Doanh nghiệp dầu khí nào có triển vọng rõ nét nhất thời gian tới?

Các doanh nghiệp dịch vụ thượng nguồn của ngành dầu khí có triển vọng rõ nét hơn nhờ hoạt động E&P sôi động hơn ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Kết thúc nửa đầu năm 2023, giá dầu Brent giảm xuống quanh mức 75 USD/thùng (giảm 24% so cùng kỳ), thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 120 USD/thùng vào giữa năm 2022 do lo ngại kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu dầu thô toàn cầu.
Đối với nửa cuối 2023 và năm 2024, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng 1,6 triệu thùng/ngày trong năm 2023 từ mức trung bình 99,4 triệu thùng/ngày của năm 2022, sau đó tiếp tục tăng 1,7 triệu thùng/ngày trong năm 2024. Phần lớn mức tăng trưởng này đến từ các quốc gia nằm ngoài nhóm OECD.
Trong khi đó, OPEC+ đã ra quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô đến hết năm 2024, điều này có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường dầu thô trong bối cảnh tiêu thụ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023-24, gây áp lực tăng lên giá dầu thô.
Nhìn chung, VNDirect kỳ vọng giá dầu Brent sẽ tăng trở lại trong nửa cuối 2023 do nguồn cung hạn chế, đạt mức trung bình 80-85 USD/thùng trong năm 2023-24.
Doanh nghiep dau khi nao co trien vong ro net nhat thoi gian toi?
 
Đối với doanh nghiệp thượng nguồn, thị trường khoan dầu khí đang tăng tốc trên phạm vi toàn cầu.
Đối với thị trường Đông Nam Á, IHS dự báo nhu cầu trung bình giàn JU cũng sẽ tăng từ 32,4 giàn vào năm 2022 lên 36,8/38,2 giàn vào năm 2023-24 với động lực chính tới từ Indonesia và Malaysia. Ngược lại, theo thống kê có khoảng 28 giàn JU đã rời khỏi khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đến Trung Đông trong năm 2022-23. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung giàn JU từ Q3/23 khi Chính phủ các nước Đông Nam Á đẩy mạnh các chiến dịch Thăm dò & Khai thác (E&P) dầu khí.
Theo sau sự thắt chặt của thị trường khoan toàn cầu, hiệu suất sử dụng trung bình giàn JU tại Đông Nam Á đã tăng vọt lên 90% từ nửa cuối năm 2022 do đội giàn JU bị thu hẹp khi nhiều giàn khoan di chuyển đến Trung Đông. Điều này đã giúp giá thuê giàn JU tham chiếu (loại 301-400 IC) tăng lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2015 từ cuối năm 2022, dao động từ 95.000 USD đến 134.000 USD.
Nhìn chung, VNDirect cho rằng giá thuê trung bình giàn JU tại Đông Nam Á sẽ duy trì trên mức 120.000 USD trong thời gian tới nhờ nhu cầu tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh nguồn cung giàn bị thu hẹp và nguồn cung bổ sung từ giàn khoan mới khó có thể xảy ra trong ngắn hạn.
Đáng chú ý, VNDirect kỳ vọng thị trường khoan trong nước cũng sẽ sôi động hơn kể từ năm 2024 trở đi với nhiều dự án E&P đã và dự kiến được triển khai, bao gồm một số dự án quy mô vừa như Kình Ngư Trắng hay Lạc Đà Vàng, và dự án nhiều tỷ USD Lô B – Ô Môn. Điều này sẽ kích hoạt nhiều chương trình khoan và mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn cho những nhà cung cấp dịch vụ khoan, đặc biệt là một doanh nghiệp nội địa như PVD.
Hoạt động E&P nội địa sẽ sôi động hơn kể từ năm 2024 trở đi
Cuộc khủng hoảng năng lượng do căng thẳng địa chính trị vừa qua đã nêu bật tầm quan trọng của việc tự chủ nguồn cung năng lượng, qua đó có thể tiếp thêm động lực để cơ quan quản lý thúc đẩy các hoạt động E&P.
Thực tế, VNDirect nhận thấy nhiều dự án phát triển dầu khí quy mô vừa và nhỏ đã được bật đèn xanh và có những chuyển động đáng kể trong vài tháng qua, đơn cử như Đại Hùng GĐ 3, Kình Ngư Trắng hay Lạc Đà Vàng.
Bên cạnh đó, nhiều tín hiệu cho thấy dự án phát triển mỏ khí nhiều tỷ USD Lô B – Ô Môn có thể được triển khai từ cuối năm 2023, trở thành động lực tăng trưởng chính cho ngành Dầu khí trong thời gian tới. Những dự án này sẽ cung cấp khối lượng backlog khổng lồ cho các DN dịch vụ dầu khí trong nước, trước hết là cho các nhà thầu EPC và các đơn vị cung cấp dịch vụ khoan.
Với trung nguồn, chuẩn bị cho quá trình chuyển dịch sang điện khí LNG theo Quy hoạch Điện 8 (QHĐ8).
Trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, nhiệt điện khí sẽ đóng vai trò quan trọng, là nguồn điện chạy nền của hệ thống nhờ tính ổn định, liên tục và linh hoạt trong sản xuất điện và ít phát thải hơn so với nhiệt điện than (để sản xuất cùng một đơn vị năng lượng). Theo QHĐ8, điện khí (từ cả nguồn khí trong nước và LNG) sẽ là điểm nhấn trong giai đoạn 2022-30 với tốc độ tăng trưởng kép công suất đạt 23,1%, và chiếm 25% tổng công suất vào năm 2030.
Đây có thể là động lực để thúc đẩy các dự án phát triển mỏ khí nhiều tỷ đô vốn bị đình trệ lâu nay như Lô B và Cá Voi Xanh trong những năm tới. Bên cạnh đó, việc giá LNG sụt giảm gần đây có thể tạo điều kiện thuận lợi cho xu hướng chuyển dịch sang LNG tại Việt Nam trong những năm tới nhờ giá LNG tham chiếu tại châu Á đã giảm về vùng hợp lý.
Hơn nữa, VNDirect cũng lưu ý rằng các hợp đồng LNG dài hạn tuy thường không được tiết lộ công khai, nhưng hầu hết các hợp đồng được định giá theo tỷ lệ phần trăm của giá dầu thô tham chiếu, thường thấp hơn và ổn định hơn giá giao ngay.
Trong các dự án kể trên, VNDirect nhận thấy NT3&4 nhiều khả năng sẽ trở thành nhà máy nhiệt điện khí LNG đầu tiên đi vào vận hành tại Việt Nam. Hiện GAS đã hoàn thành việc xây dựng kho cảng LNG Thị Vải và dự kiến sẽ bắt đầu cung cấp những lô hàng LNG đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 7, Kho cảng LNG Thị Vải sẽ là dự án liên quan đến LNG đầu tiên đi vào hoạt động tại Việt Nam và sẵn sàng cung cấp LNG cho NT3&4 kể từ cuối năm 2024 khi nhà máy đi vào vận hành theo kế hoạch.
Dựa trên các lĩnh vực được ưu tiên phát triển trong QHĐ8, VNDirect cho rằng GAS sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi chính với tư cách là nhà phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng (với nhiều dự án lớn như các dự án kho cảng LNG và đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn) cũng như nhà cung cấp LNG.
Với hạ nguồn, bức tranh đảo ngược đối với lĩnh vực lọc dầu và phân phối xăng dầu trong năm 2023.
Sau một năm 2022 khó khăn chưa từng có, thị trường xăng dầu trong nước đã trở lại trạng thái bình thường khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (NSR) hoạt động hết công suất và cơ quan quản lý đã điều chỉnh chi phí định mức tính giá xăng dầu cơ sở từ cuối năm 2022, qua đó hỗ trợ cho HĐKD của các DN kinh doanh, phân phối xăng dầu trong nước.
Đơn cử như, DN phân phối khổng lồ Petrolimex (với khoảng 50% thị phần) đã cho thấy sự phục hồi trong Q1/23 với mức tăng trưởng LN ròng là 155% svck.
Nhìn chung, VNDirec nhận thấy triển vọng tươi sáng cho lĩnh vực này nhờ: (1) TT trong nước ổn định trở lại kể từ năm 2023 nhờ NSR vận hành hết công suất, (2) việc điều chỉnh các khoản phụ phí kinh doanh xăng dầu kịp thời và đầy đủ của cơ quan quản lý, giúp hạn chế các chi phí kinh doanh xăng dầu đột biến như đã phát sinh trong năm 2022, và (3) Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng tăng Tại Việt Nam (+4,3% mỗi năm trong giai đoạn 2022-30).
Các NMLD sẽ phải đối mặt với việc tăng trưởng LN âm trong năm nay khi biên LN lọc dầu đã giảm xuống mức trước khủng hoảng do suy thoái kinh tế gia tăng, đặc biệt là tại châu Âu, trong bối cảnh nguồn cung dồi dào đến từ: (1) sự trở lại của Trung Quốc trong việc xuất khẩu sản phẩm lọc dầu, (2) Nga thành công trong việc điều chỉnh dòng chảy sản phẩm từ châu Âu sang Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ, và (3) công suất bổ sung từ các NMLD mới tại Trung Đông.
Theo quan điểm của VNDirect, crack spread các sản phẩm lọc dầu tầng trung, đặc biệt là crack spread diesel sẽ dần phục hồi trong những tháng tới, được hỗ trợ bởi nhu cầu đi lại vào mùa hè và nhu cầu nhiên liệu sưởi ấm vào mùa đông ở các nước phương Tây. Điều này sẽ hỗ trợ cho biên LN lọc dầu trong thời gian tới, nhưng vẫn sẽ thấp hơn đáng kể so với mức kỷ lục của năm 2022.
Kể từ đầu năm 2023, giá cổ phiếu Dầu khí cho thấy sự phân hóa trong bối cảnh giá dầu sụt giảm, trong đó VNDirect nhận thấy sự vượt trội của các DN thượng nguồn (PVS, PVD) và DN phân phối (PLX) nhờ: (1) triển vọng lĩnh vực thượng nguồn rõ nét hơn nhờ các hoạt động E&P sôi động hơn, và (2) lĩnh vực phân phối xăng dầu phục hồi nhờ TT xăng dầu trong nước ổn định trở lại.
Nhìn chung, VNDirect tin rằng triển vọng rõ nét của lĩnh vực E&P tại Việt Nam kể từ năm 2024 trở đi sẽ là động lực tăng giá mạnh mẽ cho các DN dịch vụ thượng nguồn vì điều này sẽ cung cấp khối lượng backlog tiềm năng rất lớn, đảm bảo công việc cũng như cải thiện hiệu quả kinh doanh của các DN dịch vụ thượng nguồn trong nhiều năm tới.
Bên cạnh đó, dưới góc nhìn dài hạn, VNDirect cho rằng GAS là một lựa chọn đầu tư tốt nhờ việc hưởng lợi từ quá trình chuyển dịch sang điện khí LNG cũng như ưu tiên phát triển nguồn điện khí nội địa.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN