin trên báo chí, trực tiếp liên hệ các chủ nợ để đề nghị gửi giấy đòi nợ đến Công ty Sen Việt.

Sau khi hoàn tất việc xác minh đầy đủ danh sách chủ nợ, Công ty Nhựa Sài Gòn sẽ mở hội nghị chủ nợ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho tất cả các chủ nợ theo pháp luật hiện hành.

‘Suc khoe’ cua Bao bi Nhua Sai Gon ra sao khi bi mo thu tuc pha san?
 

Bất ngờ lỗ nặng 720 tỷ năm 2019, vốn âm, chưa thu xếp được tài chính để trả nợ 

Theo báo cáo tài chính năm 2019 vừa công bố, Bao bì Nhựa Sài Gòn bất ngờ báo lỗ nặng tới 720 tỷ đồng, trong khi năm 2018 vẫn có lãi hơn 12 tỷ đồng. 

Theo giải trình của Bao bì Nhựa Sài Gòn, do doanh thu thuần năm 2019 chỉ vỏn vẹn 255 tỷ đồng, giảm mạnh gần 77% so mức 1.105 tỷ của năm 2018. Đồng thời, Công ty đã bán thanh lý hàng hoá hư hỏng và phân bổ một số khoản mục chi phí vào kết quả kinh doanh. Do đó, Bao bì Nhựa Sài Gòn đã kinh doanh dưới giá vốn nên lỗ gộp 369 tỷ đồng. 

Thêm vào đó, chi phí quản lý doanh nghiệp đột biến từ 28 tỷ của năm trước lên tới 325 tỷ đồng, tức gấp 2,8 lần năm trước.

Chưa dừng lại ở đó, tại báo cáo kiểm toán, đơn vị kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ. Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2019, Bao bì Nhựa Sài Gòn ghi nhận vay nợ tài chính 396,5 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); hơn 46 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank); 35 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM; Gần 30 tỷ đồng tại Ngân hàng TNHH Indovina; và gần 130 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB).

Tổng số dư vay quá hạn là 707,6 tỷ đồng. Công ty chưa hạch toán đủ chi phí lãi vay phải trả năm 2019 vào kết quả kinh doanh trong năm. Tổng chi phí lãi vay theo ước tính của đơn vị kiểm toán là 56 tỷ đồng. 

Về vấn đề này, Bao bì Nhựa Sài Gòn cho biết, hiện công ty đang gặp khó khăn về tài chính và đang tái cơ cấu, cộng với dịch bệnh COVID-19 nên chưa thể thu xếp được tài chính để trả nợ ngân hàng. 

Còn lãi vay chưa hạch toán do công ty và một số tổ chức tín dụng đang trong quá trình thương lượng, chưa thống nhất về mức lãi vay. Do đó công ty chưa có số liệu cụ thể để hạch toán.

Đặc biệt, đơn vị kiểm toán cũng lưu ý, hiện nợ phải trả ngắn hạn của SPP lớn hơn tài sản ngắn hạn số tiền 618 tỷ đồng, lỗ luỹ kế tới 690 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 438 tỷ đồng... khả năng hoạt động của công ty phụ thuộc vào khả năng sinh lời trong tương lai và tiếp tục đầu tư vốn của các chủ sở hữu. 

“Báo cáo tài chính này không bao gồm điều chỉnh nào liên quan đến tính không chắc chắn và khả năng hoạt động liên tục của SPP” – kiểm toán nêu rõ.

 Ngoài ra, trong năm 2019, có 2 Thành viên HĐQT miễn nhiệm vào ngày 30/9 và 30/10, tính đến thời điểm phát hành báo cáo này Đại hội đồng cổ đông SPP chưa thực hiện bổ nhiệm Thành viên HĐQT mới. Do đó, số lượng Thành viên HĐQT hiện nay chr có 3 người là chưa đúng quy định tại Thông tư 121 của Bộ Tài chính.

Với tình hình này, ngày 3/4 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có công văn đề nghị SPP giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục tình trạng bị huỷ niêm yết do lỗ luỹ kế vượt vốn.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu SPP đang bị cảnh báo và đóng cửa phiên nagfy 6/4 tại mức giá 600 đồng/cổ phiếu, giảm mạnh gần 84% trong vòng 1 năm qua.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN