CEO MWG nói tiền vẫn còn nhưng tại sao chỉ dừng lại ở 500 nhà thuốc An Khang?

CEO Thế Giới Di Động cho rằng việc chậm lại 1 nhịp cho hơn 500 cửa hàng như vậy cũng là cơ hội để đánh giá, nhìn nhận lại, tối ưu hóa tất cả mọi thứ với số lượng cửa hàng này.
Tại cuộc họp nhà đầu tư tổng kết kết quả kinh doanh Quý III và 9 tháng đầu năm 2022 của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động diễn ra ngày 24/11, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT cho biết, công ty sẽ giữ ở con số 529 nhà thuốc An Khang, vì thời điểm này, đặc biệt là những tháng cuối năm 2022 thị trường quá nhiều biến đổi, khó khăn nên việc dừng lại là để phù hợp với tình hình thị trường.
Dừng lại ở 529 nhà thuốc
CEO MWG noi tien van con nhung tai sao chi dung lai o 500 nha thuoc An Khang?
 Thế Giới Di Động chưa vội mở rộng chuỗi nhà thuốc An Khang - Ảnh: thegioididong.com
Theo ông Hiểu Em, số lượng hơn 500 cửa hàng cũng là đủ lớn để có những hỗ trợ tốt nhất từ phía hãng hay chạy những chương trình khuyến mãi cho khách hàng. Vì thế, Thế Giới Di Động cũng không cần phải nỗ lực tới 800 cửa hàng.
Vị này cho biết, “việc chậm lại 1 nhịp cho hơn 500 cửa hàng như vậy cũng là cơ hội để đánh giá, nhìn nhận lại, tối ưu hóa tất cả mọi thứ với 500 cửa hàng này. Khi làm tốt, có đồng lời thì chúng tôi sẽ tăng tốc ở một thời điểm thuận lợi của năm sau, nhưng thời điểm này chúng tôi quyết định dừng lại ở con số 500".
Tính đến hết quý 3/2022, An Khang đang vận hành 529 nhà thuốc và còn cách khá xa mục tiêu tuyên bố từ đầu năm là 800 cửa hàng. An Khang tập trung vào 2 nhóm: khách vãng lai mua thuốc thông dụng và khách hàng mua thuốc theo toa, khách mãn tính. An Khang đặt mục tiêu đủ thuốc theo toa của bệnh viện và có mục tiêu giữ chặt nhóm khách hàng này.
Tuy nhiên, hiện nay, doanh thu trung bình 1 cửa hàng An Khang là 350-400 triệu đồng. Nếu đạt doanh thu trung bình khoảng 450-500 triệu đồng cộng biên lợi nhuận gộp đang có là 22%, cùng với việc kiểm soát tốt như hiện tại thì doanh thu 500 triệu đồng là đạt hòa vốn và thậm chí có lời.
Theo ông Hiểu Em, sang năm 2023 An Khang sẽ không chạy theo số lượng cụ thể mà các cửa hàng mở mới được mở ra một cách thận trọng, tập trung vào chất lượng, hiểu rõ mở ở đâu, mở thế nào đảm bảo lợi nhuận, EBITDA dương.
Khắng định đã tất toán các khoản vay
Về tình hình tài chính doanh nghiệp, Giám đốc Tài chính (CFO) Thế Giới Di Động Vũ Đăng Linh cho hay, những tháng gần đây dù nền kinh tế có nhiều bất ổn nên doanh nghiệp đã thực hiện chiến lược thận trọng và phòng thủ cả hiện tại và thời gian tới.
CFO Thế Giới Di Động cho biết, hiện doanh nghiệp này làm việc với hầu hết các ngân hàng Việt Nam và trên thế giới. 
Vị này dẫn chứng, các nhà băng trong nước như Vietcombank, BIDV, Vietinbank,… đều có quan hệ tốt với Thế Giới Di Động và khẳng định trong thời gian tới doanh nghiệp sẽ không gặp bất cứ khó khăn gì về dòng tiền.
CFO MWG khẳng định không có bất cứ khó khăn nào về tài chính hay bất cứ vấn đề gì về dòng tiền. Ngoài ra, vị lãnh đạo này cũng tiết lộ ngày 21/11, MWG đã thực hiện xong khoản vay hợp vốn 120 triệu USD do HSBC thu xếp hai năm trước.
Thế Giới Di Động cũng vừa nhận được khoản đầu tư 250 triệu USD từ các tổ chức tài chính, ngân hàng thế giới với chi phí vay hợp lý. Các ngân hàng sẵn sàng cung cấp khoản vay tới 350 triệu USD.
Ngoài ra, Thế Giới Di Động cũng duy trì khoản vay ngân hàng Mizuho của Nhật, vay từ tháng 3 năm ngoái và tháng 3 năm sau mới phải trả bằng USD. Còn các khoản vay USD khác đã được tất toán hết.
"Lãi suất các khoản vay bằng VND của MWG là mức lãi suất tốt so với thị trường. 10 năm vừa qua, MWG hầu như không có chi phí tài chính, năm nay nếu có thì chỉ ở mức độ thấp", CFO Thế Giới Di Động cho biết.
Tính tới cuối quý III, Thế Giới Di Động có tổng nợ vay khoảng 22.825 tỷ đồng nợ vay, trong đó gần 5.968 tỷ là vay dài hạn. Doanh nghiệp vay chủ yếu là từ ngân hàng, dư nợ trái phiếu chỉ có 1.135 tỷ đồng tại ngày 30/9.
Với quy mô như Thế Giới Di Động hiện tại, công ty luôn phải duy trì khoản vay từ 10.000 - 12.000 tỷ, chi phí tài chính năm nay ước tính khoảng 150 tỷ.
Xung quanh thông tin "khó khăn" do liên quan tới các khoản đầu tư trái phiếu, Giám đốc Tài chính của doanh nghiệp cho biết, MWG là công ty không mua trái phiếu sơ cấp từ tổ chức phát hành. 
Đại diện MWG khẳng định 1.611 tỷ trái phiếu ngắn hạn công ty đầu tư 100% đến hạn thanh toán trong 1 - 3 tháng tới. Đây là những trái phiếu có tài sản đảm bảo và cam kết mua lại từ đơn vị bảo lãnh theo hợp đồng, danh mục đầu tư đa dạng từ hơn 10 tổ chức phát hành. 80% không liên quan đến ngành bất động sản, chủ yếu là trái phiếu của các ngân hàng quốc doanh, doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực tài chính, sản xuất, dịch vụ.
Lãnh đạo MWG cũng vừa liên tiếng khẳng định 100% trái phiếu hoàn toàn không có mối quan hệ nào với các doanh nghiệp/tập đoàn và các ngân hàng/công ty chứng khoán đang được điều tra hay nhắc đến gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến các sai phạm trong phát hành trái phiếu.
Minh Quang (t/h)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN