DLG thu 422 tỷ nợ khó đòi từ các tổ chức và cá nhân, có thể trả nợ?

Đến thời điểm 15/8 (trước thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán soát xét), DLG đã thu hồi đủ số tiền 422 tỷ đồng khó đòi cho các tổ chức, cá nhân vay. 
Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) vừa có giải trình về ý kiến kiểm toán ngoại trừ trên BCTC kiểm toán năm 2022 và soát xét bán niên 2023.
Theo đó, đối với ý kiến kiểm toán ngoại trừ về việc DLG cho một số tổ chức, cá nhân vay với số tiền hơn 422 tỷ đồng, DLG đã trích lập dự phòng đầy đủ nợ phải thu khó đòi.
Tuy nhiên công ty chưa đáng giá khả năng thu hồi theo thực tế. Về vấn đề này, DLG cho biết, trong 6 tháng đầu năm, công ty đã làm việc với một số tổ chức và cá nhân vay với số tiền trên để thực hiện đánh giá khả năng thu hồi của các khoản nợ trên và có biên bản làm việc về việc xác nhận công nợ và cam kết thống nhất lộ trình trả nợ.
Tuy nhiên, đến thời điểm 15/8 (trước thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán soát xét, DLG đã thu hồi đủ số tiền nói trên. Do đó, trên BCTC soát xét bán niên 2023 không còn kết luận ngoại trừ bởi kiểm toán.
Đối với ý kiến về khả năng hoạt động liên tục, DLG cho biết, những vấn đề tồn tại ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục từ năm 2022 đến nay, công ty từng bước khắc phục những vấn đề này đảm bảo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục và ổn định, 6 tháng đầu năm đã có lãi hơn 34 tỷ đồng.
Liên quan đến ý kiến ngoại trừ, ngày 17/7, DLG đã ký hợp đồng thuê đơn vị thẩm định giá tài sản độc lập để định giá lại toàn bộ tài sản đảm bảo của công ty và bên thứ 3 để xác định giá trị tài sản đảm bảo dư nợ vay ngân hàng.
Trong năm 2023, sau khi có kết quả chứng thư thẩm định giá tài sản thì công ty sẽ cung cấp bằng chứng thích hợp để xác định giá trị của tài sản đảm bảo, tài sản được bảo lãnh cho kiểm toán để khẳng định khoản vay của công ty được đảm bảo bằng tài sản, có khả năng trả nợ và hoạt động liên tục. 
DLG thu 422 ty no kho doi tu cac to chuc va ca nhan, co the tra no?
 
Trước đó, ngày 25/7, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã có thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DLG theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của CTCP Lilama 45.3. 
Về việc này, DLG cho biết hiện đang gặp phải khó khăn tài chính tạm thời do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 từ năm 2020-2023; khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng do xung đột Nga - Ukraina căng thẳng kéo dài. 
Trong nước, việc áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất ngân hàng tăng cao, việc tiếp cận vốn rất khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp trong cả nước đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và DLG cũng không phải ngoại lệ.
Mặc dù vậy, công ty vẫn đang khắc phục một cách hiệu quả và đang tổ chức sản xuất kinh doanh bình thường. 
"Công ty không bị mất khả năng thanh toán và có tổng tài sản gần 6.000 tỷ đồng; nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho đối tác, khách hàng, ngân hàng cũng như công nợ phải thu từ các đối tác", thông báo của DLG khẳng định.
Còn khoản nợ của Lilama 45.3 là rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản của DLG, hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán, do đó không thuộc đối tượng phải áp dụng luật phá sản. 
DLG cho biết đã rất thiện chí làm việc với Lilama 45,3 đề ra lộ trình trả nợ, sẵn sàng trả nợ cho Lilama 45.3 sau khi hai bên thống nhất lộ trình thanh toán, nhưng phía Lilama 45.3 vẫn chưa đồng ý. 
Cũng cần lưu ý, tại báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị kiểm toán có ý kiến ngoại trừ, tại ngày 30/6/2023, khoản lỗ thuần luỹ kế của DLG là 2.042 tỷ đồng và các khoản nợ ngắn hạn vượt quá tổng tài sản ngắn hạn là 1.223 tỷ đồng. 
DLG đã có kế hoạch thanh lý, nhượng bán tài sản đảm bảo, tài sản được bảo lãnh và dòng tiền để trả nợ cho ngân hàng trong giai đoạn từ 2023 đến 2025. 
Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để xác định giá trị của các tài sản đảm bảo theo đánh giá của DLG. 
Do đó, đơn vị kiểm toán chưa thể xác định được giá trị của các tài sản đảm bảo, tài sản được bảo lãnh có phù hợp với kế hoạch trả nợ của DLG hay không. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của DLG. 
Được biết, nợ phải trả tại thời điểm cuối tháng 6/2023 của DLG là hơn 4.568 tỷ đồng, trong đó vay nợ tài chính ngắn hạn chiếm 1.171 tỷ đồng và vay nợ tài chính dài hạn 1.774 tỷ đồng vẫn xấp xỉ đầu kỳ. 
Phải trả người bán ngắn hạn khác chiếm 280 tỷ đồng và phải trả ngắn hạn khác lên tới 659 tỷ đồng. Trong đó, riêng khoản phải trả cho Lilama 45,3 là hơn 31 tỷ đồng.
Doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 ở mức 511 tỷ đồng, giảm 29% so cùng kỳ. Dù vậy DLG vẫn có lãi ròng 27,5 tỷ đồng, khả quan hơn mức lỗ 370 tỷ của cùng kỳ. 
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN